Trận dịch coronavirus đang là chủ đề chính trên hầu như các nhật báo toàn cầu và cũng là nỗi bận tâm lo lắng cho cả thế giới. Tuy con siêu vi khuẩn này bé tí ti chỉ thấy được bằng kính hiển vi, vậy mà sức công phá của nó đang làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt thường ngày của con người từ kinh tế cho đến tâm lý chính trị. Cũng vì nó, nhiều người di dân gốc Á châu ở nhiều nơi phải chịu những tổn thương tâm lý như bị khinh bỉ, tẩy chay, bị xa lánh v.v. nơi các quán ăn hay những nơi công cộng. Cũng chẳng trách những thái độ thái quá như thế được vì tâm lý ai cũng sợ bị nhiễm bệnh. Thật lòng mà nói, chính chúng ta cũng có một cảm giác bất an muốn tránh né nếu biết được bạn bè hay một những người chung quanh đến từ Trung Hoa, đặc biệt là từ Vũ Hán. Nỗi no sợ này là chính đáng có cơ sở hợp lý. Thế nhưng một loại virus khác cũng rất đáng sợ trong lúc này là loại virus siêu hình miệt thị trong tư tưởng đối với người dân Trung Hoa.
Riêng đối với nhiều người Việt, cứ cho là chúng ta không có cái nhìn mấy thiện cảm với người Trung Quốc, đặc biệt là với chính quyền Trung cộng trước những vụ lấn đất chiếm biển ngang ngược, nhưng đây không phải là lúc để chúng ta tự cho mình cái quyền đưa ra những khẳng định hay suy nghĩ lập luận thiếu cơ sở triết lý lẫn thần học như Thiên Chúa đang trừng phạt, bị loài dơi trả báo v.v. Dựa vào đâu mà chúng ta dám khẳng định đây là sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với con người? Không ít thì nhiều mỗi người phải nhìn nhận rằng chúng ta đã và đang có một sự thành kiến, thiếu thiện cảm đối với người Trung Quốc. Nếu cơn dịch corona này đang thỏa mãn cái thành kiến đó, thì chúng ta cần phải nên xét lại chiều kích tâm linh cũng như mối tương quan với Thiên Chúa dưới lăng kính Phúc Âm tuần này: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Có lẽ người dân Trung Quốc đang chịu rất nhiều những tổn thương tinh thần cho đến thể lý trong lúc này. Họ không cần phải nghe thêm hay chịu đựng thêm những con virus siêu hình lây lan qua lời nói. Trái lại, chúng ta nên thinh lặng để lắng đọng và cầu nguyện nhiều cho họ, cho chính bản thân mình và cho toàn thể thế giới. Những lời nói vô bổ không làm cho kẻ khác hạnh phúc sẽ chẳng bao giờ đem lại hạnh phúc cho dù có lập lại trăm lần. Hãy trở nên hoàn thiện bằng cách sống tốt lành mỗi ngày. Trong ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười.”
-Lm. Giuse Maria Nguyễn Tuấn Long