Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ.” Câu nói này cần phải được hiểu theo bối cảnh và văn hóa của thời bấy giờ. Đa thần là chuyện thường thấy trong xã hội, nhưng riêng người Do Thái nhất mực chỉ tin và thờ một Thiên Chúa mà thôi. Họ cương quyết không đón nhận một giáo lý nào mới ngoài Cựu Ước và Lề Luật. Mãi cho đến hôm nay, họ vẫn đang trông mong một đấng thiên sai sẽ đến để giải thoát họ. Chính sự cương quyết nhưng lại thiếu cởi mở tư duy đã trở thành cái cơ sở cho việc khước từ phủ nhận những giáo huấn mới từ Chúa Giêsu. Dưới nhãn quan của nhiều người thời đó, đặc biệt luật sĩ, kinh sư và những thành phần ưu tú khác, Chúa Giêsu là một mối lo tiềm ẩn có tầm ảnh hưởng đến địa vị xã hội của họ. Một khi tiếng tăm Giêsu Nazarét ngày càng nổi lên và được nhiều người biết đến, tin tưởng và đi theo, điều đó cũng có nghĩa là tầm ảnh hưởng của những thành phần có thế lực đang bị suy giảm. Giả sử như chúng ta đang sống vào thời đó, một trong những thân nhân mình về nhà tường thuật lại những điều kỳ diệu của Chúa Giêsu rồi khuyên chúng ta đi theo Ngài. Chúng ta có chấp nhận điều đó không? Hay là chúng ta bắt đầu nổi nóng rồi cấm đoán nhau? Chúa Giêsu đã thừa hiểu lý do cho sự chia rẽ này từ lâu qua đoạn Kinh Thánh trên.
Ngày hôm nay, sự chia rẽ này vẫn còn tiếp diễn trong rất nhiều gia đình và văn hóa. Ví dụ: Đối với những người Hồi giáo, việc cải đạo theo Kitô giáo cũng đồng nghĩa với việc tự chọn cho mình một bản án tử hình. Dưới cái nhìn mang tính cực đoan, nhiều người Công giáo cũng vậy, đặc biệt là cha mẹ, dễ từ con cái mình một khi chúng bỏ đạo theo đạo khác. Thấy Mục sư Tin Lành giảng đạo thì tắt đài không muốn nghe, không muốn học những gì hay và mới ở nơi họ. Niềm tin Kitô chân chính là một niềm tin phải luôn sẵn sàng đối diện với mọi thách đố của mọi thời đại. Nó không thể đi chung với cả hai quá khích (anh phải…) hay lơ là (sao cũng được). Và nó cũng không thể phát triển lớn mạnh trong sự khép kín tư duy. Trong thực tế, sự khép kín tư duy chỉ đem lại sự rụt rè tụt hậu. Nếu đức tin của chúng ta là thật, tại sao chúng ta phải sợ những giáo lý khác? Phải chăng nỗi sợ mất đức tin cho thấy phần nào sự thiếu tự tin vào niềm tin của mình. Bởi thế, mỗi Kitô hữu đều có bổn phận tin nhưng phải học. Trao dồi học hỏi thêm Lời Chúa và giáo lý sẽ giúp đức tin tăng trưởng chiều dọc. Áp dụng kiến thức mình học sẽ giúp niềm tin triển nở chiều ngang. Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá trên người, đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta tin phải học, học phải hành.