Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Giakêu là một trong những câu chuyện Phúc Âm mang sắc thái vui tươi và hài hòa khác với những cuộc gặp gỡ căng thẳng với các kinh sư hay biệt phái. Nếu chúng ta đọc kỹ bốn Phúc Âm, Chúa Giêsu thường dùng từ “khốn” với những thành phần được coi là ưu tú hay đạo đức trong xã hội. Riêng những thành phần ô uế và tội lỗi thì Ngài thường dùng những cụm từ rất nhẹ nhàng như: phúc cho, được tha, ơn cứu độ và đức tin cứu chữa con v.v. Hôm nay Chúa Giêsu sử dụng lại những cụm từ này khi gặp gỡ Giakêu: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất.”
Khác với những cuộc gặp gỡ trước, lần này Chúa Giêsu đã gọi chính đích danh Giakêu (tiếng Do-Thái có nghĩa là “tinh tuyền” hay “trong trắng”). Thật sự Giakêu dưới con mắt thế gian là một con người tội lỗi, nhưng dưới đôi mắt của Chúa, ông ấy là một con người công minh chính trực. Sự chính trực này được hiểu ngầm ở câu nói: “và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn.” Chữ “nếu” là một từ mang tính giả sử, chưa xảy ra. Giả sử Giakêu làm thiệt hại cho ai điều gì, ông ấy xin đền gấp bốn lần. Quả thật, cuộc gặp gỡ Đức Kitô không chỉ biến đổi tâm hồn Giakêu mà còn biến đổi cả cách sống và lối suy nghĩ của ông ấy đối với những người chung quanh. Giakêu biết ý thức hơn về bổn phận và trách nhiệm đối với người nghèo và sự công bằng trước mặt Thiên Chúa: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn.”
Học từ kinh nghiệm của Giakêu, cuộc gặp gỡ thực sự với Đức Kitô phải luôn có một sức mạnh thần linh có khả năng cảm hóa và thay đổi lòng người. Nhiều người Công giáo vẫn nói mình được ơn biến đổi rồi ơn này ơn kia và được Chúa chữa nhiều lần v.v. nhưng cách cư xử với anh em và gia đình lại khác hẳn với những gì Chúa ban. Phải như Giakêu, gặp gỡ Đức Kitô đòi hỏi mỗi người chúng ta phải sống có trách nhiệm với những người nghèo bất hạnh chung quanh và công lý công bằng với mọi người trong xã hội. Là những nhân chứng cho Đức Kitô, đời sống chúng ta có thể hiện sự công bằng bác ái trong xã hội như Giakêu đã làm chưa?