Phụ nữ Ấn Độ có chấm ở trán là người đã lập gia đình. Người lính đeo lon và huy hiệu để chỉ cấp bậc và binh chủng trong quân đội. Nhiều thương hiệu nổi tiếng chỉ cần thấy huy hiệu là khách hàng đủ biết nhậnn dạng tên hãng, điển hình:
Như vậy, làm cách nào chúng ta nhận diện được ai là người Kitô giáo, Phật giáo, Hồi giáo hoặc Do Thái? Có người trả lời là người Kitô giáo thì đeo thánh giá, Hồi giáo thì trùm kín người chừa hai con mắt, Phật giáo thì cạo trọc, và Do Thái thì đội cái nón nhỏ ở đỉnh đầu với hai chùm tóc dài thòng xuống ở hai tai. Câu trả lời này không đúng lắm vì có khối người không phải Kitô giáo lại thích xâm hình thánh giá trên thân thể để làm đẹp, cạo trọc cho mát, trùm khăn kín người để chống nắng như các cô gái Việt Nam bây giờ, và đội nón để tóc dài a dua theo bạn bè v.v. Chúa Giêsu đã trả lời cho câu hỏi này. “Các con hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy.” Trước khi phân định sự khác biệt của niềm tin tôn giáo, tất cả mọi người đều có chung một đạo, đó là đạo nhân nghĩa. Đạo nhân nghĩa (làm người) có trước đạo giáo (tôn giáo).
Trong cái “yêu thương nhau,” Chúa Giêsu không chỉ xác định một tiêu chuẩn đạo đức và đặc tính của một niềm tin chân thật mà Ngài còn nhấn mạnh yêu thương chính là căn tính của một Kitô hữu. Nói cho cùng, giới răn yêu thương nhau vẫn là một triết lý đầy lý tưởng mà ít người có thể thực hành được. Tôi thiết nghĩ các Kitô hữu đối xử tử tế với mọi người thôi cũng là tuyệt vời lắm rồi.
Ai có nhà cho mướn thì hãy làm cho chỗ ở của người thuê giống như chỗ ở của mình. Ai có thợ thuyền thì hãy đối xử công bằng tử tế với họ như mình muốn kẻ khác đối xử với mình. Đối xử tử tế giữa con người và con người là một đặc tính của yêu thương nhau. Khi còn đi giúp xứ ở Lomita, cha sở có dạy tôi một điều vô cùng quý giá: Trước tiên chúng ta phải là con người. Kế đến mới là Kitô hữu. Và cuối cùng mới là Linh mục.