Luật Xưng Tội Rước Lễ Mùa Phục Sinh
Hỏi:
Giáo hội rất đề cao Phép Thánh Thể…
Xin cho biết: – Ai được rước lễ? Ai phải rước lễ trong mùa Phục sinh? Điều răn thứ 4 trong 6 điều răn của Hội thánh dạy “Rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh”, bắt đầu và kết thúc ngày nào? Muốn rước lễ phải làm gì? Ai không được rước lễ?
Đáp:
Nói đến luật Hội thánh thì xin bắt đầu bằng việc mở giáo luật coi xem sao?
1- Trước hết, Giáo hội rất đề cao Phép Thánh Thể.
Giáo luật viết: “Bí tích Thánh Thể là BT cao trọng nhất, trong đó Chúa Giêsu hiện diện, tự hiến và trở nên lương thực, nhờ đó Giáo hội tiếp tục được sống và tăng trưởng…” (điều 897)
Theo những lời trên, ta hiểu rằng: nhờ Mình Thánh Chúa, con cái Giáo hội được “sống và “lớn lên” trong Chúa. Nói ngược lại, không có Thánh Thể Chúa, linh hồn ta sẽ “yếu đuối, còm cõi, và chết”. Chúa đã phán:”Ai ăn Thịt Ta…sẽ sống muôn đời” (Ga 6,58)
2- Ai được rước lễ:
“Bất cứ ai đã chịu Phép Rửa tội và không bị luật cấm, đều có thể và phải được nhận cho rước lễ” (điều 912)
3- Ai buộc rước lễ mùa Phục sinh?
“Mọi tín hữu, sau khi rước lễ lần đầu, buộc phải rước lễ ít nhất mỗi năm một lần.(Giáo luật số 920,2). Mệnh lệnh này phải được chu toàn vào mùa Phục sinh (mùa Phục sinh bắt đầu từ lễ Chúa Phục sinh đến chiều lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống), trừ khi có lý do chính đáng, có thể chu toàn vào mùa khác trong năm (điều 920,2).
– Cho thân xác ăn một năm một bữa, hay cho linh hồn một năm rước Chúa một lần thí ít quá, vì vậy, Giáo hội dạy ta phải “siêng năng và sốt sắng nhận lãnh Mình Thánh Chúa, hết lòng thờ phượng bái kính Thánh Thể Chúa” (điều 898),
– Giáo hội rộng ban: “Nếu một ngày ai dự 2 lễ, thì được rước lễ 2 lần” (Gl điều 917), miễn là họ kiêng ăn uống (trừ nước lã hoặc uống thuốc ít là 1 giờ trước khi lên rước lễ) nhưng không buộc 1 giờ đối với các người già, người bệnh và người săn sóc bệnh nhân, nếu họ ăn chút ít mà không đủ 1 giờ thì cũng được phép rước lễ (điều 919,3).
– Người tín hữu nguy tử (gần chết), dù đã rước lễ rồi, cũng được rước lễ nữa như của “Ăn đàng” về trời. Các ngày sau còn nguy tử thì cứ được rước lễ nữa (điều 921-922). Trẻ em nguy tử cũng được rước lễ, nếu em (chưa xưng tội lần đầu) nhưng phân biệt được Mình Thánh Chúa và của ăn thường, và kính cẩn rước lễ (điều 913).
4- Muốn rước lễ phải làm gì?
Ba điều kiện để rước lễ như giáo lý các em xưng tội lần đầu vẫn học là: 1/ Sạch tội trọng, 2/ Có ý ngay lành, 3/ giữ chay 1 giờ trước khi rước lễ.
Mỗi khi rước lễ, phải dọn tâm hồn với lòng tin, cậy kính mến, khiêm nhường “Lạy Chúa, con chẳng đáng…” Chúng ta thật bất xứng và thiếu sót, không đáng rước Mình Máu thánh Chúa , nhưng ta được phép “nhờ Mẹ Maria” giúp dọn mình và cám ơn khi rước Chúa, đó lại là điều rất đẹp lòng Chúa.
5 – Những ai không được rước lễ?
a/ Những ai “biết mình phạm tội trọng và chưa xưng tội
trước thì không được rước lễ” (Gl điều 916).
b/ Những ai bị vạ tuyệt thông (ví dụ: phá thai, (1398) và cấm
chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố,
c/ Những ai cố chấp trong tội trọng công khai, (ví dụ: ly dị rồi
tự ý kết hôn không có phép Giáo hội) (Gl điều 915).
Xin kể câu chuyện về ích lợi việc rước lễ:
Ông thánh Thomas More (1478-1525) đã một thời làm quan tể tướng của vua Henri 8 nước Anh. Tuy làm quan lớn trong triều đình, nhưng ông vẫn đi lễ và rước lễ hằng ngày. Việc này làm các quan trong triều bàn tán, họ nói:
– Một giáo dân như quan tể tướng bận rộn với biết bao công việc, bao lo âu… còn phải mất thời giờ đi lễ thường xuyên như thế.
Quan tể tướng trả lời ngay:
– Thế nhưng chính các vị đã chính xác nêu lên những lý do giải thích tại sao tôi cần phải Thường xuyên đi lễ và rước lễ. Nếu tôi có nhiều lo âu, việc rước lễ đem lại cho tôi sự can đảm, nếu mỗi ngày tôi phải gặp bao cơ hội làm phiền lòng Thiên Chúa, mỗi ngày việc rước lễ cho tôi những sức lực mới để tôi chống trả tội lỗi. Nếu tôi cần sự khôn ngoan và hiểu biết để chu toàn những phận vụ khó khăn, tôi tìm đến với Chúa mỗi một ngày để gặp được ánh sáng và những lời khuyên.
– Lm. Đoàn Quang, CMC