Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống còn gọi là lễ Ngũ tuần (Pentecost). Lý do: sau khi Chúa Giêsu về trời, các môn đệ họp nhau mừng lễ Ngũ tuần của người Do thái. Chính trong ngày đó, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các ông. Hai sự kiện này mang cùng một ý nghĩa.
Trong Do thái giáo, lễ Ngũ tuần được cử hành sau lễ Vượt qua 50 ngày. Lễ này kỷ niệm ngày Chúa thành lập Dân Do thái. Trước kia, họ là những bộ lạc và những sắc dân sống riêng lẻ dưới ách nô lệ Ai cập. Họ được Chúa cứu thoát. Dưới chân núi Sinai, Chúa ban cho họ Lề Luật, tức là Mười Điều Răn và đã chính thức nhìn nhận họ là một dân tộc, là Dân riêng của Ngài.
Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng có thể coi là ngày Dân riêng mới của Chúa, tức là Hội Thánh, được chào đời. Hội Thánh đã được Chúa Kitô thai nghén và thông ban sức sống bằng Máu từ trái tim của Ngài (Gioan 19: 34).
Hôm nay, Thần Khí của Thiên Chúa đổ xuống như những ngọn lửa, thanh luyện và đốt nóng trái tim họ. Họ mở bung các cửa ra dưới sức mạnh như gió bảo của Chúa Thánh Thần và bắt đầu say sưa loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho mọi người. Hôm ấy có rất nhiều khách hành hương đến Giêrusalem để mừng lễ. Họ thuộc nhiều chủng tộc và tiếng nói khác nhau. Điều rất lạ là mọi người đều nghe và hiểu được Tin Mừng bằng chính ngôn ngữ của họ. Họ đã tin và chịu phép Rửa. Trước kia là những người xa lạ, nay được Chúa Thánh Thần liên kết, họ hiệp nhất trong cùng một đức tin và một tình yêu.
Phép lạ của ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống đảo ngược một biến cố đã xãy ra trong thời Cựu Ước: việc xây tháp Babel (xem Stk c.11). Loài người muốn họp nhau xây một ngôi tháp cao tận trời, để bất cứ lúc nào họ muốn, họ cũng có thể giao tiếp với Thiên Chúa. Đang khi xây, Chúa làm cho ngôn ngữ họ trở nên bất đồng (babel có nghĩa là lộn xộn). Do đó, họ không còn hiểu nhau, khiến ngôi tháp bị bỏ dở. Thiên Chúa không phải là Đấng con người có thể yêu sách hoặc mua chuộc để Ngài làm theo những gì họ muốn.
Tháp Babel là dấu chỉ của việc thiếu đối thoại, hiểu lầm, bất hòa và chia rẽ. Lễ Hiện Xuống là phép lạ của sự cảm thông, đón nhận, yêu thương và hiệp nhất. Là Dân Chúa chọn, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần tiếp tục thanh luyện, đổi mới và đốt nóng lòng chúng ta bằng ngọn lửa tình yêu của Ngài.
-Lm. F.X. Bùi Ngọc Tỷ