Ý Nghĩa Đích Thật Của Luật

Spread the love
– Lm. Giuse-Maria Hoàng Tiến Đoàn, S.J.
Như bạn đã nghe trong phúc âm hôm nay, những người từ Giêrusalem chăm chú quan sát và phân tích, để bắt gặp một số môn đồ của Chúa không rửa tay trước khi dùng bữa. Họ đã tức giận với Ngài, “Tại sao ông đã không quở trách họ; tại sao ông lại làm ngơ mà không nói một lời nào? ”   Nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu huênh hoang tự đắc về sự hiểu biết và tôn trọng luật pháp của họ. Thực ra họ chỉ chủ ý tạo thêm uy danh cá nhân và quyền lực của họ. Rõ ràng họ đặt ra luật không phải để tạo ổn định cuộc sống trong trật tự và niềm vui. Họ nại đến pháp luật để kiện tụng và tố cáo lẫn nhau, để tìm cách trục lợi và tham quyền cố vị. Chúa Giêsu nhìn họ, nhìn vào thâm sâu trong tâm tư lòng dạ tham-sân-si đầy giả tạo và  tham lam của họ, rồi Ngài kết luận: “Phải chăng tiên tri Isaia đã xác thực khi nói tiên tri về các ngươi là những kẻ đạo đức giả.  Như đã có lời chép rằng: “Dân này môi miệng thì tôn kính Ta, nhưng lòng dạ lại xa Ta. Họ tôn thờ Ta, nhưng lại giảng dạy những tín điều, giáo luật con người vô ích.” Các ngươi đã coi thường huấn lệnh của Chúa, để bám chặt vào những truyền thống loài người “(Máccô 7: 6-8).

Đức Giêsu đã không nói rằng luật pháp là không tốt và nên bị bãi bỏ. Ngài nhấn mạnh tính cách thực dụng của Luật nhằm phục vụ con người. Người ta không được dùng luật pháp để trục lợi một cách ích kỷ. Trong bài đọc thứ nhất theo sách Đệ Nhị Luật, Môise đã nói với dân chúng rằng Luật của Chúa là một món quà giúp thông hiểu và khôn ngoan cho những ai biết vâng nghe và thực hành (ĐNL 4:1-2+6-8). Trong bài đọc thứ hai, thánh Giacôbê nhấn mạnh tính cách thiết thực của luật khi ông nói rằng đức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ. “Chúng ta phải là người biết thực hành Lời Chúa, chứ không phải chỉ biết lắng nghe.” (Giacôbê 1:17-18, 21b-22, 27).
 
Trong phúc âm hôm nay, sự phản đối của Chúa Giêsu về vấn đề rửa tay còn đi xa hơn nữa với ý nghĩa đích thật của nó. Ngài nhắc nhủ rằng: khi ăn với những ẩn ý bên trong các thức ăn có thể khiến người ta bất xứng trước mặt Chúa.
 
Như chúng ta đều biết, theo Luật Do Thái đã ấn định một số loại thực phẩm như thịt heo và một số động vật thì người Do Thái không được phép ăn, vì có thể làm người ta ra nhơ uế. Nhân dịp này, Chúa Giê-su đã thẳng thắn tuyên bố rằng luật ăn kiêng sẽ không còn ràng buộc nữa. “Không gì từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, có thể làm cho người ta ra nhơ uế! nhưng những gì từ bên trong xuất ra mới làm cho người ta ra nhơ uế, (Mác 7:15). Chúa Giêsu không nói về các thức ăn hay những món ăn, nhưng Ngài đưa ra một danh sách dài những khuynh hướng tội lỗi xuất ra từ lòng dạ con người. Đó là: “từ trong thâm tâm lòng dạ người ta, xuất ra những ý nghĩ xấu xa, gian manh hiểm độc, trộm cướp, giết người, ngoại tình, kiêu căng, đố kỵ, điên rồ và mọi thứ xấu xa, ”(Mác 7: 21-22). Chính những thứ này mới làm cho người ta ra nhơ uế trước mặt Thiên Chúa.
 
Vào thời Chúa Giê-su không có tạp chí, sách báo, phim ảnh hay internet như ngày nay. Vì vậy, nếu Chúa Giê-su sống trong thời đại của chúng ta hôm nay, chắc hẳn Chúa sẽ lên án khắt khe các trang mạng hay báo chí đồi trụy khiêu dâm, bài bạc, sách động kỳ thị và đàn áp, đưa tin giả và ngụy tạo nhằm lung lạc niềm tin nơi quần chúng và gây bạo loạn, tạo ra những chia rẽ, hiềm thù gây ra tội ác và bất ổn trong xã hội. Đó là mầm mống của mọi thứ tội ác, người ta cần cảnh giác và loại trừ một cách dứt khoát và mãnh liệt. Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta, và Ngài không ngừng nhắc nhở giúp chúng ta cần phải quyết liệt tránh xa những tâm ý tồi tệ xấu xa đó, … để là một môn đệ Chúa Kitô có một tình yêu chân thực. Chân thực trong tình yêu với Chúa và với nhau.