Thiên Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia: giống như mưa làm cho đất phì nhiêu và con người có cơm ăn thì “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả.” Thiên Chúa nói, thì sẽ có hiệu quả, vì Lời của Chúa đầy quyền năng. Sách Sáng thế ký kể chuyện Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ bằng Lời của Ngài: “Thiên Chúa phán: hãy có ánh sáng. Liền có ánh sáng.” (xem Stk 1).
Hiệu quả của Lời Chúa thật lớn lao. Thế nhưng, tại sao ngày nay chúng ta không còn thấy sức mạnh của Lời Chúa? Tự xét bản thân, tại sao chúng ta đã nghe không biết bao nhiêu Lời trong Kinh Thánh, mà vẫn không thấy hiệu quả gì rõ rệt? Bài Phúc âm hôm nay cho biết: không phải tại Lời Chúa, mà là tại chúng ta. Người đón nhận Lời Chúa như mảnh đất tốt thì sẽ sinh nhiều bông hạt. Kẻ như đất bên vệ đường, đất đầy sỏi đá, hay đất nhiều gai góc thì không thể sinh hoa kết quả. Vấn đề bây giờ là phải làm sao để Lời Chúa sinh hoa kết quả nơi chính mình.
Con người không phải là mảnh đất. Đất thì thụ động đón nhận. Con người thì phải chủ động. Chúng ta có lý trí, có tình cảm và nhất là có ý chí tự do. Vì thế cách thức đón nhận Lời Chúa cũng không thể thụ động như vật chất vô tri. Cha Mark Link đề ra một phương pháp lắng nghe Lời Chúa qua ba giai đoạn như sau.
Giai đoạn thứ nhất: nghe bằng trí. Dùng trí tưởng tượng hình dung những tình tiết, nhân vật, hình ảnh trong câu chuyện mà ta đang nghe. Sau đó suy nghĩ xem Chúa muốn dạy gì qua câu chuyện này. Tìm hiểu, học hỏi, nếu có thể.
Giai đoạn thứ nhì: nghe bằng tim. Ấp ủ chân lý mình đã lắng nghe. Ghi nhớ. Mang về nhà nghiền ngẫm và cầu nguyện. Giống như đất ôm ấp hạt giống rất lâu trong lòng mình cho đến khi nó nẩy mầm.
Giai đoạn thứ ba: nghe bằng linh hồn. Để cho Lời Chúa mổ xẻ con người mình, như Lời trong thư Do thái: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”(Dt 4:12). Cương quyết thay đổi theo Lời Chúa dạy, dầu có phải hy sinh.
Lời Chúa là ánh sáng, là sức sống, là hy vọng của đời ta. Điều kiện thiết yếu là ta phải biết lắng nghe, biết ấp ủ trong lòng mình và biết chấp nhận hoán cải đời mình theo Thánh Ý Chúa.
-Lm. F.X. Bùi Ngọc Tỷ