ĐTC: “Thế giới khát tình huynh đệ”, chúng ta phải nói “không” với chiến tranh

Spread the love

[Vatican | 14.06.2023]- Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp tới cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York để nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực, xung đột và chế tạo vũ khí, ĐTC viết những lời mời gọi đó phản ánh “sự đói khát tình huynh đệ” của thế giới ngày nay. ĐTC nói, “đã đến lúc phải nói “không” một cách dứt khoát với chiến tranh, hãy nhìn nhận chiến tranh không phải là công bằng, mà chỉ có hòa bình mới là công bằng.” Và “hòa bình có thể nếu nó thực sự được mong muốn.”

Thông điệp này Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Chủ tịch Thánh Bộ Quan hệ của Vatican với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế, ngài đã đọc thông điệp của Đức Thánh Cha, khi ĐTC đang nghỉ dưỡng sau ca phẫu thuật tại bệnh viện Gemelli của Rôma ngày 7 tháng 6 vừa qua.

“Không” với ý thức hệ và lợi ích bè phái

Đức Thánh Cha nhận xét: Bản thân Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với nhiệm vụ giám sát an ninh và hòa bình trên thế giới, “dường như đang bất lực và vô hiệu! Tuy nhiên, công việc của các bạn, được Tòa Thánh đánh giá cao, là điều cần thiết để thúc đẩy hòa bình.” ĐTC tiếp tục: “chính vì lý do này, tôi muốn gửi đến các bạn lời mời gọi chân thành khi các bạn đối diện với các vấn đề chung của thế giới, hãy bỏ qua một bên ý thức hệ và tầm nhìn hạn hẹp, ý tưởng và lợi ích đảng phái.”

Minh bạch thực hiện Hiến chương LHQ

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, một mục đích duy nhất phải thúc đẩy tất cả nỗ lực này, đó là phấn đấu vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Ngài viết, “Hội đồng này được kỳ vọng sẽ tôn trọng và áp dụng” Hiến chương Liên hợp quốc một cách minh bạch và chân thành, không có động cơ nào khác bí mật, như một điểm quy chiếu bắt buộc của công lý chứ không phải một phương tiện che đậy những ý định bí mật”.

ĐTC chỉ ra rằng trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, tất cả chúng ta đều gần gũi nhau hơn, nhưng chúng ta không còn là anh em nữa. Và ngược lại, “chúng ta đang phải gánh chịu nạn đói tình huynh đệ, một tình trạng phát sinh từ nhiều tình trạng bất công, nghèo đói và bất bình đẳng, cũng như từ việc thiếu một nền văn hóa liên đới”.

Bước thụt lùi

Trích dẫn Thông điệp của Ngài cho Ngày Hòa bình Thế giới 2023: “Các hệ tư tưởng mới, được đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa tiêu dùng vật chất đang lan rộng, làm suy yếu các mối liên kết xã hội, thúc đẩy tâm lý ‘vứt bỏ’, dẫn đến sự khinh miệt và bỏ rơi, những người yếu thế và bị coi là ‘vô dụng’. Theo cách này, sự chung sống của con người ngày càng có xu hướng giống như một đơn vị đơn thuần vừa thực dụng vừa ích kỷ”

ĐTC lưu ý rằng tác động tồi tệ nhất của nạn đói tình huynh đệ này là “xung đột vũ trang và chiến tranh”, “khiến không chỉ các cá nhân mà cả toàn thể dân tộc trở thành kẻ thù của nhau, và hậu quả tiêu cực của chúng sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ.” ĐTC lưu ý, điều này đánh dấu một bước lùi của nhân loại so với thời đại sau hai cuộc thế chiến “khủng khiếp”, đưa tới việc thành lập Liên hợp quốc. Và đó là tầm quan trọng của việc hướng tới “một nền hòa bình ổn định hơn, để cuối cùng trở thành một đại gia đình giữa các quốc gia.”

Sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân

Để xây dựng hòa bình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “chúng ta phải tránh xa sự lý luận của tính hợp pháp về chiến tranh,” nhất là bởi vì trong khi các cuộc xung đột vũ trang trong quá khứ đã vượt quá phạm vi, thì ngày nay “với vũ khí hạt nhân và những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến trường thực tế đã trở nên không giới hạn, và những tác động có thể gây ra thảm họa.” “Đã đến lúc phải nói “không” một cách dứt khoát với chiến tranh, nhận định rằng chiến tranh không công bằng, mà chỉ có hòa bình mới sự công bằng: một nền hòa bình ổn định và lâu dài, không được xây dựng trên sự cân bằng bấp bênh của sự răn đe, mà trên tình huynh đệ đoàn kết chúng ta.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Chúng ta thực sự đang hành trình trên cùng một trái đất, là cư dân của một ngôi nhà chung duy nhất, và chúng ta không thể “làm tối bầu trời nơi chúng ta đang sống với những đám mây chủ nghĩa dân tộc”.

Kiên nhẫn, nhìn xa trông rộng, kiên trì, đối thoại và lắng nghe

ĐTC tự hỏi: “Chúng ta sẽ kết thúc ở đâu nếu mọi người chỉ nghĩ đến bản thân? Những người nỗ lực xây dựng hòa bình phải cổ súy tình huynh đệ”. Đây là một “nghề” đòi hỏi “sự đam mê và kiên nhẫn, kinh nghiệm và tầm nhìn xa, sự bền bỉ dấn thân, đối thoại và ngoại giao”. Và nó cũng đòi hỏi phải “lắng nghe” cách đặc biệt tiếng kêu của những người đau khổ vì những xung đột, đặc biệt là trẻ em.

“Đôi mắt đẫm lệ của họ đang phán xét chúng ta: tương lai mà chúng ta chuẩn bị cho họ sẽ là tòa án cho những lựa chọn hiện tại của chúng ta.” ĐTC nhấn mạnh “vẫn còn thời gian để viết một trang sử hòa bình mới cho lịch sử”, và ĐTC kết luận “chúng ta có thể làm được vì chiến tranh thuộc về quá khứ chứ chiến tranh không phải là tương lai.” Điều then chốt là: xây dựng “tình huynh đệ”. “Tình huynh đệ không thể là một ý tưởng trừu tượng, mà nó phải trở thành một điểm xuất phát thực sự.”

(Lược theo Thanh Quảng, SDB, Vietcatholic News)