Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Trong tâm lý học, câu hỏi này thường được dùng để đào xâu về căn tính cá nhân. Tôi muốn biết rõ về mình qua cái nhìn của những người chung quanh. Có những người cảm thấy tự tin hơn trong đời sống khi được người khác khen tặng. Người khác thì tăng thêm lòng tự trọng vì thu hút được sự chú ý của kẻ khác. Mỗi con người tự chính bản thân đã là một sự phức tạp. Mỗi con người là một cá tính riêng và suy nghĩ khác nhau. Ai cũng muốn mình được tỏa sáng hơn kẻ khác.
Đối với Chúa Giêsu, câu hỏi trên không phải để dò thăm sự tỏa sáng của mình, nhưng là để chỉnh sửa cái nhìn lệch lạc của con người về Thiên Chúa. Bằng chứng là sau khi Simon Phêrô đã nhận ra được Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa, Ngài đã căn dặn các ông không được nói với ai về Ngài. Tiếp theo, Ngài đã hé lộ sứ vụ của mình trong tương lai: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại.” Với sự tiết lộ này, Chúa Giêsu đã thay đổi cái nhìn của các môn đệ về Thiên Chúa. Vào thời điểm đó cho đến tận hôm nay, người Do Thái vẫn luôn mong chờ một đấng cứu thế đến để thiết lập lại trật tự và đưa dân tộc họ trở lại thời hưng thịnh như Solomon. Đối với họ, Thiên Chúa phải là một đấng có quyền năng và sức mạnh. Như vậy, những gì Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ là hoàn toàn đi ngược lại với quan điểm của người Do Thái.
Nếu Thiên Chúa chịu đau khổ rồi bị giết, vậy thì Thiên Chúa và con người có khác nhau gì đâu? Đây cũng chính là sự khác biệt giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác.
Thiên Chúa của Kitô giáo là một Thiên Chúa nhập thể. Ngài ở rất xa nhưng cũng rất gần chúng ta. Ngài có thể dùng quyền năng để hủy diệt mọi sự, nhưng Ngài đã chọn tình thương làm phương tiện. Giá trả cho tình thương là sự hy sinh con người mình. “Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.