Lễ Thăng Thiên thường rơi vào ngày thứ năm trong tuần. Sau này Giáo Hội cho dời vào ngày Chúa Nhật là để có thêm nhiều người tham dự trong những ngày lễ trọng. Theo chiều kích tâm linh, lễ Thăng Thiên nhấn mạnh sự về trời của Chúa Giêsu để sau đó Ngài thông ban Thần Khí xuống trên nhân loại vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tuần sau.
Cứ mỗi khi thấy những chiếc phi cơ cất cánh, tôi luôn cảm thấy sự kỳ diệu của khối óc con người. Làm sao một khối sắt cõng theo hàng trăm người và hành lý lại có thể bay lên cao và vượt đại dương hàng ngàn cây số? Như vậy sự kỳ diệu càng nhân lên gấp bao nhiêu lần trước sự kiện lên trời của Chúa Giêsu. Ngài lên trời bằng nào? Phúc Âm chỉ nói Người rời khỏi các ông mà lên trời, nhưng lại không đề cập đến bằng cách nào hay phương tiện nào. Nếu không được ghi lại trong Kinh Thánh, thì phương tiện để về trời bằng cách này hay cách khác vẫn còn là một sự suy đoán. Tuy nhiên, chúng ta nên tập trung vào đích điểm hơn là phương tiện với lý do đơn giản là vì sự kiện về trời hé lộ cho chúng ta thấy một tia hy vọng vững chắc về sự sống đời sau, đó là thiên đàng, một “tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn” (Toát Yếu, 209).
Tác giả Đỗ Tân Duy trong bài viết Thiên Đàng Ở Đâu? đã đưa ra nhận định của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về thiên đàng là một trạng thái sống (state of life) chứ không phải một nơi chốn (place) theo nhận thức của ngôn ngữ loài người. Nó còn là một cách sống, một mối tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là cuộc gặp gỡ Chúa Cha diễn ra trong Đức Kitô phục sinh và hiệp thông với Chúa Thánh Thần (“Heaven,” L’Osservatore Romano, 28 July 1999).
Tiếp theo sự kiện về trời, bài Phúc Âm đã kết thúc như sau: “Các ông thời lạy Người và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.” Để đúc kết bài chia sẻ, sự kiện về trời của Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta về một chân lý, đó là, thiên đàng hay sự sống vĩnh hằng là có thật. Thiên đàng chẳng ở nơi đâu xa vời mà lại là một mối tương quan với Thiên Chúa và với mọi người. Nơi nào có Thiên Chúa là nơi đó có thiên đàng. Ai sống trong thiên đàng là sống trong tình yêu thương huynh đệ. Cảm nghiệm được tình yêu thương nhau thì lòng mới tràn đầy vui mừng và chúc tụng tôn vinh như các môn đệ. Amen.