Hỏi: Cử hành thánh lễ với loại rượu nho nào?
Đáp: Qui luật duy nhất là dâng thánh lễ với rượu nho tự nhiên và nguyên chất, nghĩa là không pha trộn với chất nào khác. Tại nhiều xứ không trồng nho được, người ta sử dụng rượu nho tự nhiên có nồng độ hơi cao một tí, như rượu Porto chẳng hạn, để có thể giữ được lâu.
Trước thế kỷ thứ XVI, người ta thường dùng rượu nho đỏ (hiện nay, phụng vụ theo truyền thống Byzance, bên Đông Phương, vẫn còn duy trì tập tục này). Vào thế kỷ thứ XVI tại Tây Phương, khi người ta bắt đầu dùng khăn lau để tráng chén lễ, người ta thích dùng rượu nho trắng hơn để dâng lễ vì ít để vết.
Hỏi: Tại sao chủ tế đổ ít nước vào rượu?
Đáp: Ngày xưa, tại các xứ vùng biển Địa Trung Hải, người ta có thói quen pha một chút nước vào rượu (thường là rượu nặng và gắt). Vào bữa Tiệc Ly (bữa ăn cuối của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi chịu tử nạn) phải chăng Chúa Giêsu đã pha chút nước vào rượu nho? Có thể như vậy, tuy không có một tài liệu nào xác quyết việc này cả. Nhưng từ thế kỷ thứ II, người ta có thể xác định chắc chắn có việc pha nước vào rượu trong thánh lễ.
Nghi thức này có ý nghĩa rất hay: đó là dấu chỉ mối liên quan chặt chẽ giữa thần tính và nhân tính trong Chúa Kitô; đồng thời, là dấu chỉ sự liên kết chặt chẽ của Chúa Kitô (rượu nho) với Giáo hội (tượng trưng bởi nước) làm thành lễ dâng trong trong thánh lễ. Chúa Kitô không tự hiến tế một mình, nhưng liên kết với Giáo hội của Người.
Ý nghĩa phong phú của các biểu tượng này được thể hiện trong lời cầu nguyện của vị chủ tế khi pha chút nước vào rượu nho: “Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”.
(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)