– Lm. Giuse Hoàng Tiến Đoàn, S.J. Anh chị em thân mến, Trong phúc âm hôm nay, Chúa Giê-su đã tiên đoán về thời kỳ cuối cùng dành cho tất cả mọi người chúng ta, những người đang sống và cùng nhau bước đi trên giải đất của hành tinh này. Hai ngàn năm trước những người vào thời Chúa Giê-su đã hỏi ngài: “Thưa Thầy, khi nào điều này sẽ xảy ra; và những gì sẽ là dấu hiệu cho biết điều ấy sắp sảy đến?” Chúa Giê-su không trả lời rõ ràng và cụ thể nhưng tiên báo cho họ về một số dấu hiệu như là những cảnh báo về sự cánh chung và là kết thúc lịch sử nhân loại sẽ đến sớm hơn người ta mong đợi! Chúng ta thường nghĩ ngay về ngày tận thế sẽ sảy đến vào thời gian và trong một khung cảnh không gian nào đó. Thời gian mà chúng ta có thể dự đoán ra là … vào những ngày, tuần, tháng và năm nào đó. Nhưng cũng có một thời gian khác mà chúng ta cần nhận định: Đó là thời gian tâm lý của chính chúng ta. Thời gian mà chúng ta đang sống, trong đó một ngày chúng ta cảm tưởng dài đến hàng thế kỷ, và một giờ cũng có thể thoáng qua nhanh như một giây. Ví dụ như khi bạn đi đến một bữa tiệc vui chơi với bạn bè trong không khí hoan hỉ sôi động với ca nhạc, múa hát và ăn uống vui vẻ thân tình. Bạn đến nơi tham gia trò chuyện và tận hưởng những giây phút hân hoan khoái lạc. Thế rồi một người bạn đến nói với bạn, “Đã đến giờ chúng ta nên về nhà thôi vì đã 2 giờ sáng rồi còn gì! Anh/Chị không biết sao?” Lúc ấy, bạn ngẩn người ra, “Ủa, cái gì? Đã 2 giờ sáng rồi à? Lại chẳng phải là: tôi vừa đến đây mới chỉ mấy phút sao?” Bạn đã quên mất thời gian. Đó là thời điểm tâm lý mà các Kitô hữu xa sưa đã nói đến. Thời điếm mà người ta bị choáng ngợp trước những sự kiện và biến cố dồn dập sảy đến mà họ đã không thể tiên liệu trước, và cũng đã không ngờ nó sẽ xảy đến nhanh như thế. Hôm nay cũng thế, người giáo hữu chúng ta có thể bị choáng ngợp trước những biến cố dồn dập sảy đến mà chúng ta đã không thể biết, mà cũng không thể hình dung ra trước được. Lúc ấy chúng ta mong mỏi Chúa Kitô mau đến để đem lại công chính và bình an, hòa giải giữa các dân tộc và đem lại an cư lạc nghiệp cho mọi người ở khắp mọi nơi. Các Kitô tiên khởi sống trong thời bách hại cách đây gần 2 ngàn năm đã mòn mỏi trông mong như thế trong hoàn cảnh xã hội và thế giới họ đã sống. Ngày hôm nay, chúng ta cũng có những cảm tưởng như thế khi đang phải đối diện trước những khủng hoảng về chiến tranh, kinh tế, xã hội và chính trị vào thời điểm và hoàn cảnh mà chúng ta đang sống. Chúng ta cầu mong Chúa đến và sớm can thiệp vào những biến động đang dồn dập sảy đến giữa chúng ta. Xin Chúa cứu giúp mang lại bình an và thịnh vượng cho mọi người. Tuy nhiên, riêng về phận sự của mình, chúng ta đã và đang nỗ lực làm những gì? Có thật sự sẵn sàng thực hành thánh ý Chúa, nỗ lực hòa giải, gạt bỏ những hiềm khích và xung khắc để cùng nhau tìm kiếm sự hòa giải chân thực chưa, hay chỉ biết khoanh tay chờ đợi ? |