– Lm. Giuse Maria Hoàng Tiến Đoàn, S.J. Anh chị em thân mến, Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, chúng ta đã được nghe Môise nhắc nhở: “Luật pháp này không nằm ngoài tầm sức của con người. Nó không ở trên trời, và nó không ở dưới biển. Nó ở ngay cận kề bên bạn. Nó ở trong miệng, trong tim của bạn! ” Trong bài đọc phúc âm, chúng ta biết có một luật sư đến gặp Chúa Giêsu và hỏi: “Thưa Ngài, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Người đàn ông này không đưa ra một câu hỏi mông lung, nhưng là một thắc mắc rất hiện thực từ bên trong những giới luật của Môise, mà ông đã học hỏi. Bởi thế Chúa Giêsu hỏi ngược lại ông, “Ông đã đọc thấy gì trong sách Luật?” Và ông trả lời ngay vào những điểm trọng yếu trong luật Môise mà ông biết rõ: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi, và thương yêu giúp đỡ người thân cận như chính mình.” Chúa Giê-xu xác nhận và nói với ông, “Ông đã trả lời đúng, hãy làm điều các điều này và ông sẽ được sống đời đời.” Tuy nhiên, sau đó ông luật sư đã đưa ra một câu hỏi khác thật hóc búa: “Vậy ai là người thân cận của tôi?” Đây là một câu hỏi khó và nguy hiểm vì Chúa Giê-su đã bị buộc tội là đã đi vượt xa hơn Luật Môise, Luật thánh không thể thay đổi đối với người Do Thái. Tuy nhiên, phải chăng đi xa hơn Luật có nghĩa là chống lại Luật? Chúa Giê-su, người được xem như là đã phạm luật vì đã chữa bệnh cho cả người La Mã lẫn người ngoại giáo, giống như đã chữa bệnh cho người Do Thái, mà lại chữa bệnh ngay cả trong Ngày Hưu Lễ (Sabath) nữa! Như thế thì … Đức Giêsu sẽ phải trả lời thế nào đây? Ngài đã không trả lời trực tiếp, nhưng kể một câu chuyện. Đó là câu chuyện kể về một người Do Thái đi bộ từ Giêrusalem đến Giêricô. Trên đường đi, anh Do Thái này đã bị cướp đánh đập tàn nhẫn, đến nỗi què quặt, và máu chảy lênh láng đến nguy tử. Một người Do Thái là tư tế đi qua, rồi lại một người Do Thái khác là thầy thông luật cũng đã đi qua. Nhưng tất cả những người này đều làm lơ tránh qua một bên mà đi. Lý do, vì họ hiểu rõ về Luật và không muốn dây mình vào một kẻ lâm nạn sắp chết. Vì theo Luật, ai giây mình vào xác chết thì thành kẻ nhơ không được vào đền thánh mà cầu nguyện và tế tự. Tuy nhiên, một người Samaria – mà người Do Thái vẫn coi khinh như một người ngoại, không phải người thân cận. Anh Samaria này đã bị đánh động vì lòng thương cảm. Anh ta dừng lại băng bó các vết thương, đổ dầu và rượu vào để băng bó giúp cho cầm máu lại, rồi đưa kẻ lâm nạn đến một quán trọ ở nông thôn để điều trị, đồng thời cam kết với người chủ quán trọ bảo đảm thanh toán tất cả các khoản chi phí liên quan. Kết thúc câu chuyện, Chúa Giê-su hỏi luật sư: “Vậy ai là người thân cận của người bị đánh bên đường?” Luật sư suy nghĩ về luật pháp, một luật thành văn như thường lệ vẫn được giải thích một cách rất hạn chế; và rồi sau đó, ông thốt ra từ chính lòng mình, từ quả tim biết rung cảm thương yêu vượt lên trên tất cả mọi ràng buộc của Luật: “Đó chính là người đã biết yêu thương cứu giúp kẻ lâm nạn!” Từ chính trong tâm tư lòng dạ mình, vượt xa hơn tất cả những gì luật pháp cho phép, ông luật sư đã hiểu ra và tìm lại được chính bản thân mình. Ông đã nói tiếng nói của quả tim, và tìm lại được chính mình mà tưởng chừng ông đã quên mất vì quá chú tâm đến Luật. Qua câu chuyện để trả lời ông luật sư, Chúa Giêsu đã giúp ông tìm lại được chính mình! Bạn đang nghĩ gì và cảm thấy gì về chính mình khi đọc và suy nghĩ về câu chuyện này trong phúc âm? |