– Lm. Maria Giuse Nguyễn Tuấn Long
Trong khoa tâm lý học, Albert Bandura (1925-2021) là người đã khởi xướng ra học thuyết học tập xã hội (social learning theory) sau này đổi thành social cognitive theory. Một trong những chương trình nghiên cứu đã đưa tên tuổi vị giáo sư này vang danh trong giới trí thức là cuộc thí nghiệm người nộm Bobo năm 1961. Cuộc thí nghiệm bao gồm hai nhóm trẻ em được xem truyền hình. Một nhóm được xem cảnh bạo động các trẻ em khác đấm đá người nộm Bobo. Nhóm kia thì xem cảnh hiền hòa thân thiện các trẻ em đối xử với Bobo. Sau đó, hai nhóm trẻ em này được gặp trực diện Bobo. Nhóm xem cảnh bạo động thì bắt chước đấm đá hành hung Bobo trong khi nhóm kia thì hiền hòa thân thiện. Kết quả nghiên cứu này đã chứng minh được tầm quan trọng của nhận thức (cognitive) trong tâm lý và tánh tình học.
Trẻ em thường học tập bắt chước người lớn trong gia đình và xã hội. Sau đó, các em thường nói cho nhau nghe rồi bắt đầu rủ rê trải nghiệm…
Dựa trên học thuyết học tập xã hội, chúng ta có thể nói môi trường xã hội và gia đình, đặc biết là cách làm gương của cha mẹ, là cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục và ảnh hưởng con cái. Muốn con cái siêng năng đi nhà thờ đạo đức thì cha mẹ phải nên làm gương trước tiên.
Phúc Âm tuần này cũng là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta trong mọi cương vị về sự cần thiết sống chứng nhân, không chỉ riêng cho kẻ khác bắt chước học hỏi về niềm tin Kitô mà còn cho chính cá nhân mình được sống tốt lành hơn. “Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.”