Trước sự ra đi của người thân yêu, một tác giả đã nhận định thế này: mất đi cha mẹ là mất đi quá khứ, mất đi anh chị em trong gia đình là mất đi hiện tại, và mất đi con cái là mất cả tương lai. Nhận định này rất chính xác. Mỗi một sự mất mát đều hoàn toàn khác nhau. Nỗi mất mát cha mẹ không bao giờ tương đồng với nỗi mất mát con cái. Khi gặp gỡ để an ủi gia đình tang quyến, các tâm lý gia và cố vấn gia đình khuyên chúng ta nên tránh dùng những lời chia sẻ sau đây: Tôi rất lấy làm tiếc và tôi hiểu cảm giác của bạn lúc này ra sao. Đừng buồn nữa, đó là thánh ý Chúa. Trước sau gì chúng ta cũng ra đi mà v.v. Riêng cá nhân tôi, nói câu chia buồn rồi giữ thinh lặng là tốt nhất. Ai biết chính xác được tâm trạng của người ở lại như thế nào mà dám nói “tôi hiểu cảm giác của bạn”? Biết còn chưa xong mà lấy gì hiểu nổi. Thánh ý Chúa sao mà khó hiểu quá vì đứa bé có tội tình gì đâu mà phải chết? Chúa ở đâu không ra tay cứu, đợi chết rồi mới là thánh ý. Trước hay sau là chuyện phải đến trong thời gian và không gian, nhưng trong lúc bối rối u buồn không phải là lúc để ôn bài. Có những lời an ủi vô tình lại làm cho người thân đau khổ thêm đơn giản là vì đó cũng chỉ là những lời an ủi suông.
Trong câu chuyện Phúc Âm tuần này, Chúa Giêsu đã thấy rõ sự mất mát cả một bầu trời tương lai của người đàn bà góa nên Ngài đã không chỉ an ủi bằng lời mà còn ra tay phục hồi sự sống cho người con. Sự sống lại của người con cũng đồng nghĩa với tương lai hy vọng của người mẹ. Làm cho một người tuyệt vọng có lại được niềm hy vọng trong cuộc sống là một thách đố cực kỳ khó khăn cho mỗi Kitô hữu trong thời buổi này. Tuy nhiên, Thiên Chúa chẳng bao giờ đòi hỏi chúng ta phải làm phép lạ như Ngài, nhưng qua cách sống chân thành vui vẻ với anh em, đó cũng là đủ để đem lại niềm vui và hy vọng cho kẻ khác ở đời này rồi.