Thủ Bản Liên Minh Thánh Tâm

Spread the love

thanhtam2CHƯƠNG MỘT, NGUỒN GỐC VÀ HƯỚNG ĐI :  PHONG TRÀO LIÊN MINH THÁNH TÂM. Thủ bản LMTT PDF. file printable

Điều 101  Nguồn gốc của Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm 

Phong trào Liên Minh Thánh Tâm, dành riêng cho nam giới, được cha Edward Hamon, dòng Tên, sáng lập năm 1883 tại Canada, lấy tinh thần cầu nguyện và sự nhiệt thành của hội Tông Đồ Cầu Nguyện làm nền tảng cho phong trào.

Ngày 31 Tháng 12 năm 1884, cha Edward Hamon đã sát nhập Phong Trào Liên Minh Thánh tâm vào đại hội Tông Đồ Cầu Nguyện để các đoàn viên được hưởng nhờ các ân ích thiêng liêng dành cho đại hội này.

Tại Việt Nam, năm 1950 Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm được cha Gerard Gagnon, tức cha Nhân (tên Việt Nam) dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại xứ Thái Hà Ấp, Nam Đồng, Hà Nội. Hai năm sau ngày thành lập, Ngài trao lại trách nhiệm điều hành Phong Trào cho cha Giacôbê Đào Hữu Thọ.

Sau biến cố ” ngày 20 Tháng 7 năm 1954″ chia đôi đất nước, cha Giacôbê Đào Hữu Thọ tiếp tục xây dựng Phong Trào LMTT tại miền nam Việt Nam.

Biến cố ” 30/04/1975 ” khiến hàng triệu người Việt Nam phải bỏ quê hương ra sinh sống tại các nước ngoài. Phong Trào LMTT tại quê nhà phải biến hình để tiếp tục hoạt động

Năm 1980, cha ( nay là Đức Ông) Phêrô Nguyễn Đức Tiến, cùng với một số anh em cựu đoàn viên LMTT Việt Nam gây dựng lại phong trào LMTT tại Hoa Kỳ và thành lập toán LMTT đầu tiên tại giáo phận Orange, tiểu bang California Phong Trào phát triển rất mạnh.

Riêng tại Giáo Phận Los Angeles, năm 1994 Cha Vũ Minh Nghiễm cùng với một số quí ông tại Cộng Đoàn Thánh Giuse West Covina đã đứng ra thành lập Phong Trào LMTT Việt Nam.

Điều 102   Hướng Đi  Của Phong Trào

Trong cuốn Thủ Bản đầu tiên phát hành tại Montréal, Canada năm 1888 , cha Hamon vị sáng lập Phong trào LMTT ấn định mục tiêu của phong trào như sau: ” Nhờ vào sự nhiệt thành tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, phong trào LMTT nhằm mục đích dùng nam giới để duy trì tinh thần Công Giáo trong gia đình”.

Trong thủ bản được in lại năm 1892, vị sáng lập nói thêm:” Phong trào LMTT không phải là một hội hoàn toàn đạo đức, cũng không phải là một tu hội, nhưng là một liên minh, một tổ chức hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa, để truyền bá và duy trì Công Giáo trong các gia đình và ngoài xã hội”.

Đến năm 1909, thủ bản được tái ấn hành và nói rõ hơn mục tiêu hoạt động của phong trào LMTT như sau:” LMTT  là một hội đoàn đạo đức, không những chỉ có mục đích gìn giữ lấy lợi ích thiêng liêng và lòng đạo đức sốt sắng của đoàn viên mà còn là một công cuộc tông đồ có tính cách xã hội nữa”.

Như vậy, ngoài mục đích hoạt động truyền bá và duy trì tinh thần Công Giáo trong gia đình và ngoài xã hội , Phong trào còn được trao thêm nhiệm vụ tông đồ giữa lòng trần thế.

Theo hướng đi mỗi ngày được bổ túc và kiện toàn thêm, Phong Trào LMTT đã đáp ứng lời hiệu triệu của các Đức Giáo Hoàng hằng thúc dục giáo hữu sống giữa đời trong mọi gia cấp và môi trường xã hội cộng tác với nhau làm việc tông đồ, tùy theo khả năng, để mở rộng nước Chúa đến mọi người, mọi gia đình và ngoài xã hội trong tinh thần bác ái của thánh Tâm Chúa. Như vậy, Thánh tâm Chúa là nguồn gốc phát sinh phong trào LMTT.

Phong Trào          LMTT hoạt động tích cực trong các xứ đạo, là phương tiện trợ lực hữu hiệu của các Linh Mục, tổ chức các việc thiện để bài trừ việc xấu, thực hiện các công việc hữu ích cho Giáo Hội và Tổ Quốc trong các lãnh vực Tôn Giáo , xã hội , kinh tế. Phạm vi hoạt động của phong trào. vì thế thật là mênh mông , ở thôn quê cũng như ở thành thị.

Điều 103         Nhận Định Của Các Vị Lãnh Đạo

Các Đức Giáo Hoàng Lêo XIII , Piô X , Bênêdictô XV, Piô XI, Piô XII đồng thanh cả quyết rằng:” Thánh Tâm Chúa sẽ cứu vãn xã hội ngày nay khỏi những vết thương trầm trọng tinh thần cũng như vật chất. Triều đại Thánh Tâm Người sẽ trả lại cho thế giới trật tự và công bằng bắt nguồn từ đức bác ái”. Để triều đại Chúa Kitô sớm được thực hiện, Đức Piô XI đã quyết định tổ chức phong trào Công Giáo Tiến Hành để cố gắng thi hành chương trình hoàn bị của Thánh Tâm Chúa bằng cách sáng lập, bành trướng, củng cố triều đại Chúa Kitô trong tâm hồn mỗi cá nhân, trong gia đình, ngoài xã hội, ở mọi phạm vi, mọi ngành hoạt động, mà nhờ ơn Chúa, con người có thể hoạt động. ( trích bài diễn thuyết cho các thủ lãnh CGTH tại Rôma ngày 19/4/31).

Trong bức thư ” Quod sodales consociationes ” gửi cha bề trên Tổng quyền dòng Tên, Đức Thánh Cha Piô XII đã nói ” Phong trào LMTT gồm đủ tư cách, có đủ sự chuẩn bị để trở nên những phong trào xuất chúng trong phong trào Công Giáo Tiến Hành “.

 

CHƯƠNG HAI

DIỆU THUYẾT THÁNH TÂM

Điều 201    Diệu Thuyết Thánh Tâm.

Phong trào LMTT lấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu làm nền tảng để thánh hóa cá nhân, làm việc tông đồ mở rộng nước Chúa, qua việc hoán cải cá nhân, gia đình và xã hội.

  1. Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là một việc đạo đức nhằm kính thờ trái tim Chúa Giêsu. Biểu hiệu cho tình yêu Thiên Chúa. Vì thế đối tượng chính của sự tôn sùng là tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu được Chúa mặc khải trong cựu ước, và thực hiện trong đời sống của Chúa Giêsu ở trần thế. Tình yêu này cần phải đền đáp cân xứng bằng chính tình yêu tạo vật của mình, hèn kèm, bất xứng nhưng được Chúa đợi chờ. Sự đền đáp này được thể hiện bằng những hành động sau:

Đền tội cho chính mình, đền thay nguyện thế cho những người thờ ơ, vô ơn hay còn chìm đắm trong tội lỗi, không biết đến hay không màng gì đến tình yêu hải hà của Thiên Chúa.

Vinh danh trái tim Ngài như Ngài đã ước muốn, và vì trái tim Ngài đáng được vinh danh và tôn thờ nơi mỗi người, trong mỗi gia đình, như trong toàn thể nhân loại.

