– Lm. Maria Giuse Nguyễn Tuấn Long Dựa theo phân tích của các nhà chú giải Kinh Thánh, sự kiện gặp gỡ giữa Chúa Giêsu, Môsê, và Êlia trên núi mang một ý nghĩa mặc khải về sứ mệnh và căn tính của Chúa Giêsu: Môsê gắn liền với lề luật và Êlia là tiên tri (Hultgren, 2010; McLarty, 2007; Shauf, 2013). Với sự liên quan đến hai nhân vật gạo cội của Cựu Ước, tác giả Luca rất có thể muốn nhấn mạnh Chúa Giêsu là sự kiện toàn và là trọng tâm mà các tiên tri đã tiên báo cũng như lề luật mới của Ngài mang đậm nét nhân bản lấy con người làm trung tâm điểm thay vì lề luật. Tiếp theo, lời xác nhận từ đám mây càng cho thấy rõ chân dung và sứ vụ của Ngôi Hai dưới thế. Bởi thế, nghe theo lời Chúa Giêsu dạy cũng đồng nghĩa với lắng nghe thánh ý Cha. Như vậy, hành động xuống núi có thể được coi như là lời mời gọi dấn thấn đem chân lý Kitô vào đời. Nếu chúng ta để ý, người Do Thái dưới thời Cựu Ước lẫn Tân Ước, ngay cả đến hôm nay, vẫn rất coi trọng hình thức lề luật. Ai đã từng đi Do Thái thì cũng biết họ giữ luật ngày sabbát rất khắc khe. Có lần những khách hành hương chúng tôi (người Việt lẫn ngoại quốc) vào thăm mộ vua Đavít, người gác cổng bỗng nhiên quát tháo chúng tôi giữ thinh lặng một cách rất cộc cằng thô lỗ rồi bình thản cúi xuống đọc Kinh Thánh. Giả sử Chúa Giêsu là một trong những khách hành hương thì Ngài sẽ nói gì? Lề luật hay luật pháp luôn cần thiết trong xã hội, nhưng nó chỉ là phương tiện chứ không phải cùng đích. Chỉ có con người và mối tương quan với nhau mới chính là cùng đích. Nếu con người biết mến Chúa và yêu người cách thực thụ, thì lề luật sẽ trở nên dư thừa. Tuy nhiên, thực tế đã và đang cho thấy bản ngã con người luôn cần đến khuôn khổ luật pháp. Dẫu sao thì luật mới của Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu người như chính mình, làm cho người khác điều mình muốn, và tha thứ kẻ thù v.v. luôn là thách đố cũng như là kim chỉ nam chính xác hướng chúng ta đến với chân thiện mỹ mỗi ngày. |