Vào năm 1856 các nhà khảo cổ đã thực hiện một cuộc khám phá đầy thú vị tại đồi Palatino tại thành phố Roma. Khi đào bới những lớp đất bao phủ một trại lính Roma cổ, trên vách một bức tường, họ tìm thấy một cây thập giá được một người lính nào đó dùng đinh hay mũi dao khắc vụng về vào tường. Bên cạnh là hình một chàng thanh niên giơ tay chào kính cây thập giá. Trên cây thập giá có vẽ hình một người, nhưng đầu người ấy là hình một con lừa. Dưới hai hình vẽ, người ta thấy có viết hàng chữ: Alexamenos thờ lạy Chúa của hắn.
Các nhà khảo cổ cho rằng: Có thể bức tranh đã được thực hiện vào những năm 123 đến năm 126. Nếu sự phỏng đoán về niên hiệu này là đúng thì đây có lẽ là hình vẽ thập giá cổ nhất, nhưng lại là hình thập giá bị nhạo báng, chê cười: Nếu Thiên Chúa lại chết trên thập giá thì đây là hành động yếu hèn, khờ dại như hành động của một con lừa và cả những người thờ lạy Thiên Chúa trên thập giá cũng thế.
Vào năm 1870, các nhà khảo cổ lại tìm được câu trả lời mà họ nghĩ là của một chàng thanh niên mang niềm tin Kitô tên là Alexamenos. Ở một cột trụ bằng đá dựng hình thần Mars tức là vị thần chiến tranh, người ta khám phá thấy được khắc vào đó dòng chữ: “Alexamenos vẫn vững tin”.
Vâng, hình ảnh Thiên Chúa chết treo trên thập giá là một hình ảnh khủng khiếp, yếu đuối, dại khờ. Nhưng Thánh Phaolô đã biện hộ cho hành động có thể gọi được là điên rồ của Thiên Chúa như sau:
“Tiếng nói của thập giá đối với những kẻ hư hỏng là điên dại, còn đối với các người được cứu rỗi, tức là chúng ta, thì là sức mạnh của Thiên Chúa. Thật vậy, người Do Thái đòi hỏi phép lạ, người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan. Còn chúng tôi thì giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Người Do Thái cho điều đó là xấu xa, còn các người ngoại giáo thì cho là dại dột. Song với tất cả được Thiên Chúa tuyển chọn thì Chúa Kitô chịu đóng đinh là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.
(Lẽ Sống, Veritas)