Đặt hết tin tưởng , tín thác vào trái tim Chúa và tình yêu của Ngài.

Loan truyền lòng tôn sùng trái tim Chúa, tạo cơ hội cho nhiều người đón nhận ơn ích của Thánh Tâm Chúa một trái tim rộng lượng , bao dung và sẵn sàng ban tràn đầy cho những ai muốn đón nhận.

Khi đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng chính tình yêu mình, bằng cách thực hiện những điều Chúa mong đợi trên, ta an ủi được trái tim yêu thương Chúa.

  1. Việc tôn sùng Thánh tâm Chúa Giêsu được các Giáo Hoàng cổ súy

Hầu hết các vị Giáo Hoàng từ Đức Innocent XII đã tôn sùng và cổ súy cho việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa.

Năm 1765 Đức Clêmentê XIII đã chuẩn y cho các Giám Mục Ba Lan và hội Huynh Đệ Thánh Tâm ở Rôma được thiết lập một lễ kính Thánh tâm Chúa.

Năm 1794 trong sắc thư Auctorem Fidei, Đức Piô VI đã chính thức chuẩn nhận việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa, vì Thánh Tâm Chúa được kết hợp nhị tính với Thiên Chúa, nên đáng được phụng thờ.

Năm 1856 , Đức Piô IX nới rộng việc cử hành lễ Thánh Tâm , ngày thứ sáu sau tuần bát nhật kính lễ mình Thánh Chúa, cho toàn thể Giáo Hội và như thế đã thực hiện lời thỉnh cầu Thánh tâm Chúa qua nữ Thánh Margarita.

Năm 1899 Đức Lêo XIII qua thông điệp Annum Sarrum, nhìn nhận việc tôn thờ trái tim Chúa là ” một việc đạo đức hảo hạng “. Ngài muốn kiện toàn công việc này bằng cách tận hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa và Ngài hy vọng việc tận hiến này đem lại cho nhân loại những ơn ích phi thường trường cửu cho nhân loại. Việc này được Đức Piô X ban lệnh phải thi hành hàng năm.

Năm 1925, Đức Piô XI với thông điệp Quas Primas thiết lập lễ Chúa Kitô Vua như một hệ luận của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa. Năm 1928 Ngài ra thông điệp Miserentissimus Redemptor đặt nền tảng cho việc đền tạ đối với Thánh Tâm
Chúa, một việc mà mọi giáo hữu phải làm trong tình yêu thương Thiên Chúa.

Năm 1947, Đức Piô XII nhấn mạnh đến sự liên kết mật thiết giữa việc tôn thờ trái tim Chúa và phụng vụ Thánh trong thông điệp Mediator Dei . Năm 1956, nhân dịp kỷ niệm 100 năm việc nới rộng lễ kính Thánh tâm Chúa cho toàn thế giới, Đức Piô XII viết thông điệp Haurietis Aquas về bản tính việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa và trình bày nền tảng tín lý của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa trong kinh Thánh và Thánh truyền, mời gọi mọi tín hữu hãy học hỏi. suy gẫm và thực hành ” qùa tặng vô giá này “. ( việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu ).

  1. việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu được Công Đồng Vaticanô khích lệ.

Việc tôn sùng Trái tin Đức Chúa Giêsu, được Công Đồng Vaticanô II đề cập đến trong hiến chế phụng vụ Thánh: ” Những việc đạo đức của Kitô hữu bao  lâu còn hợp với lề luật và qui tắc của Giáo Hội, thì còn được khích lệ rất nhiều,nhất là khi thi hành theo chỉ thị của Tông Tòa.”

Đức Phaolô VI trích đoạn này trong tông thư Investigabiles Divitias Christi viết năm 1965 ” Việc đạo đức này ( việc tôn sùng thánh Tâm Chúa )  nổi bật như là việc đạo đức được Công Đồng khích lệ “. Ngài hy vọng việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa càng ngày càng lan tràn, được phổ biến rộng rãi hơn và được mọi người thực thi…

Đức đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II , vị Giáo Hoàng của con tim, không ngừng nói đến trái tim Chúa qua các thông điệp, các chuyến công du, lời nhắn nhủ khi đọc kinh truyền tin. Ngài đặc biệt liên kết tình yêu trái tim Chúa với phép Thánh Thể, với phép hòa giải và với trái tim của Mẹ Maria.

Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa được các Giáo Hoàng không ngừng khen ngợi và cổ súy, được Công Đồng Vaticanô II đặc biệt khích lệ, vì việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa là căn bản cho đời sống giáo hữu, có thể cải hoán được cá nhân, gia đình và xã hội. việc đạo đức này không những hợp thời mà còn là hy vọng độc nhất để cứu chữa nhân loại khỏi con đường tục hóa ngày nay.

 

 

CHƯƠNG BA

TÔN CHỈ VÀ MỤC ĐÍCH CỦA PHONG TRÀO

LIÊN MINH THÁNH TÂM

Điều 301   Tôn Chỉ

Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm là một tổ chức Công Giáo Tiến Hành, chuyên việc cầu nguyện và hoạt động tông đồ hợp nhất với Thánh Tâm Chúa Giêsu.  Phong Trào lấy việc Tôn Sùng Thánh Tâm  Chúa làm nền tảng cho mọi hoạt động.

Việc Tôn sùng Thánh Tâm Chúa được thực hiện qua các hoạt động đạo đức của cá nhân và đoàn thể như Dâng Ngày, tham dự Thánh lễ, rước lễ đền tạ, tham dự các phép Bí Tích, Tôn vương gia đình, tham dự Giờ Thánh đền tạ, các buổi tĩnh tâm, tĩnh huấn…

Điều 302     Mục đích

Phong trào hướng mọi hoạt động vào mục đích cổ động và duy trì tinh thần Kitô giáo trong gia đình và ngoài xã hội, để làm sáng danh Thiên Chúa và thực hiện ý nguyện của Thánh Tâm Chúa là cứu rỗi các linh hồn.

Để thực hiện mục đích trên, Phong Trào luôn luôn:

– Thu hút đoàn viên, tổ chức họ thành đoàn ngũ với tham vọng mở rộng Nước Thánh Tâm Chúa.

– Tán trợ những tổ chức từ thiện, đem tinh thần Kitô giáo vào các môi Trường xã hội, kinh tế, văn hoá, chính trị…..

– Tìm mọi phương thế bài trừ các tệ đoan xã hội, những đam mê bất chính.

– Ngăn ngừa các tín hữu, nhất là đoàn viên LMTT tham gia vào các hội đảng Giáo hội cấm.

– Thực hiện công tác bác ái cũng như đề cao công tác văn hóa đạo đức và dân tộc.

 

Điều 303    Khẩu Hiệu

“NƯỚC CHÚA TRỊ ĐẾN”  là khẩu hiệu được dùng như kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Phong Trào.

 

CHƯƠNG BỐN 

HỆ THỐNG TỔ CHỨC PHONG TRÀO LMTT

ĐOẠN MỘT

DANH XƯNG VÀ THÀNH PHẦN CÁC CẤP BỘ

Điều 401a                      SƠ ĐỒ TỔ CHỨC LIÊN ĐOÀN LMTT

Điều 401b             SƠ ĐỒ TỔ CHỨC ĐOÀN LMTT

Điều 402              Các Hệ Cấp của Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm

a- Tổng Liên Đoàn LMTT tại cấp Quốc gia, thành phần gồm có :

– Linh mục Tổng Tuyên Úy.

