-Lm. Francis Bùi Ngọc Tỷ Có người nói: đi làm kiếm tiền chỉ để nuôi gia đình, lo cho con cái ăn học. Tuy nói vậy, nhưng trên thực tế, họ theo đuổi tiền bạc như mục đích của đời mình. Họ dành cả thời giờ, sức lực và tâm trí để kiếm tiền. Họ quên ăn quên ngủ, quên gia đình, quên cả bản thân. Mọi giao tiếp đều nhằm mục đích kiếm lợi. Chỉ có kiếm tiền mới thấy vui, mới cảm giác mình đang sống. Không chỉ tiền bạc, có những thứ khác cũng hay được theo đuổi như mục đích chính của cuộc đời. Đó là danh vọng, quyền thế, và thú vui. Danh, lợi, thú tuy có thể đem lại sự thỏa mãn nào đó trong chốc lát, nhưng chúng không đáp ứng nhu cầu thật sự sâu thẳm của con người. Hạnh phúc chân thật và trọn vẹn chỉ tìm được nơi Thiên Chúa. Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng để những cám dỗ của vật chất khiến họ quên mục đích chính của sứ mạng loan báo Tin Mừng. “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mang hai áo.” Trang bị cho hành trình cuộc đời phải gọn nhẹ và đơn giản. Gọn nhẹ để đủ sức đi đường xa. Đơn giản để khỏi bị chi phối vì những thứ không cần thiết. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã sai đi thì Ngài sẽ không để cho ta thiếu thốn: “vì thợ thì đáng được nuôi ăn.”(Mt 10:10) Phần đông chúng ta không ai thiếu thốn. Ngược lại, cuộc sống dư dật khiến nhiều người đua đòi những thứ xa xỉ không cần thiết. Theo một thống kê, người dân Mỹ trung bình đổ bỏ 25% thức ăn tươi mà họ mua về. Người Việt chúng ta có câu nói: một hạt gạo là một hạt vàng. Là môn đệ của Chúa, chúng ta nghĩ sao về sự hoang phí đó? Sự phung phí còn là một hành vi thiếu bác ác. Thánh Basiliô nhận định: bánh mì cất trong tủ phải thuộc về người đói; quần áo nhét trong rương phải thuộc về người rách; và vàng bạc chôn dưới đất phải thuộc về người nghèo. Lối sống đơn giản không những giúp chúng ta chuyên tâm vào mục đích chính của cuộc đời, thực thi bác ái, mà còn chứng tỏ cho người chung quanh giá trị chân thật của Nước Trời. Nếu ta rao giảng về tinh thần nghèo khó, nhưng đồng thời theo đuổi một nếp sống xa hoa, thì ta đâu đáng tin. Người thời nay “cần những chứng nhân hơn là thầy dạy”. Môn đệ chân chính là những ai lời nói và việc làm đi đôi với nhau. |