Ai đến với Ta sẽ không hề đói

Spread the love
-ĐÔ. Phaolô Phan Văn Hiền
Nỗi lo thiếu ăn vẫn luôn là một thao thức hàng đầu của con người từ xưa đến nay, vì nó đụng đến bản năng sinh tồn của con người. Không có lương thực đồng nghĩa với sự chết. Vì vậy không lạ gì khi dân Do Thái đã chống đối Môi Sen và Aaron một cách dữ dội, dù hai ông đã có công đưa dân ra khỏi cảnh sống nô lệ ở Ai Cập và bảo đảm sẽ dẫn họ về miền đất hứa màu mỡ. “Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vậy?” Và Thiên Chúa đã ra tay can thiệp, qua lời cầu xin của Môi Sen, cho họ được no nê bánh thịt mỗi ngày. Nhờ đó Môi sen mới được yên thân.   Nói cách khác, đối với dân chúng, người nào có thể lo cho họ có đủ cơm bánh, thì họ sẵn sàng chọn người đó làm lãnh đạo của mình. Và đó chính là điều đã xảy ra với Chúa Giê-su, sau khi Ngài làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều cho năm ngàn người ăn no nê thỏa thích. Lập tức, dân chúng muốn bắt ép Ngài làm vua của họ.

Cũng như Thiên Chúa thời Môi sen, Chúa Giê-su luôn quan tâm tới đời sống của con người: vật chất cũng như tinh thần. Nhưng điều quan trọng không phải là cung cấp lương thực chỉ giúp họ no bụng, nhưng lười biếng, và kết quả chỉ làm cho thân xác nở bề dọc, bề ngang. Ngài muốn mọi người mở rộng tầm nhìn cao hơn, tìm kiếm của ăn không hư nát, của ăn mang lại sự sống đời đời. Đó chính là mình và máu Ngài, bánh ban sự sống thật. Và bánh hằng sống được Ngài để lại trong Bí tích Thánh Thể và nhờ đó lưu truyền cho mọi thế hệ đến muôn đời.
 
Bánh hằng sống này chính là năng lực giúp người Ki-tô hữu sống đức tin mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh và sống hạnh phúc. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với kinh nghiệm 13 năm tù, đã quả quyết: “Đèn không sáng nếu hết dầu; xe không thể chạy nếu cạn xăng; hồn tông đồ sẽ suy mạt nếu không đến với Thánh Thể” (Đường Hy Vọng 360).
 
Nhưng với những ai tha thiết yêu mến Thánh Thể, cuộc đời họ sẽ tràn đầy niềm vui, dù phải sống trong cảnh tù đày, mất tự do. Kinh nghiệm của Đức Hồng Y Thuận và các sĩ quan học tập cải tạo sau 1975 tại quê nhà, đã giúp chúng ta xác quyết điều đó: “Con thiếu tất cả, con mất tất cả; nhưng con còn Thánh Thể là còn tất cả, vì con còn có Chúa Thiên Đàng dưới đất” (ĐHV 363).
 
Thế giới ngày nay với chủ trương đề cao khoa học, khuyến khích tiêu thụ vật chất, đang làm đảo lộn các giá trị tinh thần và loại trừ tôn giáo. Nhiều người Ki-tô cảm thấy lạc lỏng và lung lay đức tin. Làm sao để tìm lại và củng cố đức tin của mình? Làm sao cảm nhận được Thiên Chúa gần gũi với mình, quan tâm đến mình? Câu trả lời đã được Đức Hồng Y xác quyết, kinh qua năm tháng tù đày của minh: “Muốn tin, phải nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng ‘mầu nhiệm đức tin’ và ban sức mạnh đức tin cho con” (ĐHV 373).
 
Chúa đã tiên liệu và cung cấp cho chúng ta mọi phương thế để sống hạnh phúc và sống đời đời. Được vậy hay không là tùy ở quyết định và quyết tâm của mỗi người chúng ta.