Phúc Thật Tám Mối

Spread the love
– Lm. Joseph Kim Đăng
Bài Phúc Thật Tám Mối do chính Chúa Giêsu giảng và được cả hai Thánh ký là Lu-ca và Mát-Thêu ghi lại.   Thánh Lu-ca ghi lại trong Phúc Âm của Ngài (6.17-26): “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ…” Nhưng Lu-ca chỉ ghi lại có 4 điều phúc. Gần đây Giáo Hội sắp xếp lại bài đọc trong năm, thì bài Phúc Thật Tám Mối này được dùng trong nhiều thánh lễ khác nhau, để nói lên rằng: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của các phúc lành.   Thiên Chúa chỉ chờ những cơ hội trong cuộc đời chúng ta để Ngài ban thêm nhiều phúc lành cho chúng ta. Thật ra Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều mối phúc lắm chứ không phải chỉ có Tám Mối. Người ta gọi Phúc Thật Tám Mối cho thuận miệng dễ nhớ. Riêng ngày hôm nay chúng ta chỉ chú tâm đến một điều trong “Phúc Thật Tám Mối” để chúng ta suy gẫm sâu xa hơn. Đó là “phúc cho những ai có TINH THẦN nghèo khó, vì Nước Trời là của họ“.

Vào thời xưa nói chung, hay thời của Chúa Giêsu nói riêng, có rất ít người giầu, chỉ có một vài người thuộc Hoàng Gia có họ hàng thân thuộc với nhà vua, hoặc một vài thương gia mới giầu có. Còn lại tất cả dân chúng đều nghèo, và thời đó chưa có giới trung lưu (middle class). Chính vì thế mà những người giầu muốn bảo vệ quyền lợi của họ, thì họ thường bóc lột cách này, cách khác, hay họ phải mua lấy chức tước để cai trị người khác.

Đó là tình hình xảy ra mấy ngàn năm trước, vì vậy mà người nghèo là người bị thiệt thòi đủ mọi điều, và họ thường bị khinh khi, bóc lột bởi giới nhà giầu. Chính vì thế mà Chúa nói lên cái phúc đầu tiên, là cho tất cả những người nghèo. Thật ra đó gần như là tất cả dân chúng, vì đại đa số đều nghèo, “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ”.

Câu của bản gốc chỉ là “Phúc cho những ai nghèo khó”, nhưng các học giả muốn dịch câu cho trơn, thì viết là “Phúc cho những ai có TINH THẦN nghèo khó”, bởi vì có sự móc nối điều Chúa dạy về những người nghèo khó này, với phúc lành của Chúa dành cho những ai trông cậy Ngài. Đây là chủ đề rất lớn – chủ đề “Người nghèo của Thiên Chúa” hay “Người nghèo của Giavê”.
 
Chủ đề trên không lưu tâm gì mấy đến việc người ta có của cải nhiều hay ít. Điều quan trọng là họ có trọn “Niềm Trông Cậy” vào Thiên Chúa hay không. Cho nên đối với người nghèo của Giavê – của Thiên Chúa, cho dù Chúa cho họ nhiều hay ít,  hay ở trong bất cứ hoàn cảnh nào thì họ vẫn không đổi lòng, vẫn luôn trông cậy vào Thiên Chúa. Đó là hình ảnh người nghèo của Giavê mà Kinh Thánh nhắc tới, chứ không phải chỉ nói đến người nghèo về địa vị, tiền bạc.
 
Điều này cũng nhắc nhở chúng ta về chủ đề “người nghèo” trong bài kinh Magnificat. Đức Mẹ cũng nói lên sự tương phản giữa giầu và nghèo, sự đối lập giữa những kẻ có quyền hành, và những kẻ bị bắt nạt, bị bách hại. Magnificat cũng phản ảnh thật mạnh mẽ chủ để “Người nghèo của Giavê” khi Đức Mẹ nói “kẻ đói nghèo Chúa ban của dư đầy, còn người giầu có thì đuổi về tay trắng.” Yếu tố đối nghịch trong kinh Magnificat và trong “Phúc Thật Tám Mối” có nhiều nét rất giống nhau, vì có cùng một chủ đề “Người nghèo của Giavê”.
 
Vì vậy, để có một kết luận có ích lợi cho chúng ta, lần này chúng ta nhắc nhở nhau, nhắc nhở chính mình, cố gắng học lấy một điều thôi, đó là dốc lòng trông cậy vào Thiên Chúa. Dù Chúa cho mình giầu, hay vẫn còn nghèo. Khi khỏe mạnh, cũng như những lúc ta bị bệnh tật, khi ta thành công hay thất bại, lúc nào ta cũng tập luyện trông cậy vào Chúa, luôn  trọn niềm tin tưởng vào Chúa, thì chúng ta sẽ được liệt vào loại  “Người nghèo của Giavê” – “Người nghèo của Thiên Chúa” và cái phúc mà ta được nhận sẽ là  “Nước Trời là của họ”, điều mà do chính Chúa Giêsu dạy và hứa với chúng ta và Ngài đã hứa, thì chắc chắn Ngài sẽ ban cho chúng ta.