Nghỉ Ngơi Trong Chúa

Spread the love
-Lm. Francis Bùi Ngọc Tỷ
Có hai người thi đua đốn củi. Một người đốn liên tục từ sáng tới tối không nghỉ. Người thứ hai thỉnh thoảng dừng lại nghỉ ngơi. Kết quả, người thứ hai đốn được nhiều củi hơn người thứ nhất. Không những nhờ nghỉ ngơi lại sức, người này còn biết dùng giờ nghỉ để mài lưỡi búa cho bén. Sự nghỉ ngơi có tầm quan trọng tuyệt đối. Nó có lợi cho sức khỏe. Nó gia tăng năng suất cho công việc. Về mặt tâm linh, nó càng quan trọng hơn nữa.   Bài Phúc Âm hôm nay kể chuyện các môn đệ trở về với thành công rực rỡ trong việc tông đồ, tưởng đâu rằng Chúa Giêsu sẽ trao cho sứ mạng mới lớn hơn. Nhưng Ngài lại bảo họ: “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng nghỉ ngơi đôi chút.” Nghỉ ngơi trong trường hợp này còn gọi là cầu nguyện.

Nhiều người coi việc đọc kinh là cầu nguyện. Đúng, người đọc kinh có thể đang cầu nguyện. Nhưng có kẻ khác đọc kinh chỉ là đọc kinh, không phải cầu nguyện. Dùng từ ngữ của bài Phúc Âm hôm nay, cầu nguyện là nghỉ ngơi trong Chúa. “Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và chờ đợi Người.” (Thánh vịnh 37:7) Mấu chốt của cầu nguyện ở chỗ: khi toàn thể tâm tư của ta hướng về Chúa.
 
Ta có thể nhờ đọc kinh để hướng lòng về Chúa. So sánh việc đọc kinh với hát một bài hát. Bài hát gói ghém tâm tình của tác giả; là vui, là buồn, là nhung nhớ, thương yêu, mong đợi… Khi ta hát, lời ca và âm điệu giúp ta rung cảm theo tâm tình của tác giả. Ở một khía cạnh nào đó, ta đang kết hợp làm một với người làm ra bài hát. Nhưng nếu ta không thả hồn theo bài hát, thì ta chỉ như cái máy. Không có sự kết hợp. Đọc kinh mà không để tâm vào lời kinh thì chưa phải là cầu nguyện.
 
Tâm viên ý mã. Tâm trí hay nhảy nhót lung tung, rất khó điều khiển. Phải tạo hoàn cảnh thuận lợi cho tâm trí dễ tập trung. Chúa Giêsu thêm vào chữ nghỉ ngơi: “Hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng.” Trước hết phải gác qua một bên những bận rộn thường ngày. Kế đó phải tìm sự tĩnh lặng: nơi tĩnh lặng, giờ tĩnh lặng, tâm tĩnh lặng. Đối với anh chị em sống giữa đời, điều này hơi khó, nhưng không phải không làm được. Thí dụ buổi tối trước khi đi ngủ, buổi sáng lúc mới thức dậy, khi lái xe một mình, giờ nghỉ buổi trưa, viếng nhà thờ.
 
Chúng ta ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Nếu không thường xuyên nối nhịp cầu với Chúa, chúng ta sẽ lạc lối về trời.