– Lm. Maria Giuse Nguyễn Tuấn Long
Lễ Chúa Kitô Vua xếp lại mùa thường niên để chuẩn bị cho mùa Vọng. Cái từ vua dễ làm chúng ta liên tưởng đến những vinh quang và giàu sang của thế gian. Nếu chúng ta quan sát kỹ, làm vua của thế gian chẳng khác gì mấy làm tôi cho mọi người và công việc. Ở đời, ai cũng muốn kiếm thật nhiều tiền với tư duy nó sẽ đem lại sự an toàn, thoải mái, và tiện nghi. Nhưng để có nhiều tiền, con người phải lao đao vất vả bôn ba chạy hết đầu này đầu kia. Cuối cùng, chất lượng cuộc sống bị suy giảm bởi những chứng bệnh liên quan đến tinh thần như căng thẳng, suy nhược tinh thần, và lo âu quá mức v.v. Nghĩ cho cùng, kiếm thật nhiều tiền cũng chỉ để phục vụ cho cái thằng tôi của mình. Càng chú trọng về mình, cái lỗ hổng cô đơn càng bị khoét sâu. Bởi thế, con người một khi có thật nhiều tiền bạc của cải thường dễ bị vướng vào tứ đổ tường. Người giàu có tiền của thường rơi vào nghiện ngập rượu chè, hút chích, và lăng nhăng dẫn đến kết cuộc thân bại danh liệt. Người nghèo thì luôn ao ước trở nên giàu. Giàu vẫn muốn giàu thêm. Và cứ thế, cái vòng xoay làm vua làm tôi rồi thân bại danh liệt cứ tiếp tục xoay hết thế hệ này rồi đến thế hệ sau.
“Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi” không phải là một khái niệm mới trong tự điển tâm linh, nhưng nó có vẻ mới dưới chiều kích tâm lý. Chúa Giêsu vẽ ra một lộ trình mới cho cách làm vua. Làm vua phải có bình an thì mới đáng. Muốn có bình an phải có công lý và sự thật. Làm giàu trên sự bất công bất chính thì nhiều, còn trên sự công bằng thì bao nhiêu? Người làm vua thực thụ phải là người tự do không lệ thuộc vào tiền bạc hay danh vọng thế gian. Nghe tiếng Chúa là nghe tiếng nói lương tâm công chính, không làm giàu dụa trên những bất công hay hoàn cảnh khó khăn của kẻ khác mà là làm đúng với lương tâm nghề nghiệp trong tinh thần bác ái hy sinh. Chỉ có áp dụng Lời Chúa thật lòng mỗi ngày thì nỗi cô đơn mới vơi đi. Đi bất cứ nơi đâu, ở bất cứ chỗ nào mà lòng mình luôn có sự bình an là mình đã làm vua thiên hạ rồi.