Đối với thánh Augustinô, ba điều cực kỳ quan trọng mà ngài muốn học trò của ngài luôn ghi nhớ: (1) khiêm nhường, (2) khiêm nhường, và (3) khiêm nhường. Ngài lập lại đức khiêm nhường đến ba lần để nhấn mạnh một điều rằng con người thường dễ trở nên kiêu ngạo mỗi khi hơn người khác điều gì đó. Trong thực chất, những kẻ hay kiêu ngạo thường khó thấy cái ngu của họ. Ngược lại, những người khiêm nhường cho dù không thấy điểm yếu của chính họ đi chăng vẫn kín đáo không tỏ ra cho người khác thấy cái dốt của họ. Hơn nữa, thái độ của một người khiêm nhường vẫn luôn cởi mở đón nhận và lắng nghe khuyết điểm của mình. Có khiêm nhường thì việc gì cũng trở nên dễ dàng. Kiêu ngạo chỉ làm cho kẻ khác ghét và bực mình. Bởi thế, nét đẹp của mỗi Thánh lễ luôn bắt đầu bằng nghi thức sám hối ăn năn hạ mình trước Thiên Chúa và cộng đoàn: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã …”
Hình ảnh người thu thuế tội lỗi đứng ở xa đấm ngực ăn năn thật ra chính là hình ảnh mà mỗi người chúng ta phải theo gương và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Tuy chưa phạm những tội trọng, điều đó không bao giờ cho phép chúng ta tự cho mình là tốt hơn những người đã lỡ phạm. Cuộc đời luôn đầy ắp những cạm bẫy, khôn ba năm dại một giờ là điều luôn có thể xảy ra với mỗi người chúng ta. Đừng bao giờ tự cho mình là hay, là giỏi, là chắc trước những vấp ngã của kẻ khác, nhưng trái lại, hãy luôn rút ra những bài học khiêm nhường cho bản thân từ những vấp ngã đó.
Giữa một người dốt mà khiêm nhường và một người thông thái mà kiêu ngạo, thì bạn dễ có thiện cảm với ai? Cá nhân tôi chọn dốt mà khiêm nhường vì ít nhiều gì người khiêm nhường không làm mình cảm thấy ngượng ngạo mà lại dễ gần gũi. Đối với ma quỷ, thông minh kiêu ngạo là thuộc sở trường của chúng, nhưng nói đến khiêm nhường, chúng không cầm cự lâu vì bản chất của chúng ta vẫn là kiêu ngạo. Nói tóm lại, muốn gần Chúa là khiêm nhường. Muốn gần quỷ thì kiêu ngạo.