Mùa Chay năm nay bắt đầu ngày 1 tháng 3, tức thứ Tư Lễ Tro. “Chay” làm tôi nghĩ ngay tới nhịn ăn nhịn uống, điều dù muốn dù không đã nằm lòng trong tôi từ nhỏ. Đối với một đứa trẻ, không được ăn thứ mình thích, không được uống thứ mình mê thì còn gì bực bội hơn. Tôi nhớ mùa chay nào tôi cũng uống nhiều nước lã hơn bình thường cho đỡ buồn miệng. Giữ chay theo tôi lúc đó một phần là giữ luật và một phần là giữ thể diện.
Bốn mươi ngày Mùa Chay không phải là dài đăng đẳng, nhưng dư làm cho tôi bức rức khó chịu. Hơn nữa nó không phải là chuyện một lần hay vài tháng như một khoá huấn luyện nào đó, mà lập lại hết năm này qua năm khác, làm cho tôi dừng lại suy nghĩ. Chúa có vui khi tôi nhịn ăn nhịn uống không? Nếu không thì, qua tập tục chay tịnh của Giáo Hội, Chúa muốn nhắn gởi tôi điều gì? Tôi muốn tìm một ý nghĩa cho Mùa Chay.
Trong Cựu Ước, ăn chay thường là để đền tội. Tiên Tri Giô-en trong bài đọc một của Lễ Tro nói đến việc trở về với Chúa trong “chay tịnh, nước mắt và than van” hầu Chúa thương xót và tha thứ tội lỗi cho dân Người. Đúng là con người với thân xác yếu đuối không sao tránh khỏi lỗi lầm. Nhưng có phải hãm mình là để nhận ra mình không xứng đáng, hay là để Chúa thấy sự thiểu não của mình mà động lòng trắc ẩn?
Thánh Phao-lô trong thư thứ hai gửi tín hữu Thành Cô-rin-tô lại có những lời lẽ nhẹ nhàng hơn. “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh chị em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa”. “Làm hoà” ở đây gần như đặt con người “ngang hàng” với Thiên Chúa. Thực ra, Phao-lô “năn nỉ” là vì ngài nhận thấy con người thiển cận không nhìn ra mối tình chung thuỷ và ngàn đời giữa Thiên Chúa và nhân loại, không nhìn ra ân sủng tuôn trào qua việc “làm hoà” của Thiên Chúa nơi Con Một yêu dấu. Thiên Chúa tạo dựng và ban sự sống cho con người, rồi Thiên Chúa lại đến sống chung với con người.
Lướt qua hai bài đọc trên, tôi thấy bằng cách này hay cách khác, qua người này hay người kia, Chúa muốn mời gọi mỗi người đến gần Chúa hơn. Chúa Giê-su trong Phúc âm Mat-thêu nhắc nhở các môn đệ hãy ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái không phải để phô trương trước mặt thiên hạ, nhưng là để đến với Cha, “Đấng thấu suốt mọi bí ẩn”.
Đến gần mà vẫn xa nếu không có sự thành thật hay ít ra là sự thông cảm. Chúa Giê-su cảnh giác các môn đệ tới ba lần: Đừng làm như bọn giả hình. Con người tội lỗi, tự ti mặc cảm, cho nên dễ mang lên mình những gì là giả tạo là bề ngoài để che mắt người đời. Chỉ có lối thoát duy nhất là đến cùng Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự, Đấng đón nhận thân phận yếu hèn của con người vì chính Con Người đã giang tay trên thập giá, yếu đuối và trần trụi. “Chay” là thanh luyện, là lột bỏ dần đi những gì che mờ mắt ta, để nhìn thấy và nhận ra khuôn mặt đầy lòng từ bi và thương xót của Đấng Cứu Độ.
Không có gì đau khổ cho bằng tình yêu giả dối. Nhưng cũng không có gì mãnh liệt hơn tình yêu chân thật. Sẽ không có ơn cứu độ nếu không có tình yêu tuyệt đối.
Lạy Chúa, thân xác con đây đến từ bụi tro và sẽ trở về tro bụi. Xin nung nấu trong con lửa mến liên lỉ của Thánh Thần.
Lm. Phao-lô Trần Bá Hùng