Phúc Âm tuần này có vẻ không ăn khớp với nhau. Phần trên xoáy vào gia tăng lòng tin. Phần dưới thì nói về người đầy tớ vô dụng làm điều phải làm. Từ góc độ con người, các Tông đồ vẫn luôn loay hoay trong tư tưởng ai là người lớn nhất, theo Chúa có ích lợi gì, và cuộc sống thoải mái hơn. Như vậy, lời khẩn nài “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” là có ý gì? Lòng tin có khả năng thay đổi mọi thứ sẽ được dùng vào mục đích nào? Có lợi cho ai? …
Nhảy sang đoạn dưới, hiếm có chủ nào lại đi dọn bữa cho thợ hay đầy tớ. Thường là họ sai ép đầy tớ làm thêm cái này hoặc cái kia. Thân phận của một người Kitô hữu cũng tượng tự. Một khi chúng ta đã chấp nhận làm đầy tớ để phục vụ tha nhân thì chúng ta không có quyền đòi hỏi kẻ khác phải trả thù lao hay bổng lộc. Chúng ta chỉ đơn giản làm điều chúng ta phải làm, đó là, đưa mọi người đến với Chúa và ngược lại. Dẫu sao thì vẫn là con người với bản ngã, đa số công việc nào có đồng tiền mở đường thì mọi sự có vẻ trôi trảy và vui vẻ hơn. Thú thật, có những lúc không được tiền tips hay “tiền tê” sau các bí tích tôi cũng cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Không biết tự khi nào trong bộ não đã được cài đặt cái phần mềm: Không có cũng được, có thì vui hơn. Có lẽ anh chị em nào theo nghề làm đẹp, bưng quán hay phục vụ khách hàng mà không được khách tips thì cũng hơi buồn vu vơ rồi vờ. Sự đòi hỏi trong đầu đã từ từ được hình thành bởi thói quen và thông lệ.
Để nối ý của hai đoạn Phúc Âm trên, Chúa Giêsu muốn các Tông đồ phải thoát ra khỏi cái thói quen và thông lệ thường ngày. Sức mạnh của lòng tin là để nhắm đến ích lợi và phục vụ anh em chứ không phải để chuộc lợi trên những gì chúng ta làm. Bổn phận của một người có đức tin là làm sáng danh Chúa qua việc mến Chúa yêu người. Người ta có cảm tình dúi tí làm bồi dưỡng (bonus) chẳng qua là sự rộng lượng, nhưng một khi đã chấp nhận làm đầy tớ, chúng ta không có quyền mong đợi ích lợi nào khác ngoài việc chu toàn tốt trách nhiệm đang được trao phó mỗi ngày.