Nhiều giáo dân vẫn lấn cấn ở câu hỏi: Con được rước lễ mấy lần trong một ngày? Ngoại trừ giờ phút lâm tử, “ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong Thánh Lễ mà họ tham dự” (Giáo luật #917). Như vậy chúng ta có thể nói là 2 lần trong một ngày, nhưng người đó phải tham dự Thánh Lễ một cách trân trọng và nghiêm chỉnh chứ không phải thích rước là rước. Nếu chúng ta chỉ diễn giải luật một cách cứng nhắc và cô đọng ở bao nhiêu lần hoặc phải thế này thế nọ v.v., thì nhiều Linh mục phải giải thích sao đây khi dâng năm hay sáu Thánh Lễ trong một ngày?
Lề luật là điều cần thiết trong bất cứ mọi tổ chức hay cơ cấu xã hội con người. Riêng đối với Giáo Hội, giáo luật không chỉ giữ trật tự và kỷ cương mà chính yếu là giúp đem lại ơn cứu rỗi cho linh hồn. Bởi thế, chúng ta nên diễn giải luật theo chiều hướng đem lại ích lợi thiêng liêng cho linh hồn. Không nên dùng luật để bắt bí hay sát phạt anh em. Khi lên rước lễ, chẳng một ai trong chúng ta là xứng đáng. Đã không xứng đáng thì dù có rước lễ một lần cũng bất xứng. Tuy nhiên nói là xứng đáng hay không chỉ là chuyện hợp lý, nhưng lại không hợp tình. Cái tình mới chính là quan trọng. Rất nhiều lần Chúa Giêsu phải dùng câu “khốn cho các ngươi” để quở trách những thành phần ưu tú, thông thái về luật và giữ luật chỉ vì họ sống theo luật lệ, nhưng vô cảm với tinh thần và mục đích của luật lệ.
Trong ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, tôi thiết nghĩ chúng ta nên xem lại cách cư xử của chúng ta với anh em như thế nào trong một ngày quan trọng hơn việc rước lễ bao nhiêu lần một ngày. Rước lễ nhiều lần mà trở thành nhàm chán thì không nên. Rước lễ trên hai lần mà lòng luôn khát khao thì vẫn tốt hơn. Nói cho cùng, Mình và Máu Thánh Chúa luôn luôn là thần lương cho những kẻ biết mình bị đói khát tâm hồn.