Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” phản ánh một thực tế Giáo hội chưa bao giờ có đủ thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo cũng như rao giảng Tin Mừng. Rất nhiều giáo phận lớn thuộc các quốc gia đệ nhất trên thế giới đang phải đối diện với sự thiếu hụt Linh mục một cách trầm trọng. Tổng giáo phận Los Angeles của chúng ta là một trong những ví dụ điển hình. Hiện giờ chúng ta có khoảng 5 triệu giáo dân và 287 giáo xứ. Trong khi đó tổng số Linh mục đang phục vụ là khoảng 1,200: 50% Linh mục triều và nửa kia là thuộc về dòng. Bình quân một Linh mục phải coi sóc 4,166 giáo dân. Đó là tính luôn những Linh mục đang bị ốm đau nhưng chưa nghỉ hưu. Để khắc phục sự thiếu hụt này, Tổng giáo phận Los Angeles cũng như các giáo phận khác đã phải nhờ vào sự trợ giúp của các Linh mục thuộc các quốc gia nghèo đệ tam như Phi Luật Tân, Nigeria và Ấn Độ. Đây còn gọi là xuất nhập khẩu Linh mục. Điều này thường kéo theo những hệ lụy khác theo sau như ngôn ngữ, hội nhập văn hóa và di dân. Một ví dụ tương tự khác là Tổng giáo phận Sài Gòn. Người trẻ trong thành phố hôm nay không còn quan tâm đến ơn gọi Linh mục. Đa số chủng sinh là thuộc các tỉnh khác về. Sự thay đổi tư duy này khiến các bậc có trách nhiệm phải đặt ra nhiều câu hỏi. Tại sao ơn gọi Linh mục đang có vẻ ngày càng cạn kiệt ở các nước giàu có? [Đặc biệt ở Hàn Quốc thì vẫn có xu hướng tích cực] Đi tu ở các nước nghèo là cơ hội để dấn thân hay tiến thân? Đâu là nguyên nhân của sự thiếu hụt ơn gọi? Phương hướng mục vụ cho tương lai là gì và làm sao?
Nếu chúng ta can đảm trực diện thẳng vấn đề, một trong những nguyên nhân chính không thu hút người trẻ trong ơn gọi Linh mục hay tu trì hôm nay là vì họ không còn tìm thấy được niềm vui, an bình và ý nghĩa nơi chính đời sống Linh mục hay tu trì. Cái lý tưởng đời tu rất cao thượng mỹ miều, nhưng đồng thời nó cũng là những chặng đàng thánh giá đầy nhiêu khê. Thử hỏi đâu là sức hấp dẫn của đời tu khi thấy một Linh mục độc tài, tự cao, kém học, hám lợi, ích kỷ, biếng nhác và hay khó khăn với giáo dân? Còn đâu là đam mê khi bục giảng trở thành nơi lên án và bêu xấu nhau hằng tuần? Phải chăng đây cũng lý do nhiều cha mẹ hôm nay không còn khuyến khích con cái mình đi tu vì đời tu cũng đồng nghĩa với đời tù. Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng ta phải nhìn nhận có rất nhiều Linh mục và tu sĩ nam nữ đã và đang xả thân phục vụ một cách nhiệt thành và hăng say. Là những phần tử trong Giáo hội, chúng ta luôn đối diện với những thăng trầm thay đổi trong cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta không thể để những tiêu cực khuất phục hay làm nhụt chí thoái lui. Trái lại, mỗi người chúng ta nên tự nhủ với lòng mình phải trở thành một nụ hoa của hy vọng và hạnh phúc giữa lòng Giáo hội. Hãy liên lỉ cầu xin Chúa ban cho Giáo hội có thêm nhiều Linh mục, tu sĩ và gia đình thánh thiện. Nếu chọn một trong hai giữa một Linh mục bê bối và không có Linh mục, bạn sẽ cái nào? Tôi chọn Linh mục bê bối vì người đó chính cơ hội để tôi nên thánh qua lời cầu nguyện và những nhân đức khác. Thánh Gioan Vianney, quan thầy của các Linh mục, đã từng nói: “Hãy để một giáo xứ hai mươi năm không có Linh mục: bấy giờ người ta sẽ thờ thú vật.”
Xin bạn hãy nhớ đến các anh em Linh mục tu sĩ nam nữ nhiều và thật nhiều trong lời kinh mỗi ngày. Chân thành cảm ơn.