– Lm. Kim-Đăng Có một video của nhóm Sống Cao Thượng với tựa đề “Yêu Ngọt Hay Yêu Ngặt”, (dịch ra chữ từ tiếng Anh là “Sweet Love or Tough Love”). Video clip này có thể giúp chúng ta hiểu được lời của Chúa dạy chúng ta trong tuần thứ XXI quanh năm này. Hình ảnh của việc “Yêu Ngọt”, là hình ảnh của một em bé, khi chúng ta cho một cây kem mắt cháu sáng lên, cười tươi, và cháu ăn ngon lành! Nhưng nếu cha mẹ mà khôn ngoan, thì không phải lúc nào cũng cho con ăn kem. Ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, bất cứ lúc nào cũng cho ăn kem thì sẽ làm hại sức khỏe của cháu. Bởi thế mà phải tập cho các cháu ăn cả rau, thịt cá và cả trái cây nữa thì các cháu mới lành mạnh được. Khi chúng ta bắt đầu tập cho cháu ăn rau, ăn cá, ăn thịt, thì có nhiều cháu không thích đâu, có khi còn khóc, dãy dụa, gào thét, không chịu ăn, mà chỉ đòi ăn kem. Nhưng mà cha mẹ khôn ngoan, thì không thể chiều con cái mãi được. Cho dù cháu có khóc, có gì đi chăng nữa thì cũng phải tập cho các cháu ăn nhiều món khác để cho con cái được khỏe mạnh, trưởng thành sau này. Vì vậy, khi mà chúng ta cho các cháu bé cây kem mà cháu tỏ vẻ tươi tỉnh, cảm ơn mình, hình ảnh đó diễn tả cái “Yêu Ngọt”. Yêu mà yêu cách ngọt ngào. Còn khi chúng ta tập cho các cháu những điều tốt khác nữa, mà các cháu không chịu, nhưng chúng ta cứ vẫn tập cho bằng được, thì đó là ý nghĩa của “Yêu Ngặt” (Tough Love). Trong truyện cổ tích Việt Nam, truyện về Lưu Bình – Dương Lễ đã nói lên cái ý nghĩa giữa bạn bè với nhau cũng có lúc nên xử một cách “Yêu Ngặt” chứ không phải “Yêu Ngọt”, để có thể giúp nhau nên người. Điều đó giúp chúng ta suy gẫm vào Lời Chúa hôm nay. Bài đọc I, trích từ sách Tiên Tri Isaia (66:18 trở đi) nói lên một hình ảnh rất ngọt ngào về tình thương của Chúa với dân thánh của Chúa và với tất cả mọi dân tộc. Chúa nói là sẽ tập họp tất cả mọi dân tộc mọi ngôn ngữ lại, rồi họ sẽ đến để thấy được vinh quang của Chúa, rồi họ được những ơn này, ơn kia. Họ từ khắp các nơi đến bằng ngựa, bằng xe, bằng võng cáng, bằng lừa, lạc đà để về Núi Thánh của Chúa là Jerusalem. Và tất cả trong họ được những ơn lành của Thiên Chúa bằng cách này hay cách khác. Đó là hình ảnh ngọt ngào của tình thương của Chúa đối với dân Thánh của Ngài và cả các dân tộc khác. Tuy nhiên đến bài đọc II, thì chúng ta lại thấy cái nét khác về tình yêu của Thiên Chúa, đó là “Yêu Ngặt”. Vì bài trích thư gởi cho người Do Thái (12:5 trở đi) nói là, Chúa thương ai thì Chúa mới sửa dạy kẻ ấy, mà Ngài có nhận ai là con cái thì Ngài mới cho roi cho vọt. Chính các bản gốc và bản dịch vẫn dùng chữ cho roi cho vọt giống y như câu ca dao của Việt Nam chúng ta nói là “Thương Con Cho Roi Cho Vọt; Ghét Con Cho Ngọt Cho Bùi”. Vì những điều mà Chúa kỷ luật chúng ta, Chúa răn dạy chúng ta, Chúa sửa phạt chúng ta, có khi Chúa đánh đòn chúng ta một chút, chỉ là để chúng ta giật mình mà không phạm sai trái, để tránh khỏi những đổ vỡ lớn trong cuộc đời của mình. Thư gởi cho người Do Thái nói rất là rõ ràng: “Vì cái tình yêu mà “Yêu Ngặt” này của Chúa, anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Đó là cách của Ngài đối xử với anh em như những người con”. Thật vậy, có con cái nào mà cha mẹ không có sửa dạy bao giờ? Và đó là hình ảnh “Yêu Ngặt” mà chúng ta thấy được ở Chúa trong bài đọc II hôm nay. Rồi trong bài Phúc Âm trích từ Phúc Âm theo Thánh Lu-ca (13:22 trở đi) thì Chúa GiêSu cũng nhắc lại hình ảnh về sự “Yêu Ngặt” (Tough Love) rất rõ ràng là: “anh em hãy phấn đấu để qua được cửa hẹp, hãy đi qua cửa hẹp mà vào, vì có nhiều người tìm cách vào mà không thể được”. Để Chúa phải sửa phạt trực tiếp, thì lúc đó đau khổ lắm. Vậy khi chúng ta tự kỷ luật chính mình, là chúng ta đã hiểu được ý nghĩa “Yêu Ngặt” của Chúa. Khi mà chúng ta tự kỷ luật mình như vậy, là khi chúng ta đang sinh hoạt theo cái “Yêu Ngặt”; là chúng ta đang đi theo đường hẹp mà vào. Đó là điều Chúa chỉ dạy và khuyến khích. Còn những ai chỉ muốn chiều chuộng chính mình, lúc nào cũng muốn dễ dãi, thoải mái, lúc nào cũng muốn ích kỷ vơ vào cho mình, thì không xứng đáng với Nước Trời. Có những lúc ta thấy tình yêu của Chúa cho chúng ta thật ngọt ngào. Ngài chăm sóc chúng ta từng li từng tí, và ban tất cả những ơn lành cần thiết. Nhưng mặt khác, với tình “Yêu Ngặt” của Chúa, Chúa cũng muốn áp dụng nó cho chúng ta. Mà nếu chúng ta tự áp dụng cho chính mình bằng cách dấn thân; bằng cách hy sinh một chút, thì như vậy, cái phần Chúa phải sửa phạt của chúng ta thì tự nhiên nó sẽ nhẹ đi. Đó là cách thức của chúng ta đáp lại tình yêu của Chúa đối với chúng ta dẫu là “Yêu Ngọt hay Yêu Ngặt”. Khi chúng ta đáp lại ơn Chúa bằng sự hy sinh; bằng sự hãm mình; bằng những việc lành phúc đức cho những người chung quanh, hoặc đóng góp công sức cho Danh Chúa được cả sáng, cho Nước Chúa được trị đến, như vậy, thì chúng ta không còn phải sợ những cách “Yêu Ngặt” mà Chúa có thể phải trao cho chúng ta để chúng ta thêm lành mạnh và trưởng thành trước mặt Chúa. |