Chỉ trong khoảng 100 ngày từ ngày 6 tháng 4 cho đến 16 tháng 7 năm 1994, có từ 500,000 đến 1,000,000 người Rwanda đã bị hãm hiếp và giết chết bởi nạn diệt chủng (Genocide) giữa hai bộ lạc Hutu và Tutsi. Đa số nạn nhân là thuộc bộ lạc Tutsi. Từ ngữ “genocide” (diệt chủng) được đặt ra bởi một luật sư người Ba-Lan gốc Do Thái, Raphael Lemkin, sau Đệ Nhị Thế Chiến. Genocide là một từ ghép của tiếng Hy-Lạp geno (chủng tộc) và cide (giết chết, hủy diệt). Liên Hiệp Quốc định nghĩa “diệt chủng” là những hành động có chủ mưu nhắm đến sự hủy diệt toàn diện hay một phần của một dân tộc, chủng tộc, sắc dân hay một nhóm tôn giáo (https://www.ushmm.org/confront-genocide/defining-genocide).
Hai mươi năm sau, 2014, tôi có dịp đến tận nơi để chứng kiến và học hỏi thêm về sự kiện này tại Trung Tâm Tưởng Niệm Kigali. Có một chuyện rất đau lòng còn ghi lại về một vị Linh mục thuộc sắc tộc Hutu đã tham gia vào cuộc diệt chủng tàn sát hầu hết các giáo dân thuộc sắc tộc Tutsi. Thay vì là nơi ẩn náu an toàn cho giáo dân, nhà thờ đã bị biến thành holocaust bởi giáo sĩ. Bước ra khỏi Trung Tâm, tôi như bị choáng váng và căng thẳng trước những tội ác quá khủng khiếp do chính con người gây ra cho đồng loại và sự vô cảm của lương tâm con người. Đến một điểm nghỉ chân, tôi hỏi người Linh mục bạn Tutsi đi cùng: “Cha có thật sự tha thứ cho những người đã sát hại gia đình cha không?” Cha bạn không trả lời trực tiếp câu hỏi, nhưng chuyển hướng nói chung chung “Tôi không có vấn đề gì đối với con cháu của họ.”
Đến nay, đề tài này vẫn còn là điều hết sức tế nhị và nhạy cảm trong lòng của mỗi người dân Rwanda. Mọi sự đã lắng xuống sau 20 năm, nhưng vết thương lòng của cả đất nước Rwanda vẫn còn đó. Mọi người có vẻ cố quên đi quá khứ, nhưng hiện tại họ vẫn sống với tiếc thương ngậm ngùi vì cứ mỗi gia đình đều có ít nhất một hoặc hai là nạn và cũng một hoặc hơn là sát nhân. Và cả hai sắc tộc nạn nhân và sát nhân vẫn sống vai kề vai mỗi ngày.
Nếu tôi là Linh mục thuộc người Tutsi, tôi sẽ chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay với giáo dân như thế nào đây? Ngược lại, những người giáo dân người Hutu sẽ đón nhận Tin Mừng trong tâm trạng nào đây? Tha thứ kẻ thù thôi đã là khó khăn rồi huống chi là yêu thương. Nhưng có yêu thương thật sự thì kẻ thù mới được tha thứ. Quả thật, Lời Chúa là một chân lý quá lý tưởng – nói dễ khó làm – mà người thường khó có thể với tới, nhưng cũng có người đã với được điển hình là các thánh. Nghĩ cho cùng, Chúa Giêsu cũng chỉ muốn chúng ta yêu thương nhau hơn để trải nghiệm được phần nào về thiên đàng nơi hạ giới. Nơi đâu có yêu thương và an bình là nơi đó chính là thiên đàng. Trái lại, nơi nào có ganh ghét thù hằn là nơi đó có hỏa ngục vì hỏa ngục tự chính nó là thù hằn ganh ghét nhau. Mục sư Martin Luther King Jr. có một câu nói rất thú vị: Yêu thương là động lực duy nhất có khả năng biến đổi kẻ thù thành bạn (Love is the only force capable of transforming an enemy into a friend).
Tin nhắn nhỏ: Quý độc giả và giáo dân xa gần thân mến, tôi rất lấy làm vinh dự được phục vụ các bạn trong phần chia sẻ Lời Chúa mỗi tuần hơn suốt ba năm qua. Vừa là tình cờ và là cơ duyên nào đó chúng ta được kết nối qua tờ Nối Kết hằng tuần. Chúng ta hãy cùng tạ ơn Thiên Chúa, cảm ơn nhau và tri ân những người hy sinh âm thầm đưa tin. Vì lý do mục vụ, tôi rất tiếc không thể tiếp tục, nhưng thay vào đó sẽ là những nguồn tư tưởng phong phú mới lạ đến từ quý Cha và Cộng đồng dân Chúa bắt đầu vào Chúa Nhật đầu mùa Chay này. Tôi xin gởi lời cảm ơn, lời chào tạm biệt và xin các bạn cầu nguyện nhiều cho tôi. Nguyện xin Thiên Chúa luôn chúc lành xuống trên bạn và gia đình.