– Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền Thế kỷ 21 với sự phát triển vượt bực của khoa học và kỹ thuật, đã khiến cho nhiều người mất niềm tin vào tôn giáo, và chỉ chấp nhận những gì khoa học có thể chứng minh được. Theo một thống kê mới đây về niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, hơn một nữa số người Công Giáo tại Mỹ được phỏng vấn, chỉ xem đây là một hình thức tưởng niệm việc Chúa Giê-su đã làm trong bữa tiệc ly mà thôi. Thật ra, sự hoài nghi và chối bỏ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể không phải là một điều gì mới lạ, vì ngay từ thời Giáo Hội sơ khai và trãi dài trong suốt hơn 2000 năm của lịch sử Giáo Hội, nhiều người và giáo phái cũng đã phủ nhận điều này. Dựa trên lý luận tự nhiên, họ xem đây là một việc không tưởng. Làm sao bánh và rượu lại trở thành thịt và máu của Chúa Giêsu… Ngay cả trong Giáo Hội, lịch sử cũng đã ghi lại một số linh mục đã hồ nghi về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, và Thiên Chúa đã làm phép lạ khiến cho bánh rượu sau khi được linh mục truyền phép đã trở thành thịt và máu thật sự, như tại Lanciano, nước Ý năm 700 và tại Orvieto, Ý, năm 1263. Những phép lạ Thánh Thể này đã được các nhà khoa học tìm hiểu, thí nghiệm và xác nhận như là hiện tượng không thể giải thích được. Đúng vậy. Nếu chỉ dựa vào khoa học và lý luận tự nhiên, con người không thể nào giải thích được hiện tượng bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Nhưng với Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, thì không có gì là không thể được. Và Ngài đã thực hiện phép lạ này vì tình yêu bao la Ngài dành riêng cho con người. Ngài muốn để lại Mình và Máu Ngài làm của ăn thiêng liêng cho những ai tin vào Ngài. Như vậy, bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu và mời gọi được đáp trả bằng tình yêu. Mỗi lần tham dự thánh lễ và rước Mình và Máu Chúa, chúng ta ý thức và cảm nhận tình thương diệu kỳ của Chúa, nhưng đồng thời chúng ta cũng được thôi thúc san sẻ tình yêu đó với những người chung quanh. Mang Chúa về nhà của mình, mang Ngài đến nơi làm việc, đến bất kỳ ai chúng ta gặp trong cuộc sống hằng ngày, bằng sự quan tâm chân thành, bằng tình yêu tha thứ, và bằng việc phục vụ trong khiêm tốn. Gia đình Công Giáo ngày nay đang đối mặt với nhiều thách đố về đạo đức và hiệp nhất. Nếu muốn gia đình mình tràn ngập yêu thương, hòa thuận, chúng ta chỉ có một cách. Đó là sống Thánh lễ suốt ngày, như Đấng Đáng Kính Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận quả quyết: “Gia đình thánh thiện là gia đình hâm mộ Thánh lễ” (ĐHV 353). Yêu kính Mình và Máu Chúa là điều kiện tất yếu để biến đổi bản thân, canh tân gia đình và làm cho xã hội tốt đẹp hơn. |