Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà “kinh doanh trên sự chết chóc” mà thiên hạ đang có về mình.
Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.
Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình.
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những người bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. Thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.
Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ.
Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: “Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitôhay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được.
Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.
(Lẽ Sống, Radio Veritas)