Chuyện Tôn Ngộ Không lẻn vào vườn đào của Tây Vương Mẫu, ăn quả đào tiên để sống lâu ngàn tuổi, nghe qua thấy ngộ nghĩnh như chuyện trẻ con, nhưng thật ra lại ẩn tàng một ước vọng thâm sâu của loài người. Không phải chỉ có các vua chúa xưa kia mới bỏ công-của, mong tìm ra được thuốc tiên để sống trường sinh bất lão, mà ngay cả nhân loại thời nay! Thử nhìn vào những sinh hoạt và chi phí của chúng ta cho y khoa và dược khoa xem?
Vì vậy, câu chuyện Lazaro được Chúa Giêsu cho sống lại đáng ra phải là một chấn động lớn trong giới truyền thông? Nhưng người Công giáo lại chỉ coi phép lạ này là một trong các phép lạ Chúa Giêsu đã làm, chứ không hề coi đây là trung tâm điểm của đời sống đức tin. Nhiều người sẽ tự hỏi tại sao?
Trong bài Phúc Âm tuần này, thánh Gioan kể lại chuyện Chúa Giêsu đưa Lazaro từ cõi chết sống lại (Gioan 11.1-45). Gioan kể rõ ràng các chi tiết để minh chứng rằng, Lazaro đã chết thật và sống lại cũng là thật. Nhưng Gioan đã khéo léo lồng vào những yếu tố của một phép lạ khác còn vĩ đại hơn nhiều: Lazaro được cho sống lại ở đời này; và những ai tin vào Đức Kitô còn được cho sống lại và sống mãi ở đời sau.
Trong tác phẩm “Cuộc xử án Giêsu”, tác giả thâm thuý mô tả phiên xử, với Lazaro cứ ngồi thừ ra (như người mất hồn). Quan toà và biện sư phải hỏi mấy lần, Lazaro mới giật mình trả lời cho qua chuyện. Những câu trả lời của Lazaro như chẳng thiết tha gì đến việc được trở lại cuộc đời này… Có phải là vì những ai đã từng được nếm thử nguồn hạnh phúc của đời sau sẽ còn chẳng còn thiết tha gì đến những bon chen và buồn vui sướng khổ của đời này?
Theo Gioan kể lại, lúc đầu Martha có vẻ như không biết Chúa Giêsu có thể làm cho Lazaro sống lại ngay được; nhưng Martha lại tin quyền năng của Ngài có thể làm cho Lazaro được sống mãi ở cuộc sống đời sau. Và đây mới là trọng tâm câu chuyện mà Gioan sẽ tiếp tục dụng công kể lại trong sách của ngài.
Mang một mình Lazaro trở lại đời này chỉ là chuyện nhỏ, nhưng mang hết mọi người vào cuộc sống đời sau mới là chuyện lớn của sứ vụ Đức Kitô. Sống lâu chỉ có nghĩa là “trường sinh”, sống mãi mới là “bất tử”; Và làm cho mọi người trở thành bất tử mới là phép lạ chấn động mà Chúa Giêsu phải vất vả thực hiện.
Lm. Giuse Nguyễn Kim Đăng