(30/12/2017)- Năm 2017 là năm có nhiều biến cố về phương diện cải tổ, và sau đây là một số biến cố đáng lưu ý.
Chính sách nhân viên
Khi được bầu làm giáo hoàng năm 2013, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Á Căn Đình biết rằng một trong các tiền đề cho việc ủng hộ ngài chính là việc ngài biết về sự hoạt động bất thường và hết sức chậm chạp của nền hành chánh Vatican, cũng như tâm lý học hết sức thiển cận và chạy vòng quanh của nó vì thiếu kinh nghiệm “dã chiến”.
Ngay sau khi được bầu, ngài đã lập ra một nhóm 8 vị Hồng Y cố vấn để giúp ngài cải tổ giáo triều Rôma. Sau đó, ngài thêm cho nhóm này vị Quốc Vụ Khanh, tức Đức Hồng Y người Ý Pietro Parolin, thành nhóm mà người ta quen gọi là “C9”. Cho đến nay, nhóm này đã họp tới hơn 20 lần…
Năm 2017 là một năm được thấy một vài tiến bộ ít nhất trong việc cung cấp nhân viên cho hai siêu cơ quan mà Đức Phanxicô đã thiết lập vào năm ngoái, dựa vào các khuyến cáo của C9. Một dành cho việc Phát Triển Nhân Bản, do Đức Hồng Y Peter Turkson của Ghana đứng đầu, còn cơ quan kia dành cho mọi việc liên quan tới gia đình, giáo dân và sự sống, do Đức Hồng Y Kevin Farrell của Hoa Kỳ đứng đầu.
Một động thái khác về nhân viên từng gây chấn động là việc Đức Phanxicô không tái bổ nhiệm Đức Hồng Y người Đức Gerhard Müller đứng đầu thánh bộ Giáo Lý Đức Tin, thay vào đó, đã thăng thưởng người đứng thứ hai của thánh bộ này, tức Đức Tổng Giám Mục dòng Tên người Tây Ban Nha, Luis Ladaria Ferrer. Xét vì Đức Tổng Giám Mục Ladaria vốn được coi như một người bảo thủ về thần học, giống Đức Hồng Y Müller, nên việc chuyển quyền được những người hiểu chuyện ở Rôma coi không hẳn như một tuyên bố ý thức hệ của Đức Phanxicô, cho bằng như một tuyên bố về lòng trung thành.
Về phương diện hoàn cầu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục thúc đẩy để có một Giáo Hội chú trọng tới mục vụ nhiều hơn, hiển nhiên nhất qua các lần đề cử các tân giám mục cho hai thành phố Mexico và Paris. Đức Hồng Aguiar Retes và Đức Cha Michel Aupetit thay thế Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera và Đức Hồng Y André Vingt-Trois, đều là các vị vốn lãnh đạo các giáo phận của các ngài lâu năm.
Việc lạm dụng tình dục trẻ em
Nói tới cuộc đấu tranh bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, Ủy Ban Bảo Vệ Vị Thành Niên của Đức Phanxicô hiện đang bế tắc, chờ để Đức Phanxicô công bố danh sách thành viên mới. Danh sách hiện nay có nhiệm kỳ 3 năm, chấm dứt vào ngày 17 tháng 12.
Vì cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em vốn được coi như cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong Giáo Hội kể từ cuộc Cải Cách Thệ Phản, nên nhiều nhà quan sát cho rằng việc Vatican trì trệ trong việc cung cấp cho ủy ban các tài nguyên và sự trợ giúp cần thiết là điều gây lo ngại. Gây tranh cãi năm 2017 là vụ của Đức Hồng Y George Pell, người Úc; hồi tháng Sáu, ngài bị các công tố viên tại quê hương qui cho tội “vi phạm tính dục đã lâu năm”. Đức Hồng Y Pell cực lực bác bỏ các tố cáo này và hiện đang có mặt tại quê hương để bào chữa cho mình, sau khi được Đức Phanxicô cho phép nghỉ khiếm diện khỏi chức vụ đứng đầu Văn Phòng Kinh Tế của Tòa Thánh.
Vấn đề tài chánh của Vatican
Khi Đức Phanxicô được bầu hồi tháng Ba năm 2013, một số vị Hồng Y khi rời Nhà Nguyện Sistine có nói rằng “Sẽ không còn những tên Calvis nữa!”, môt câu nói tổng hợp tất cả những gì các ngài mong mỏi nơi vị tân giáo hoàng. Câu nói này ám chỉ nhà tài chánh người Ý Roberto Calvi, người trước đó vốn có liên hệ sâu sắc với Ngân Hàng Vatican và đã chết trong những hoàn cảnh bí mật vào năm 1982, thành thử khi nhắc đến tên ông ta là một cách nói tắt thời tai tiếng tài chánh của Vatican đã qua rồi.
Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã lập ra 3 cơ quan mới để lãnh đạo cuộc cải tổ toàn bộ việc quản lý tiền bạc của Vatican theo đường hướng trong sáng và có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn: một Hội Đồng Kinh Tế để đưa ra chính sách; một Văn Phòng Kinh Tế, để thi hành chính sách vừa nói; và một Tổng Thanh Lý độc lập, để buộc mọi người phải trung thực.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, hai trong số ba cơ quan mới này dường như đã chết yểu, trong khi quyền hành tài chánh từ từ đã trở về với Phủ Quốc Vụ Khanh, một cơ quan, oái oăm thay, vốn là thành trì mà các cuộc cải tổ thoạt đầu có ý định nhằm tới.
Tản quyền và phụng vụ
Đức Phanxicô cũng đã thúc đẩy việc tản quyền. Về phương diện này, điều đáng chú ý là các tu chính hồi tháng Chín của ngài nhằm thay đổi luật lệ của Giáo Hội liên quan tới việc phiên dịch các bản văn phụng vụ, qua đó, các hội đồng giám mục địa phương được dành cho nhiều thẩm quyền hơn.
Quyết định trên đặt Đức Phanxicô vào thế đối nghịch ít nhiều công khai với vị đứng đầu thánh bộ phụng vụ là Đức Hồng Y Robert Sarah của Ghana với việc ngài sửa sai Đức Hồng Y sau khi vị này cho rằng Rôma vẫn tiếp tục có tiếng nói sau cùng…Nhưng chẳng bao lâu sau đó, Đức Phanxicô lại quay qua nhấn mạnh rằng trong Thánh Lễ, lúc truyền phép, chính xác hơn phải nói là “vì nhiều người” chứ không phải “vì mọi người”
(Trích lược theo Vũ Văn An, Vietcatholic News)