(12/02/2019)- Đã 90 năm kể từ khi Hiệp ước Lateran được ký kết. Điều này rất quan trọng vì 100 năm trước mối quan hệ giữa chính phủ Ý Đại Lợi và Tòa Thánh rất căng thẳng. Năm 1870, chính quyền Ý Đại Lợi đã tấn công Lãnh địa Giáo hoàng. Ngoài ra, Giáo hội Công giáo không được phép tham gia các hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II. Đức Giáo hoàng đã không xuất hiện ở nơi công cộng và người Công giáo không thể làm việc trong những tổ chức công cộng.
Tuy nhiên, như một cách để chấm dứt cuộc xung đột này, vào ngày 11 tháng 2 năm 1929, Đức Giáo hoàng Piô XI và Vua Vittorio Emanuele đã gửi đại diện của họ, Đức Hồng y Pietro Gasparri và Thủ tướng Ý Đại Lợi Benito Mussolini ký Hiệp ước Lateran.
Do đó, sau 40 năm căng thẳng, Tòa Thánh đã lấy lại quyền và lãnh thổ của mình tại Roma. Đức Giáo hoàng đã không còn được xem là một “cư dân” ở đất nước này. Matteo Nacci, Giáo sư Lịch sử pháp luật và văn hóa pháp lý: “Đây là biểu tượng chấm dứt căng thẳng giữa hai quốc gia. Tôi không thể nói về một cuộc chiến, vì thực sự không có một cuộc chiến nào cả. Tuy nhiên, đã có căng thẳng và đây là lý do tại sao có một sự hòa giải.” Hiệp ước Lateran đã giúp Giáo hội bảo vệ những người bị Đức quốc xã đàn áp trong Thế chiến II. Điều này là bởi vì Giáo hội có thể chào đón họ vào lãnh thổ của mình ở Roma, như Vương cung thánh đường Thánh John Lateran và Castel Gandolfo. Ngoài ra, nó đã cho phép Giáo hội ở Ý Đại Lợi giúp đỡ hàng triệu người thông qua các tổ chức tôn giáo như Caritas, nơi cung cấp hỗ trợ cho những người khó khăn nhất.
Đức Ông Bernard Ardura, Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử: “Hiệp ước Lateran cho phép Tòa Thánh đóng một vai trò quan trọng trên phạm vi quốc tế thông qua hoạt động với các tổ chức siêu quốc gia. Ví dụ, công việc của họ với Liên hiệp quốc và các cơ quan khác ở Roma như Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc. Ngoài ra, tại Ba Lê, chúng tôi hợp tác với UNESCO và với các tổ chức khác ở Geneva.”Quyền tự trị được trao bởi Hiệp ước Lateran cũng tạo điều kiện cho những sự kiện lớn như Công đồng Vatican II diễn ra vào năm 1962. Những thời khắc lịch sử này đã cho phép Tòa Thánh đưa ra quyết định quan trọng phục vụ lợi ích chung. Đức Ông Bernard Ardura, Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử: “Hiệp ước Lateran là một khoảnh khắc phi thường, có lợi cho cả Tòa Thánh và Ý Đại Lợi.”
Kết quả là, đại lộ thênh thang dẫn đến Vatican, Via della Conciliazione, là biểu tượng cho sự kết hợp này. Nó được Mussolini xây dựng để thể hiện mối quan hệ tích cực giữa Vatican và thành phố Roma.
(Trích lược theo Jos. Tú Nạc, NMS, thanhlinh.net)