Hỏi: Tội tổ tông truyền là gì?
Đáp: Mọi người đều bị sinh ra trong nguyên tội. Nguyên tội là tình trạng thiếu vắng ơn thánh sủng và sự công chính nguyên thủy. Ðó là một tội mà chúng ta “vướng mắc” chứ không phải là một tội mà chúng ta vấp phạm; đó là tình trạng lúc chào đời chứ không phải là một hành vi cá nhân. Do sự thống nhất của toàn thể loài người, tội này được truyền lại cho con cháu của Ađam trong bản tính loài người, “không phải do bắt chước, nhưng là qua truyền sinh.” Việc truyền đạt này là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu được cách trọn vẹn.
Hỏi: Những hậu quả khác do nguyên tội gây nên là gì?
Đáp: Sau khi tổ tông đã phạm tội, bản tính con người không hoàn toàn bị hủy hoại, nhưng bị thương tật trong các sức lực tự nhiên của mình, chịu sự u mê, đau khổ và nằm dưới quyền lực sự chết; bản tính con người bị nghiêng chiều về tội lỗi. Sự nghiêng chiều này được gọi là dục vọng (concupiscentia).
Hỏi: Thiên Chúa đã làm gì sau tội đầu tiên của con người?
Đáp: Sau tội đầu tiên, thế gian đã bị tràn ngập tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người dưới quyền lực sự chết. Trái lại, Ngài đã tiên báo cách mầu nhiệm – trong “Tiền Tin Mừng” (x. St 3,15) – rằng sự dữ sẽ bị đánh bại và con người sẽ được nâng dậy khỏi sự sa ngã của họ. Ðó là lời tiên báo đầu tiên về Ðấng Mêsia cứu chuộc. Vì thế, chúng ta đã gọi sự sa ngã là “tội hồng phúc” (felix culpa), vì “nhờ có ngươi, ta mới có được Ðấng Cứu Chuộc cao cả dường này” (Phụng Vụ đêm Vọng Phục sinh).
Hỏi:Tin Mừng cho con người là gì?
Đáp: Tin Mừng là lời loan báo về Ðức Giêsu Kitô, “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), Ðấng đã chết và đã sống lại. Vào thời vua Hêrôđê và Hoàng Ðế Xêdarê Augustô, Thiên Chúa đã thực hiện những lời Ngài đã hứa với Ábraham và dòng dõi qua việc Ngài đã sai “Con Mình tới, sinh làm con một người nữ và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Ga 4,4-5).
Hỏi:Tin Mừng này được loan truyền như thế nào?
Đáp: Ngay từ đầu, các môn đệ tiên khởi đã khao khát loan báo Ðức Giêsu Kitô, nhằm làm cho mọi người tin vào Người. Ngày nay cũng thế, sự hiểu biết say mê Ðức Kitô làm nẩy sinh nơi các tín hữu niềm khao khát rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý, nghĩa là giúp mọi người nhận thấy tất cả kế hoạch của Thiên Chúa trong con người Chúa Giêsu và dẫn đưa nhân loại đến hiệp thông với Người.
Hỏi: Danh thánh “Giêsu” nghĩa là gì?
Đáp: Danh thánh Giêsu, được thiên thần gọi ngay từ lúc Truyền tin, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Danh thánh này nói lên căn tính và sứ mạng của Chúa Giêsu, vì “chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội” (Mt 1,21). Thánh Phêrô khẳng định rằng “dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).
(Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011)