Theo quan điểm một số người, ngày 30 tháng 4 là ngày chấm dứt cuộc chiến tương tàn của người Việt hai miền nam bắc và là ngày thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đối với một số người khác thì ngày 30 tháng 4 lại là một ngày tang tóc, ngày quốc hận! Đối với những người này, cuộc chiến để đấu tranh cho tự do và nhân quyền của người dân Việt vẫn cần phải được tiếp diễn. Nhất là trong thời điểm này, khi mà người dân cả nước đang hoang mang lo sợ mất đi cơ đồ dân tộc vào tay người ngoại bang phương bắc mạnh hơn cả ngàn lần. Tuy nhiên những người trẻ đã và còn đang lớn lên ở hải ngoại, nơi môi trường chúng ta đang sống, họ có cảm tưởng gì với tâm nguyện như thế nào?
Họ bảo rằng: đừng ủ rũ âu sầu nhắc mãi về quá khứ, nhưng hãy rút lấy bài học cho tương lại, cùng mang theo hành trang mình đang có và bắt tay nhau làm việc. Họ bảo, không có ngày 30 tháng 4 ấy, làm sao có tôi trên đất nước này, làm sao có anh chị em, có bạn bè và con cháu được tham gia vào chính trường nơi đây, hay được xuất thân từ những trường đại học danh tiếng thế giới, và có nhiều cơ hội để phát triển khả năng bản thân, và có tiếng nói của người dân Việt ở mọi nơi, khắp các châu lục trên thế giới.
Như một hệ quả đương nhiên của ngày 30 tháng 4 ấy, hãy thử nhìn vào bản thống kê năm 2014 về sĩ số dân Việt ở khắp các châu lục mà xem. Sau biến cố 30 tháng 4 năm ấy, số người Việt bỏ nước ra đi đến sinh sống ở hải ngoại đã lên đến hơn 4 triệu người! Đông nhất tại Mỹ gần 1 triệu 800 ngàn người; kế đến tại Úc Châu khoảng 325.000; Pháp: 300.000 Canada: 270.000; Đài Loan: 200.000; Đức Quốc 140.000; Nam Hàn: 120.000; Nhật Bản 42.000 và còn rất nhiều quốc gia khác có sự hiện diện của người dân Việt Nam.
Theo các trình thuật trong sách Công Vụ Các Tông Đồ và sách Tin Mừng của ông, tác giả Luca như có ý muốn nói rằng: chính biến cố tang thương mà các tín hữu của Chúa bị bách hại tại Jerusalem sau cái chết của Stephano, đã khiến họ phải di tản khắp các nơi. Nhưng cũng chính nhờ thế, Tin Mừng đã được loan truyền khắp nơi, cùng với sự hình thành các cộng đoàn tín hữu tại các thành phố lớn rải rác khắp đế quốc, cũng như chính tại Rôma, thành đô của đế quốc.
Câu chuyện Phúc Âm hôm nay kể rằng vào buổi chiều tối khi sắp kết thúc ngày đầu tuần, ngày mà hai môn đệ nọ đã nghe vài sự lạ sảy ra, làm họ bỡ ngỡ nhưng không tin. Họ còn đang bối rối thì gặp một vị khách trên đường. Vị khách ấy đã lý giải cho họ về những sự lạ họ còn đang thắc mắc theo các dẫn chứng bằng Lời Chúa trong Thánh Kinh. Các dẫn chứng này diễn giải cho họ hiểu ra về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: Lòng họ cảm thấy rực cháy, một niềm hy vọng cùng với sức sống mới của lòng tin đã bắt đầu khởi phát ngay trong tâm tư lòng dạ họ. Thì ra tất cả những gì đã sảy ra, không phải chỉ là vì do sự hiềm khích, ganh ghét, hay ác ý của con người, mà là còn nằm trong kế hoạch cứu độ đã được dự liệu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dùng ngay cả sự yếu đuối của con người để xoay chuyển và đưa vào trong kế hoạch tình thương của Thiên Chúa.
Có lẽ chúng ta tiếc vì Luca đã làm chúng ta mất hứng khi kết thúc câu chuyện không phải là bằng chứng hùng hồn về cuộc gặp gỡ Đức Kitô với sự nhận diện đầy phấn khới của hai người môn đệ trên đường Emmau, mà chỉ là sự xác nhận đầy lòng tin của các môn đệ khác vào kiểm nhận của Phê-rô, người được Luca xem là người đứng đầu Nhóm 12, nhóm Nồng Cốt của Đức Ki-tô.
Những gợi ý trên đây nói với chúng ta hôm nay về điều gì? Phải chăng nhắc chúng ta thái độ cần phải có trước sự kiểm chứng và xác nhận của các vị bề trên, các mục tử sống cận kề ngay bên chúng ta. Tất cả đều kêu gọi chúng ta mạnh dạn dấn thân, và cương quyết lên đường để làm chứng nhân tin mừng đem niềm tin yêu và hy vọng đến trong một xã hội đa dạng, đầy nhiễu nhương với những thách đố của ngày hôm nay.
– Lm. Giuse Hoàng Tiến Đoàn, S.J.