Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho hôm nay gây thắc mắc cho không ít người. Tại sao những người chỉ làm một tiếng buổi chiều lại được số lương bằng những người làm việc cực khổ cả ngày? Nếu Chúa muốn dạy lẽ công bình thì kẻ làm nhiều phải được hưởng nhiều, kẻ làm ít hưởng ít. Nếu dạy lòng nhân từ, thì kẻ làm buổi sáng cũng phải được thương xót; ông chủ nên tăng lương cho họ. Như vậy mới hợp lý.
Dụ ngôn là một thể văn đặc biệt của Chúa Giêsu hay dùng để dẫn dắt chúng ta vào Nước Trời. Trong dụ ngôn, luôn luôn có một vài chi tiết khác thường, đôi khi vô lý. Chúa Giêsu dùng cái vô lý đó để kích thích sự tò mò của thính giả. Ngài muốn dẫn dụ họ cân nhắc về cách sống đạo của mình để tự tìm thấy con đường phải đi. Có ba lớp thính giả:
Thính giả trực tiếp của Chúa Giêsu là những người Pharisêu. Vào thời đó, người Pharisêu giữ đạo rất hình thức và rất vụ luật.
Họ tự cho mình là công chính nhờ tuân giữ lề luật cách chi li. Tệ hơn nữa, họ coi khinh những ai lỗi luật và dán cho họ nhãn hiệu “tội lỗi”. Chúa Giêsu muốn dạy các Pharisêu: Thiên Chúa ban lề luật để hướng dẫn chúng ta sống đạo, không phải để phân biệt đối xử; Ngài rất công bình nhưng cũng hay thương xót.
Vào thời các thánh tông đồ, có nhiều Kitô hữu gốc Do thái kỳ thị những Kitô hữu gốc dân ngoại. Họ cho rằng, người Do thái phải được ưu tiên trong Nước Trời, vì họ là những kẻ “chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày,” còn “những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?” Chúa Giêsu cảnh cáo họ: coi chừng! “kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết.”
Ngày nay, nhiều người trong chúng ta giữ đạo theo cách thức của người làm công. Họ chỉ giữ những gì luật buộc, nhiều khi rất miễn cưỡng. Họ đòi hỏi và than trách nếu không được như ý. Họ giữ đạo như một cuộc mua bán, đổi chát.
Trong dụ ngôn, có những người sẵn lòng vào làm vườn nho chỉ dựa trên một lời hứa: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng“. Được sống và làm việc trong Nước Chúa đã là một niềm vui lớn lao. Chúng ta cũng phải sống đạo với niềm tin yêu phó thác; đừng tính toán, đừng kể công với Chúa. Nếu chúng ta giữ tình con thảo với Cha trên trời, thì thiên đàng sẽ là gia nghiệp đời đời Cha dành sẵn cho chúng ta.
-Lm. F.X. Bùi Ngọc Tỷ