– Ban Thủ Lãnh

– Các Ban Chuyên Môn

– Các Liên Đòan Liên Minh Thánh Tâm

 

b- Liên Đoàn LMTT tại cấp Giáo Phận, thành phần gồm có:

– Linh mục Tuyên Úy

– Ban Thủ Lãnh

– Các Ban Chuyên Môn

– Các Đoàn Liên Minh Thánh Tâm

c- Đoàn Liên Minh Thánh Tâm tại cấp Giáo xứ, thành phần gồm có:

– Linh mục Tuyên Úy

– Ban Trị Sự

– Các Ban Chuyên Môn

– Các Đoàn Liên Minh Thánh Tâm

 

d- Toán Liên Minh Thánh Tâm  tại cấp Khu, thành phần gồm có:

– Ban Trị sự và các Toán Viên.

 

ĐOẠN HAI

CÁC CHỨC VỤ TRONG BAN THỦ LÃNH PHONG TRÀO LMTT

 

Điều 403     Tổ Chức Liên Đoàn LMTT

 

a- Ban Thủ Lãnh Liên Đoàn gồm có:

– Linh Mục Tuyên úy

– Thành viên trong Ban Trị Sự

– Các Trưởng Ban Chuyên Môn

b- Ban Trị sự Liên Đoàn LMTT gồm có:

– Liên đoàn trưởng

– Đệ nhất và đệ nhị Liên đoàn phó

– Thư ký

– Thủ qũy

– Ủy viên kế hoạch

c- Các Ban Chuyên Môn

(1)-  Các Ban chuyên môn gồm có:

– Ban phụng vụ

– Ban Tuyên Huấn

– Ban Khánh Tiết

– Ban Truyền Thông

– Ban Xã Hội

(2)- Thành phần mỗi ban gồm có:

– Trưởng ban

– Thư ký

– Các ủy viên (nếu cần)

Điều 404     Tổ Chức Đoàn LMTT

a- Ban Thủ Lãnh Đoàn, thành phần gồm có:

– Linh Mục Tuyên úy

– Thành viên trong ban Trị Sự

– Các Toán trưởng

– Các Trưởng Ban Chuyên Môn

b- Ban Trị Sự Đoàn LMTT , thành phần gồm có:

– Đoàn trưởng

– Đệ nhất và Đệ nhị Đoàn Phó

– Thư ký

– Thủ qũi

– Uỷ viên kế hoạch

c- Các ban chuyên môn:

(1) Thành phần gồm có:

– Ban phụng vụ

– Ban tuyên huấn

– Ban khánh tiết

– Ban truyền thông

– Ban xã hội

(2) Thành phần mỗi ban gồm có

-Trưởng ban

– Thư ký

– Các uỷ viên ( nếu cần )

Điều 405 Tổ chức toán LMTT

Toán LMTT gồm có

– Ban trị sự

– 12 Đoàn viên

ĐOẠN BA

NHIỆM VỤ CÁC CẤP

TRONG PHONG TRÀO LIÊN MINH THÁNH TÂM

Phần 1        Đoàn Viên

Đoàn viên là nhân sự căn bản của mọi cấp trong Phong Trào.  Có hai bậc đoàn viên:  Tập Sự và Chính Thức.

Điều 406     Đoàn Viên Tập Sự

a- Muốn gia nhập Đoàn LMTT, một cảm tình viên phải có ít nhất 15 tuổi trọn, có thiện tâm, liên lạc và biên tên mình với một toán trưởng; được Toán trưởng giới thiệu với ban Trị Sự Đoàn để tìm hiểu thêm trước khi được nhận vào bậc đoàn viên tập sự.

b- Đoàn viên phải hứa ngày nào cũng dâng mình cho Thánh Tâm Chúa bằng cách đọc Kinh Dâng Ngày.

c- Đọc Thủ bản để thấu hiểu đường lối của Phong Trào.

Điều 407     Đoàn Viên Chính Thức

Đoàn viên Tập Sự chỉ được kể là chính thức sau thời gian tập sự ít nhất là ba tháng và được nhập đoàn cách trọng thể qua một nghi thức tuyên hứa.

Điều 408     Bổn Phận Đoàn Viên

1- Dâng mình mỗi ngày cho Thánh Tâm Chúa bằng cách đọc kinh Dâng Ngày và năng dâng mình lại trong ngày.

2- Mỗi ngày đọc một Kinh Lạy Cha, mười Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh theo ý chỉ của phòng trào.

3- Tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ có ý đền tạ Thánh Tâm Chúa ít nhất mỗi tháng một lần.

4- Tham dự các phiên họp của Toán hay của Đoàn khi được thông báo.

5- Tham dự Tĩnh Tâm hàng năm.

6- Dâng gia đình cho Thánh Tâm Chúa.

7- Tham dự các giờ thánh Đền Tạ Thánh Tâm Chúa.

8- Làm việc Tông Đồ xã hội theo chương trình kế hoạch của Đoàn hay Toán.

9- Phát huy đời sống đạo đức gương mẫu, đóng góp khả năng tinh thần và vật chất để phát triển Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm.

 

Điều 409     Quyền Lợi Của Đoàn Viên:

Tiết Một     Quyền Lợi Tâm Linh

Các đoàn viên LMTT trung tín với các hoạt động của Phong Trào được:

1-  Thánh Tâm Chúa chúc lành và ban nhiều hồng ân cho mình, cho gia đình, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ, của Giáo Hội, và của Đại Hội Tông Đồ Cầu Nguyện mà Phong Trào LMTT là thành phần.

2- Trở nên bạn nghĩa thiết của Thánh Tâm Chúa.

3- Thánh Tâm Chúa thánh hoá bản thân và ban cho việc cứu rỗi các linh hồn có hiệu qủa tốt đẹp hơn nhờ vào các việc làm, các hy sinh của đoàn viên đã được kết hợp với Thánh Tâm Chúa.

Tiết Hai      Mười Hai Lời Hứa của Thánh Tâm Chúa Giêsu

Đoàn viên được hưởng 12 lời hứa sau đây của Thánh Tâm Chúa khi Người phán với Thánh nữ Margarita Maria:

1-  Ta sẽ ban mọi ơn cần thiết cho đời họ.

2-  Ta sẽ ban sự bình an cho gia đình họ.

3-  Ta sẽ yên ủi họ trong lúc đau khổ.

4-  Ta sẽ nên nơi trú ẩn chắc chắn cho họ suốt đời, nhất là trong giờ lâm chung.

5-  Ta sẽ ban mọi phúc lành cho công việc họ làm.

6-  Những kẻ tội lỗi sẽ gặp ở Trái Tim Ta một nguồn tình yêu vô hạn.

7-  Những tâm hồn sốt sắng chóng nên trọn lành.

8-  Ta sẽ chúc lành cho gia đình nào tôn thờ Thánh Tâm Ta.

9-  Những tâm hồn nguội lạnh sẽ chóng trở nên sốt sắng.

10- Ta sẽ ban cho linh mục được những ơn riêng để cảm hoá lòng người cứng cỏi.

11- Ta sẽ ghi vào Thánh Tâm Ta muôn đời những ai cổ động cho việc tôn thờ Thánh Tâm Ta.

12- Vì lòng ta thương xót vô biên của Thánh Tâm Ta, Ta hứa sẽ ban cho những ai rước lễ liên tiếp chín ngày thứ sáu đầu tháng ơn thống hối trong giờ lâm chung và không phải chết khi linh hồn đang mất ơn nghĩa thánh vì chưa chịu các phép bí tích cần thiết.

Tiết Ba        Các Quyền Lợi Tinh Thần và Vật Chất của đoàn viên

1- Khi lập gia đình, Đoàn sẽ tham dự thánh lễ hôn phối, đề cử hai đoàn viên làm phù rể và tặng đôi tân hôn một kỷ vật.

2- Khi qua đời Đoàn sẽ xin một Thánh Lễ tiễn chân, tham dự giờ cầu nguyện tại nhà quàn, tham dự Thánh lễ an táng, cử 6 đoàn viên đi hai bên linh cữu.  Mỗi đoàn viên sẽ tham dự một Thánh lễ, lần một chuỗi Mân Côi cầu cho đoàn viên quá cố.  Việc phúng điếu vòng hoa hay tài chánh sẽ tùy theo nội quy từng đoàn ấn định.

3- Hằng năm trong tháng các linh hồn, Đoàn xin một lễ chung cầu cho linh hồn đoàn viên qua đời.

4- Khi gia đình đoàn viên hữu sự (chẳng hạn người phối ngẫu, các con còn sống chung trong gia đình qua đời), nếu được thông báo, Đoàn sẽ thăm viếng, an ủi và tham gia giờ cầu nguyện và thánh lễ an táng.  Khi con cái lập gia đình, nếu được thông báo, Đoàn sẽ tham dự thánh lễ hôn phối.

 

Điều 410     Những Nguyên Do Không Nhận Vào Hay Cho Ra Khỏi Đoàn.

Không nên cho gia nhập hay lưu lại trong Đoàn những người có những thành tích sau đây:

1- Có tên trong các hội đảng Giáo hội cấm.

2- Có thói quen nói những lời tục tĩu mà không muốn sửa mình.

3- Công khai làm những gương xấu như say sưa rượu chè, cờ bạc, dâm ô…

4- Không còn tham gia các cuộc sinh hoạt của Phong Trào, mặc dầu đã được nhắc nhở nhiều lần.

 

Ban Thủ Lãnh sẽ chiếu theo biểu quyết của đa số để quyết định phương thức áp dụng: khuyên bảo trước hay nên cho rút khỏi đoàn ngay với sự chấp thuận của Cha tuyên úy.

1- Có đời sống đạo đức gương mẫu, hạnh kiểm tốt.

2- Thông hiểu lẽ đạo, vững mạnh trong đức tin.

3- Tuân phục quyền bính của Giáo Hội Công Giáo, nhiệt tâm hoạt động và bảo vệ lý tưởng Kitô giáo và Phong Trào.

4- Biết đặt bổn phận chung lên trên quyền lợi cá nhân hay bè phái.

5- Có khả năng lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm.

Điều 430     Nguyên Tắc Bầu Cử

Muốn cho cuộc bầu cử có giá trị, cần phải tôn trọng những nguyên tắc sau đây:

1- Phải có hai phần ba hay ít nhất một nửa số thành viên trong ban thủ lãnh hiện diện.

2- Thực hiện phổ thông đầu phiếu kín.

3- Áp dụng đa số thắng thiểu số.

4- Kết qủa cuộc đầu phiếu phải có hiệu lực, phải có sự ưng thuận của linh mục Tuyên úy.

5- Lễ bàn giao sẽ được thực hiện muộn nhất một tháng sau khi có kết quả cuộc bầu cử.  Tân Ban Trị Sự với thành phần đầy đủ sẽ được linh mục tuyên úy trình diện cộng đồng dân Chúa trong một buổi lễ nghi đơn giản.

6- Cước chú quan trọng: Nếu có gì bất thường trong cuộc bầu cử, linh mục tuyên úy và ban thủ lãnh cấp trên cần phối hợp giải quyết ngay một cách thỏa đáng trong sự công bằng và hợp lý sau khi đã tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng sự việc xẩy ra.

Điều 431     Tổ Chức Cuộc Bầu Cử

1- Cứ hai năm một lần, các cấp tổ chức cuộc bầu cử Ban Trị Sự liên hệ để thay đổi thành phần lãnh đạo.

2- Ban Trị Sự đương nhiệm có trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử ít nhất một tháng trước khi hết nhiệm kỳ.

3- Phải thông báo càng sớm càng tốt và nhấn mạnh đến tầm quan trọng để mọi người cầu nguyện và hưởng ứng cuộc bầu cử sắp tới.

4- Bất cứ một cuộc bầu cử nào cũng phải có sự chứng kiến của linh mục tuyên úy và Ban Thủ Lãnh cấp trên.

 

 

CHƯƠNG NĂM

ĐƯỜNG LỐI HOẠT ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO LMTT

ĐOẠN MỘT

HỌC HỎI VÀ HUẤN LUYỆN

Điều 501     Học Hỏi Diệu Thuyết Thánh Tâm

Các Đoàn LMTT, nhất là các thủ lãnh:

– Trước hết và quan trọng hơn hết là phải tha thiết cầu xin cho mình được lòng yêu mến chân thành Thánh Tâm Chúa Giêsu để trở nên người bạn nghĩa thiết của Chúa.

– Phải học hỏi và đào sâu Diệu Thuyết Thánh Tâm, để sống mật thiết với Thiên Chúa bằng cách thi hành hoàn hảo những việc đạo đức, các sinh hoạt của Phong Trào liên quan đến việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa.

– Rèn luyện mình trở thành dụng cụ tông đồ nhiệt thành cho việc truyền bá lòng Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa.

 

Điều 502     Học Hỏi, Thực Thi và Chia Sẻ Lời Chúa

Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, người LMTT cần biết Ngài dạy gì, để noi gương và sống liên kết với Ngài qua lời nói và hành động.

 

” Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ ra cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài.  Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa… Ngài đối thoại với họ, để mời gọi đón nhận, hiệp nhất với Ngài.  Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng cách hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau”  (Hiến Chế Tin Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa, 2 CĐ Vaticanô II, sẽ viết tắt “HCTL, 2”).

Tiết I- HỌC HỎI LỜI CHÚA

Thánh Công Đồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu… năng đọc Thánh Kinh để hiểu biết “khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô. Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (HCTL, 25).

a- Học hỏi lời Chúa là điều cần thiết

– Tuy được linh ứng, Lời Chúa được phán qua ngôn ngữ của nhân loại:  “Thiên Chúa đã nhờ loài người mà phán dạy… nên… phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ… Hơn nữa người giải thích (hay người học hỏi) còn có bộn phận tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp xác định, thánh sử đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của họ, qua các lối văn được dùng trong thời đại đó” (HCTL, 12)

– Thánh Công Đồng Vaticanô 2 “ước gì nhờ việc đọc và học hỏi sách thánh” Lời Thiên Chúa được trôi chảy và sáng sủa, và ước gì kho tàng Mạc Khải, đã được ủy thác cho Giáo Hội, ngày một tràn ngập tâm hồn con người”. (HCTL, 26)

b- Chuẩn bị tinh thần trước khi học hỏi Lời Chúa

Muốn học hỏi Lời Chúa cho có hiệu qủa, trước hết:

– Phải nhận định rõ mục đích của việc học hỏi là tìm hiểu thánh ý Chúa qua ngôn ngữ loài người, với một tâm hồn cởi mở, để thực thi thánh ý Ngài.

– Phải học hỏi lời Chúa với sự vâng phục.  “Phải bày tỏ sự vâng phục của đức tin (Rm 16,26) đối với Thiên Chúa mạc khải.  Nhờ sự vâng phục đó, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do dâng lên Thiên Chúa mạc khải quy phục hoàn toàn của lý trí và và ý chí, đồng thời sẵn lòng chấp nhận mạc khải Ngài ban cho” (HCTL, 5).

– Phải học hỏi trong tinh thần cầu nguyện, vì “Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần nên cũng phải được đọc và giải thích (học hỏi) trong Chúa Thánh Thần. (nt,12).

– Phải học hỏi với lòng khiêm nhường “dưới sự trông nom của Quyền Giáo Huấn Thánh” (nt,5).  “Thực vậy mọi điều liên hệ đến việc giải thích ( và học hỏi) Thánh Kinh cuối cùng đều phải tùy thuộc vào phán quyết của Giáo Hội, vì Giáo Hội được Thiên Chúa giao cho sứ mệnh và chức vụ gìn giữ và giải thích lời Chúa” (nt,12).  Sách Giáo Lý Công Giáo nói rất rõ: “Trọng trách giải thích cách trung trực Lời Chúa, được ghi chép hoặc được truyền tụng, đã được ủy thác cho một mình Huấn quyền sống động của Giáo Hội mà uy quyền được hành xử nhân danh Chúa Kitô, nghĩa là được ủy thác cho các Giám Mục đang hiệp thông với đấng kế vị Phêrô, Giám Mục Rôma” (85).

– Phải học hỏi với lòng cung kính, vì “Lời Chúa là Thiên Chúa”. (Ga 1,1)

c- Phương pháp học hỏi Lời Chúa

 

1- Kiên trì và năng đọc Thánh Kinh. “Thánh Công Đòng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ, năng đọc Thánh Kinh để học biết “khoa siêu việt của Chúa Kitô”. (HTCL, 25)

– Lắng nghe tiếng Chúa.  Chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa khi cầu nguyện, và “chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc  các sấm ngôn thần linh (sách thánh)” theo thánh Ambroise.  Để nghe tiếng Chúa, nên lắng đọng tâm hồn, loại trừ những gì làm mình phân tâm trước khi đọc.

– Vừa đọc vừa cầu nguyện trước sự hiện diện của Thiên Chúa, vì”Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần”.

(nt,12)

– Suy gẫm Lời Chúa và theo gương Mẹ Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” hay ” riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,19 và 51).

2- Lắng nghe Lời Chúa trong các phép bí tích nhất là trong thánh lễ mỗi ngày Chủ Nhật, trong các giờ kinh phụng vụ của Hội Thánh.

3- Tham gia các buổi học hỏi Kinh Thánh để thu nhận kết qủa nghiên cứu và diễn giải của các học giả Kinh Thánh, để hiểu thêm ‘những gì các tác giả loài người thực sự có ý khẳng định, và những gì Thiên Chúa muốn dùng lời nói của các ngài để bày tỏ”  (Giáo lý Công Giáo, 109).

Tiết Hai   SỐNG LỜI CHÚA

” Anh chị em hãy thực hành điều Chúa dạy, đừng chỉ nghe suông, vì nghe ma` không thực hành là anh chị em tự lừa dối mình” (Gb 1,22).

” Hỡi loài người, Thiên Chúa đã mạc khải cho người biết điều gì là thiện hảo, Chúa đòi hỏi nơi ngươi điều gì? Người đòi hỏi ngươi thi hành công lý, yêu chuộng nhân nghĩa, và khiêm nhường đi theo Chúa”  (Micah 6,8).

 

a- Cần thiết phải sống Lời Chúa

– Con người cần đáp lời Thiên Chúa: ” Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với loài người như với bạn hữu.  Ngài đối thoại với họ, để mời gọi đón nhận hiệp nhất với Ngài.”  ( Hiển Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa, 2 CĐ Vaticanô 2).  Bằng đức tin, con người để trí tuệ và ý chí của mình hoàn toàn quy phục Thiên Chúa… Thánh Kinh gọi sự con người đáp lời Thiên Chúa mạc khải là “niềm vâng phục của đức tin”  (Giáo Lý Công Giáo, 142 và 143), một đức tin sống động như lời thánh Giacôbê nói trên.

– Lời Chúa thật là của ăn nuôi dưỡng linh hồn nên ” Giáo Hội luôn cung kính Thánh Kinh linh thánh, cũng như luôn cung kính Mình Thánh Chúa.  Giáo Hội không ngừng mang đến cho tín hữu Bánh của sự sống, được lấy trên bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Chúa Kitô” (HCTL, 21).  Nơi Thánh Kinh, Giáo Hội không ngừng tìm được lương thực và sức mạnh của mình” (nt 24)

– Sống lời Chúa và để nên giống Chúa và kết hợp với Chúa: “… Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi.”  (Mt: 12,50)

Để loan truyền Tin Mừng của Chúa cho mọi người.  ” Người tín hữu giáo dân biết đem đời sống Phúc Âm vào đời sống nghĩa vụ hằng ngày, đó là chứng tá đẹp nhất và hữu hiệu nhất, để mọi người thấy rằng không phải sợ hãi, mà là tìm kiếm Đúc Kitô, để bám chặt lấy Ngài, là yếu tố quyết định cho con người được sống và trưởng thành, và để tạo nên những mẫu sống phù hợp với phẩm giá con người”.  ( Tông huấn Người tín hữu giáo dân, 94 của ĐGH Gioan Phaolô 2).

b- Thực hành Lời Chúa, ta phải:

– Cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần giúp cho ta sức mạnh để thực thi Lời Chúa chúng ta vừa đọc vừa học hỏi.

– Quyết tâm thực hiện Lời Chúa, noi theo gương sáng tránh những tội hay khuyết điểm mà Lời Chúa đề cập đến trong những dịp sẽ xảy đến trong đời sống chúng ta ngày hôm nay, tuần này hay tháng này.

– Cuối ngày, cuối tuần hay cuối tháng kiểm điểm lại xem ta thực thi Lời Chúa ra sao? Trước mặt Chúa, có lẽ ta sẽ có thái độ khiêm nhường, ăn năn, cầu xin giúp sức để chúng ta được thêm tình yêu Chúa, thêm đức tin thực thi Lời Ngài.

 

Tiết Ba   CHIA SẺ CẢM NGHIỆM VỀ LỜI CHÚA

 

Chia sẻ Lời Chúa là việc làm bắt nguồn từ cảm thức sống Lời Chúa, để thông đạt cho người khác những cảm nghiệm của cá nhân mình về Lời Chúa, về gương Chúa, hoặc về một tính truyện nào trong Thánh Kinh, để cùng nhau, noi gương nhau thực thi Lời Chúa.  Như thế chia sẻ là một hành vi bác ái giúp anh em đoàn viên hiểu và sống Lời Chúa cách cụ thể và mật thiết hơn.

Trong chương trình họp các cấp bộ Phong Trào LMTT, phần học hỏi và chia sẻ Lời Chúa cò thể áp dụng theo phân mục đề nghị đại cương sau đây:

–    Đoạn đọc Lời Chúa đã được chọn trước một cách chậm rãi một vài lần.

Chú giải những chữ hay câu khó hiểu do linh mục hoặc người hướng dẫn.

Nêu lên câu hay chữ nào đánh động lòng mình nhất.

–    Chia sẻ cảm nghiệm đã sống về một câu, một chữ đánh động lòng mình nhất.

–    Dâng lên Chúa lời nguyện tự phát và quyết tâm sẽ thực hành Lời Chúa trong

ngày, trong tuần, trong tháng tới.

 

Điều 503     HUẤN LUYỆN

Trong Thông Điệp gửi hàng Giáo Phẩm Ý ngày 11 tháng 6 năm 1905, Đức Thánh Cha Piô X đã viết:

” Phàm những ai trong chức vụ điểu khiển, những ai dâng mình cổ động việc Công Giáo Tiến Hành cần phải là những người công giáo có đức tin vững chăc, thông hiểu lẽ đạo, thật tâm suy phục giáo quyền, có nhiều đức tính tốt, có đời sống đạo đức gương mẫu, biết cách lôi cuốn nhiều người”.

Đoàn viên từ cấp Toán trưởng trở lên cần phải được mời gọi tham dự các cuộc tĩnh huấn (Tĩnh Tâm có Huấn Luyện) để thấu triệt đường lối của Phong Trào nhờ các bài giảng huấn của các chuyên viên được tuyển lựa trình bày.

Trong chương trình tĩnh huấn, Phong Trào chú ý đến các đối tượng huấn luyện sau đây:

a- Huấn luyện con người.

Chương trình tĩnh tâm hay tĩnh huấn thường dành nhiều thì giờ giúp các tham dự viên kiểm thảo các tư tưởng, lời nói, và hành động.  Điều này sẽ giúp họ lắng đọng tâm tư biết cố gắng tập trung tư tưởng, biết cách suy nghĩ, cân nhắc và chọn lựa cẩn thận các hành động cho phù hợp với lý tưởng để rồi quyết tâm thực hiện.

b- Huấn luyện người Kitô hữu

Với sự linh ứng của Thánh Linh qua các lời trình bày của các hướng dẫn viên về nhiều kía cạnh, Thánh Tâm Chúa sẽ hướng dẫn họ có một quan niệm chân chính về cuộc đời:  Chúng ta được sinh ra để được phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, biết tránh xa các dịp tội, biết theo gương Thày Chí Thánh từ bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới hoàn hảo hơn, như lời Thánh Phaolô nói ” Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

c- Huấn luyện người tông đồ

” Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Luca 10,2).  Hiện nay giáo hội đang thiếu nhiều ơn gọi.  Ngoài hàng giáo sĩ và tu sĩ, Giáo Hội lúc nào cũng cần nhiều giáo dân có lòng nhiệt thành lo việc tông đồ để đem nhiều linh hồn về cho Chúa.

Trong cuộc tĩnh tâm hay tĩnh huấn, Thánh Tâm Chúa sẽ ban cho lòng nhiệt thành lo việc cứu cứu rỗi các linh hồn, ta gọi là “tinh thần tông đồ”.

ĐOẠN HAI

SỐNG MẬT THIẾT VỚI THÁNH TÂM CHÚA

Điều 504     Thánh Lễ và Dâng Mình

Thánh Lễ là trọng tâm và tuyệt đỉnh của đời sống Giáo Hội, bởi vì trong Thánh Lễ, Chúa Kitô kết hợp với Giáo Hội và tất cả chi thể của Người vào Hy lễ Chúc Tụng và Tạ Ơn.  Hy lễ này Người đã dâng trên Thập Giá cho Chúa Cha một lần cho đến muôn đời (Giáo Lý Công Giáo số 1407) Việc tham dự Thánh Lễ hội nhập ta vào Thánh Tâm Chúa Kitô, nâng đỡ ta trong suốt cuộc lữ hành trần gian, làm cho ta thêm khát vọng cuộc sống vĩnh cữu, kết hợp ta với Giáo Hội Thiên Quốc, với Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh (nt số 1419), nên người LMTT phải ý thức và tích cực tham dự, cũng như phải để Thánh Lễ thấm nhuần cả đời sống hằng ngày của họ.

Và cũng vì thế Phong Trào LMTT nhấn mạnh đến việc đoàn viên dâng mình lên Chúa hằng ngày, qua hy lễ Chúa Giêsu, tức là mọi kinh nguyện, việc làm, vui buồn, công cuộc tông đồ, các thành công và thất bại, nói tóm lại tất cả mọi sự, mọi việc trong tay Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa, cứu rỗi nhân loại, và cho nhu cầu của Hội Thánh Chúa.

Việc Dâng Mình không những thuộc nhiệm vụ tư tế phổ quát của người tín hữu giáo dân mà đồng thời còn là một chức năng nhân chứng nữa: “Những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh của Người, Người cũng cho họ tham dự vào chức tư tế, để họ thực hành việc phụng tự thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người.  Bởi thế, vì giáo dân đã được Thánh Hiến nhờ Đức Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa kết trái nơi họ ngày càng phong phú hơn.  Thực vậy mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày.  Việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô, được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành phép Thánh Thể.  Như thế, giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài, bằng hành động thánh thiện khắp nơi” ( Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, 34, CĐ Vaticanô 2)

Sống đời sống dâng mình có nghĩa là tín hữu còn thực thi chức vụ rao giảng, làm chứng nhân cho Đức Kitô trước mặt mọi người bằng sự tôn trọng sự thật.  Việc lấy chính đời sống của mình làm nhân chứng bắt nguồn từ đức tin, đức cậy và đức mến là khởi thủy và là điều kiện cho tinh thần tông đồ và không thể có gì thay thế được.

a- Rước Lễ Đền Tạ

Vì Thánh Lễ cũng là một bàn tiệc, nên ngoài việc tham dự Thánh Lễ thường xuyên hay mỗi ngày nếu được, Công Đồng Vaticanô 2 còn khuyến khích việc rước Mình Chúa nguồn ơn thánh thiện, dấu chỉ của sự hợp nhất và thương yêu. Phong trào ước muốn đoàn viên tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ hằng ngày, nhưng ít nhất mỗi tháng phải tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ đền tạ.

Đoàn viên LMTT rước lễ với ý chỉ đền tạ Chúa vì sự vong ân bội nghĩa và những xúc phạm của mình và nhân loại đối với Thánh Tâm Chúa, đối với Thánh Thể Chúa.

Trong nghi thức nhập đoàn, trước khi giơ tay tuyên hứa với sự chứng kiến của linh mục chủ sự, đoàn viên thưa với Chúa: “Để yên ủi Thánh Tâm Chúa, con xin long trọng tuyên hứa cùng Chúa mỗi tháng Rước Lễ Đền Tạ ít nhất một lần.”

Trong nghi thức Thủ Lãnh Dâng Mình, các thành viên trong Ban Trị Sự Đoàn, sau khi đắc cử, cũng tâm niệm với Chúa:”Chúng con không còn tham vọng nào khác, ngoài tham vọng sống chính sự sống của Thánh Tâm Chúa.  Vì bí tích Thánh Thể là mạch thông sự sống ấy cho linh hồn, chúng con sẽ năng đến múc lấy sự sống ở nguồn mạch suối đó.  Chúng con sẽ cổ động cho nhiều người đến dự Tiệc Thánh Chúa.”

b- Dâng mình:

Dâng mình là giao kết với Thánh Tâm Chúa với mục đích: Hiến dâng chính mình cho Thánh Tâm Chúa, dâng mọi tài sản, các việc lành, các sự đau khổ, công cuộc tông đồ, và chỉ nuôi một tham vọng duy nhất là làm vinh danh Thiên Chúa và mở mang Nước Chúa ỡ trần gian.

Việc dâng mình được thực hiện bằng ba công tác sau đây:

– Dâng ngày

Mỗi buổi sáng khi thức dậy, và nhiều lần trong ngày, đoàn viên dâng mình cho Chúa bằng lời nguyện Kinh Dâng Ngày (Điều 108).  Ý thức được nhiệm vụ tư tế phổ quát của mình cũng như sứ vụ rao giảng, hiệp cùng hy lễ Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, dâng mọi việc, công cuộc tông đồ, để vinh danh Thiên Chúa, cứu rỗi các linh hồn, đền tội cho nhân loại và cầu cho nhu cầu của Hội Thánh.

– Năng Dâng Mình lại

Ngoài Kinh Dâng Ngày, các đoàn viên cũng có thể dung nạp những ý nghĩ dâng mình, nhiều lần trong ngày bằng những lời nguyện ngắn, như Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, tất cả vì Chúa hay Nước Chúa trị đến.

Việc năng dâng mình như vậy có tác dụng biến các hoạt động trong ngày của họ thành một lời nguyện liên lỉ, giúp họ thánh hoá được những việc làm hy sinh lớn nhỏ, những việc tông đồ, được biến đổi thành những của lễ quý giá đẹp lòng Chúa, nhờ sự kết hợp với hy lễ Chúa Giêsu đang hiến dâng lên Chúa Cha, ở mọi nơi mọi lúc trên thế gian này.

Việc “Năng Dâng Mình Lại” còn giúp đoàn viên LMTT lướt thắng các cơn cám dỗ trong cuộc sống, đồng thời giúp họ biết phó thác mọi sự trong tay Thánh Tâm Chúa.  Nhờ sự tín thác đó, tâm hồn và thể xác họ tìm được sự bình an trong mọi biến cố của cuộc đời.

– Dâng Gia Đình

Ngoài việc dâng mình, người LMTT còn dâng gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới cho Thánh Tâm Chúa.  Theo lời Đức Giáo Hoàng Piô XII, dâng Gia Đình là:

– Dâng hết mọi sự, phần xác cũng như phần linh hồn, cho Thánh Tâm Chúa.

– Tôn nhận quyền ngự trị của Thánh Tâm Chúa trên gia đình bằng cố gắng và xin ơn thực hành bằng nhân đức Chúa đã dạy và đã nêu gương”.

Như vậy, việc DÂNG GIA ĐÌNH cho Thánh Tâm Chúa là một việc hết sức cần thiết, nhất là trong thời đại mà hầu như nền tảng của gia đình đang bị lung lay đến tận gốc rễ.  Các gia đình cần phải quay về với Chúa.  Thánh Tâm Chúa sẽ giúp họ tìm ra các giá trị cao qúy của gia đình trong sự biết hy sinh cho nhau, biết sống hoà thuận thương yêu nhau như trong một tổ ấm của Tình Yêu “Duy mình Cha có thể cho họ bình an và hoan lạc.  Họ hãy hướng về Cha thì họ sẽ tìm được không phải ảo mộng mà là thực tế dịu dàng.”  (Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu)

Việc dâng gia đình có thể thực hiện bất cứ lúc nào, trong các giờ kinh sớm tối, trong khi các dịp lễ trọng, dịp giỗ, nhất là trong khi gia đình gặp cảnh nguy biến cần được Thánh Tâm Chúa phù trợ, và nhất là trong dịp Tôn Vương.

Điều 505     Tôn Sùng Đức Trinh Nữ Maria

Với tình con thảo, đoàn LMTT tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ Giáo Hội, Đấng đã mật thiết góp phần trong công cuộc cứu rỗi nhân loại.  Đoàn viên phải bắt chước gương Mẹ đã hoàn toàn hiến thân như một tỳ nữ của Thiên Chúa đối với bản thân và công việc của Con Mẹ.  Nhờ Mẹ là đấng trung gian, họ nên dâng mình cho Thiên Chúa.  Mỗi ngày họ đọc kinh Mân Côi, ít nhất một chục và sốt sắng phó thác nhu cầu coi sóc Giáo Hội cho Trái Tim Mẹ.  Họ nên quảng đại bồi dưỡng lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, đặc biệt trong kinh nguyện, và luôn luôn tâm niệm rằng, lòng tôn sùng Mẹ không làm sứt mẻ, đàng khác, còn giúp nuôi dưỡng sự kết hợp mật thiết giữa người tín hữu với Đức Kitô.

 

Điều 506     Cùng suy tư với Giáo Hội

 

Nhiệm vụ của Giáo Hội là kết hợp mọi người với Đức Kitô và với nhau, và hoàn tất công tác xây dựng thành một Thân Thể qua hy tế Thánh Thể.  Mọi đoàn viên LMTT phải khích động trong họ và mọi người biết nghĩ đến Giáo Hội hoàn vũ và sẵn lòng chia sẻ qua sự quan tâm của Giáo Hội.  Do đó, hàng ngày, đoàn viên phải cầu nguyện theo ý chỉ hàng tháng của Đức Thánh Cha hoặc theo nhu cầu khẩn thiết mà Ngài xin giáo dân cầu nguyện.

Đoàn viên cũng nên sẵn sàng cầu nguyện cho ý chỉ của Đức Giám Mục của Giáo phận.

Điều 507     Đời sống cầu nguyện

Cầu nguyện là đem lòng lên với Chúa, là tâm sự với Chúa.  Cầu nguyện gồm các hành động thờ lạy, ngợi khen, cảm tạ, xin thương xót và tha thứ và xin ơn Chúa.  Như vậy, nhờ cầu nguyện, ta sống mật thiết với Chúa.  Cầu nguyện là chìa khoá mở kho tàng ân sủng của Chúa, là sức mạnh siêu nhiên đem lại kết qủa tốt đẹp cho hoạt động tông đồ của hàng giáo sĩ cũng như của giáo dân.  Cầu nguyện là đòn đẩy nâng thế gian đến gần Chúa.

Phong Trào LMTT lấy tinh thần cầu nguyện làm động cơ thúc đẩy lòng nhiệt thành mở mang Nước Chúa.  Phong Trào cố gắng thiết lập một mặt trận cầu nguyện sốt sắng, liên lỉ, (qua việc Dâng và Rước Lễ, nhận phép hoà giải, Dâng Ngày, Dâng Gia Đình, Rước Lễ Đền Tạ, thực hiện các Giờ Thánh Đền Tạ…) nhờ đó sẽ gây nên một luồng ân sủng mạnh mẽ, liên tục và hữu hiệu.  Chúa đã hứa ban ơn riêng cho những ai hiệp nhau cầu nguyện.  Càng có nhiều linh hồn hiệp nhau cầu nguyện theo một ý chỉ chung, lời cầu nguyện càng được Chúa nhận lời.

Chúng ta nhận thấy hiện nay nhân loại đang trải qua một giai đoạn lịch sử mới, bị xáo trộn bởi nhiều thay đổi sâu sa và nhanh chóng.   Thế giới đang cần nhiều lời cầu nguyện sốt sắng và liên lỉ, để sau khi được Đức Kitô chịu đóng đanh và phục sinh giải phóng thoát khỏi quyền lực thần dữ, thế giới được biến đổi theo chương trình của Thiên Chúa và tiến tới sự hoàn thiện.

 

Do đó mà đoàn viên LMTT phải vâng lệnh truyền của Chúa ” siêng năng cầu nguyện và không bao giờ thối chí” (Lc 18, 1), và nghiêm chỉnh chăm lo tập luyện thực hành việc cầu nguyện.  Theo gương Giáo Hội chuyên lo việc phân phát bánh sự sống trên bàn thờ qua việc rao truyền Lời Chúa và Nhiệm Thể của Đức Kitô, đoàn viên sốt sắng chăm lo việc đọc Sách Thánh suy niệm hằng ngày hay dùng bất cứ hình thức cầu nguyện nào họ yêu chuộng.  Đoàn viên tham gia những buổi tĩnh tâm giúp họ kiểm điểm hành động trong qúa khứ, lấy những quyết tâm trong tương lai dưới ơn soi sáng của Chúa ThánhThần, hầu kết hợp mật thiết hơn với Thánh Tâm Chúa.

Điều 508     Ý Nghĩa của Thánh Lễ

Thánh lễ là trung tâm và là tuyệt đỉnh của đời sống Giáo Hội; bởi vì trong Thánh Lễ, Chúa Kitô kết hợp Giáo Hội với tất cả chi thể của Ngưởi vào Hy lễ Chúc tụng và Tạ ơn.  Hy lễ này Người đã dâng trên Thập Giá cho Chúa Cha một lần cho đến muôn đời ( Giáo Lý Công Giáo, số 1407).  Việc tham dự Thánh Lễ hội nhập ta vào Thánh Tâm Chúa Kitô, nâng đỡ ta trong suốt cuộc lữ hành trần gian, làm cho ta thêm khát vọng cuộc sống vĩnh cửu, kết hợp ta với Giáo Hội Thiên Quốc, với Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh (Giáo Lý Công Giáo, số 1419).

Điều 509     Những Phần Chính của Thánh Lễ

Thánh lễ gồm có hai phần chính:  Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể:

1- Phụng Vụ Lời Chúa: Ngoài nghi thức Thống hối các tội lỗi để xứng đáng tham dự mầu nhiệm thánh, phần Phụng vụ Lời Chúa gồm có các lời nguyện, bài đọc, Phúc âm và chia sẻ Lời Chúa.  Phần này giúp chuẩn bị cho chúng ta đi vào phần Phụng vụ Thánh Thể một cách tích cực và hữu hiệu, bằng những lời giáo huấn trích trong Thánh Kinh Cựu ước và Tân Ước tùy theo chủ điểm của ngày lễ, và được linh mục chủ tế quảng diễn trong phần giảng thuyết.

2-  Phụng Vụ Thánh Thể: Trong phần này, Bánh và Rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, là Thần lương nuôi sống đời sống siêu nhiên, là Thần dược chữa lành bệnh tật linh hồn chúng ta.

Tuy Thánh lễ được chia làm hai phần, nhưng liên kết chặt chẽ đến nỗi chỉ tạo thành một hành vi thờ phượng duy nhất (Hiến chế về Phụng Vụ thánh số 36).

Noi gương cộng đoàn tín hữu đầu tiên, đoàn viên LMTT cần tham dự và tham dự tích cực và đầy đủ Thánh Lễ cả hai phần, để “chuyên nghe lời giảng dạy và tham dự việc bẻ bánh (CV 2:42).

Để nắm vững được ý nghĩa của Thánh Lễ và những lợi ích của thánh lễ đem lại cho nhân loại, đoàn viên LMTT cần nghiên cứu sâu rộng về Thánh Lễ trong những điểm sau đây:

Điều 510     Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Lễ

Trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu hiện diện bằng nhiều cách:

– Trong chính lời của Người.

– Trong cộng đoàn tập họp vì danh Người (Mt 18,20).

– Qua thừa tác viên của Người.

– Và nhất là dưới hình bánh và hình rượu khi được thánh hiến, Người hiện diện thực sự với bản thể xác hồn và thiên tính của Người.

Vâng lời truyền ” Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Giáo hội cử hành Phụng Vụ Thánh Lễ để hiện đại hoá bữa Tiệc Ly và Hy Lễ Thập Giá mỗi giây, mỗi phút trên khắp hoàn cầu.

Trong bữa Tiệc Ly, người dâng lễ vật chính là Đức Giêsu và Lễ vật cũng chính là Người trong hình bánh và hình rượu.

Trên đồi Gôn-gô-ta, người dâng lễ vật và cũng chính là Đức Giêsu thực sự đổ máu trên bàn thờ thập giá.

Trong thánh lễ, người dâng lễ vật chính là Đức Giêsu qua các thừa tác viên là linh mục và giáo dân tham dự thánh lễ và lễ vật cũng chính là Ngài dưới hình bánh và hình rượu sẽ trở nên chính Mình và Máu Người, trong đó có các chi thể của Người, có ta trọn vẹn với xác hồn và cả cuộc đời vui buồn sướng khổ.

 

Điều 511     Thánh Lễ là một hành vi Tạ Ơn và Chúc Tụng Thiên Chúa

Giáo hội cử hành Phụng Vụ Thánh Lễ để tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa:

– Thánh Lễ tạ ơn về việc tạo dựng, về tình thương vô bờ bến, nhất là về việc đã ban Con Một Ngài nhập thể, chịu khổ hình, chịu chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại.

– Thánh Lễ chúc tụng để danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến. (Giáo lý Công Giáo số 1359).

Điều 512     Thánh Lễ là Hành Vi tưởng niệm, loan truyền, tuyên xưng việc Chúa chịu chết và sống lại

Mỗi lần Hy tế Thập Giá được cử hành trên bàn thờ, Chúa Giêsu Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế thì công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện.  (HC “Ánh sáng muôn dân” số 13)

Điều 513     Thánh Lễ Đền Tạ

 

Hy tế Thập giá trên bàn thờ cũng được dâng hiến để đền tạ tội lỗi của những người đang sống và đã chết ( Giáo lý Công Giáo số 1414).  Hy tế của Đức Giêsu cũng là hy tế của các chi thể trong nhiệm thể của Người. Đời sống của chúng ta (niềm vui nỗi khổ, cần lao…) dù nhỏ bé bất xứng, nhưng nhờ kết hợp với Hy lễ Thánh đã trở nên có giá trị để đền tạ tội lỗi.  ( Kinh Dâng Ngày)

 

Như vậy, Thánh Lễ không chỉ diễn ra trên bàn việc thánh mà còn phải được sửa soạn và kéo dài vào cuộc đời của mỗi người.  Bàn thờ lưu động chính là môi trường cuộc sống của mỗi người, ( như gia đình, công việc, xã hội… mà lễ vật chính là thái độ, là cách sống của mỗi người trong môi trương đó).

Đoàn viên LMTT dâng mình khi thức giấc và thường xuyên trong ngày là sống nối dài Thánh Lễ dâng mình làm lễ vật sống kết hợp với Hy lễ Chúa Giêsu được dâng hiến mỗi giờ, mỗi phút trên thế giới để đền tạ tội lỗi vậy.

 

Điều 514     Thánh Lễ là Bàn Tiệc của người Kitô hữu

Khi đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta thưa “Amen”, là chúng ta tuyên xưng “con tin đích thực đây là Đức Kitô với trọn vẹn thân xác và linh hồn cùng thần tính của Chúa”…. Con tin là ” con ăn Thịt và uống Máu Chúa, để con được ở trong Người và Người ở trong con, cũng như Người đã sống vì Cha thế nào, thì khi ăn Người, con cũng được sống nhờ Người”.  (Gioan 6,57-58)

Điều 515     Thánh Lễ cho ta nếm trước Bàn Tiệc Thiên Quốc

 

Khi được kết hợp với Chúa, chúng ta càng kết hợp mật thiết hơn với nhiệm thể của Người là Giáo hội (cả với Giáo hội Thiên quốc và Luyện hình) và được nếm trước bữa tiệc thánh muôn đời trên thiên quốc.  Có thể nói, đời sống Kitô hữu là để rước lễ và rước lễ để sống.

 

Điều 516     Thánh lễ cho ta lương thực bồi dưỡng sự sống siêu nhiên

 

Lương thực vật chất bồi dưỡng sức khỏe thể xác, lương thực Lời Chúa và lương thực Thánh Thể bồi dưỡng và tăng cường sự sống siêu nhiên, tha thứ các tội nhẹ và giúp tránh phạm các tội nặng.

Điều 517     Thánh Lễ ban niềm vui phục vụ

 

Rước Thánh Thể vào lòng khiến “tôi sống nhưng không phải tôi sống mà chính Đức Kitô sống trong tôi”.  (Gal 2,20) Nhờ vậy, chúng ta đối xử với tha nhân, nhất là với những anh em bất hạnh bằng chính cách sống và thái độ của Đức Kitô như Người đã đối xử với Giakêu, với Mađalêna, với những người phong cùi, câm điếc, cả với những người đã chết… Chúng ta sