Sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu không dễ gì minh chứng. Theo phương diện lịch sử, thì các nhân chứng thời đó đều chấp nhận việc ngôi mộ trống, nhưng “Ngài” đi đâu và cái “khi ẩn-khi hiện” thì có kẻ thấy người không. Nhưng những ai được cảm nghiệm mầu nhiệm phục sinh này, thì mạnh dạn làm chứng cho cuộc gặp gỡ của họ với Đức Giêsu Phục-sinh. Chúng ta nghe được nhiều lần thánh Phêrô đã lập đi lập lại lời chứng của thánh nhân trong các dịp khác nhau trong sách Tông Đồ Công Vụ: “Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2, 32; 3, 15; 5, 32).
Tại sao Đức Giêsu Phục-sinh không hiện diện tỏ tường cho mọi người mà phải qua nhân chứng? Chính những chứnng nhân cũng không tài nào hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại chọn phương cách này. Chúng ta hãy thử nhìn lại câu chuyện của thánh Phêrô. Trong một bữa ăn thân mật cùng gia đình của người tín hữu tiên khởi, Cônêliô thành Xêdarê, thánh Phêrô chia sẻ: “Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 40-41). Thánh Phêrô phần nào đó cũng ngạc nhiên tại sao Thiên Chúa không xuất hiện tỏ tường trước mặt toàn dân. Nếu Thiên Chúa cứ tỏ hiện, thì chắc đâu còn ai phải nghi ngờ!
Và, hình như cái kiểu lòng vòng của Thiên Chúa cũng đã làm thánh Tôma phát cáu. Thánh nhân đã thách thức: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Cái bộc trực của thánh Tôma chắc Đức Giêsu và đồng bạn không lạ gì. Như trong Phúc-âm hôm nay, thánh Tôma nói thật và hỏi thẳng Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14, 5). May là trong dịp này, thánh Tôma có thêm đồng minh là thánh Philípphê. Thánh Philípphê nhảy vô yểm trợ đồng đội: “Thưa thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14, 8).
Đi theo Chúa, tìm gặp Chúa, và nhận ra Chúa không dễ. Đó là cảm nghiệm của các thánh Tông-đồ. Nhưng khi ai đã nếm gặp hay cảm nghiệm thì không có thể chối bỏ mà phải tuyên xưng và làm chứng. Vậy Đức Giêsu Phục-sinh hiện giờ đang ở đâu? Phúc-âm hôm nay trả lời là ở chính trong tâm của mỗi chúng ta: “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3). Hay, chúng ta cũng có thể đổi lại câu ấy mà tạm suy ra là “anh em ở đâu, Thầy ở đó”.
Cảm nghiệm này được một vị giám mục khác ghi nhận và chia sẻ gần bốn thể kỷ sau thời các thánh Tông-đồ. Thánh giám mục Âu-tinh (Augustine) trong Cuốn IV, Chương 12 trong Sách Tự Thuật (Confessions) đã chia sẻ cảm nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu:
Sự Sống đã đến trên chúng ta. Ngài đã lấy đi cái chết. Ngài đã đẩy gạt sự chết bằng chính sự sống tràn trề của Ngài. Trong tiếng sấm rền, Ngài kêu mời chúng ta về lại với Ngài. Trong thâm cung, Ngài đến với chúng ta. Trước hết, trong cung lòng của Đức Trinh-nữ, Ngài đã đính hôn với bản tính con người và trong thân xác loài người. Vì nếu không, thân phận con người sẽ luôn bị kiềm hãm của cái chết. Và rồi từ đó, Ngài xuất hiện ‘như tân lang rời khỏi loan phòng’ và ‘lên đường như tráng sĩ’ (Tv 19, 6). Ngài không chần chừ, nhưng Ngài chạy và loan báo qua lời và hành động, qua cái chết và cái sống, qua việc giáng và việc thăng, để mời chúng ta quay về với Ngài. Và, Ngài đã vượt qua khỏi tầm mắt chúng ta, để rồi chúng ta hãy hướng về cái tâm của mỗi người và tìm gặp Ngài ở đó. Ngài đã đi, nhưng không, Ngài đang ở.
Có thể qua lời tự thuật của thánh Augustine, chúng ta có thể hiểu phần nào câu: “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Hãy mở lòng để tìm gặp Ngài ngay trong tâm của mỗi chúng ta.
Lm. Lê Anh Lân, S.J