Học Hỏi Sống Đạo – 01/10/2017

Spread the love

Hỏi: Tại sao phải lưu truyền Mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền bằng cách nào?

Đáp:

Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4), nghĩa là nhận biết Ðức Giêsu Kitô. Vì thế, phải rao giảng Ðức Kitô cho mọi người, như chính lời Người dạy: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Ðiều này đã được thực hiện bởi Truyền thống các Tông đồ, gọi tắt là Truyền thống tông đồ.

 

Hỏi: Truyền thống tông đồ là gì?

Đáp:

Truyền thống tông đồ là việc chuyển đạt sứ điệp của Ðức Kitô, đã được thực hiện ngay từ lúc khởi đầu Kitô giáo, qua việc rao giảng, làm chứng, các cơ chế, phụng tự, và các sách được linh ứng. Các Tông đồ đã chuyển đạt mọi điều các ngài đã lãnh nhận từ Ðức Kitô và học hỏi từ Chúa Thánh Thần cho những người kế nhiệm các ngài, là các giám mục, và qua họ, cho mọi thế hệ đến tận thế.

Hỏi: Truyền thống tông đồ được thực hiện như thế nào?

Đáp:

Tông truyền được thực hiện bằng hai cách: qua việc chuyển đạt sống động Lời Chúa (được gọi cách đơn sơ là Thánh truyền) và qua Thánh Kinh, trong đó cùng một lời rao giảng ơn cứu độ được ghi lại thành chữ viết.

 

Hỏi: Tương quan giữa Thánh truyền và Thánh Kinh như thế nào?

Đáp:

Thánh truyền và Thánh Kinh liên kết và giao lưu mật thiết với nhau. Thật vậy, cả hai làm cho mầu nhiệm Ðức Kitô được hiện diện và sung mãn trong Hội thánh và cả hai cùng xuất phát từ một cội nguồn là Thiên Chúa. Cả hai làm nên một kho tàng đức tin duy nhất, nơi Hội thánh nhận được sự đảm bảo chắc chắn về tất cả những chân lý được mạc khải.

 

Hỏi: Kho tàng đức tin đã được ủy thác cho ai?

Đáp:

Từ thời các thánh Tông đồ, kho tàng đức tin đã được ủy thác cho toàn thể Hội thánh. Nhờ Chúa Thánh Thần hỗ trợ và nhờ Huấn quyền hướng dẫn, với cảm thức siêu nhiên của đức tin, toàn thể dân Chúa đón nhận Mạc khải của Thiên Chúa, hiểu biết mỗi ngày một sâu xa hơn, và cố gắng sống Mạc khải đó.

 

Hỏi: Ai có thẩm quyền để giải nghĩa kho tàng đức tin?

Đáp:

Chỉ có Huấn quyền sinh động của Hội thánh, nghĩa là vị kế nhiệm thánh Phêrô làm Giám mục Rôma và các Giám mục hiệp thông với ngài, mới có đủ thẩm quyền giải thích kho tàng đức tin. Huấn quyền, trong việc phục vụ Lời Chúa, được hưởng đặc sủng về chân lý, có trách nhiệm xác định các tín điều, nghĩa là những công thức trình bày các chân lý chứa đựng trong Mạc khải của Thiên Chúa; thẩm quyền này cũng áp dụng trên các chân lý có liên hệ thiết yếu với Mạc khải.

 

Hỏi: Hỏi: Ðâu là mối tương quan giữa Thánh truyền, Thánh Kinh và Huấn quyền?

Đáp:

Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền liên hệ chặt chẽ với nhau, đến độ thực thể này không hiện hữu nếu không có hai thực thể kia. Dưới tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, cả ba góp phần cách hữu hiệu vào ơn cứu độ loài người, mỗi thực thể theo cách thức riêng của mình.

 

(Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011)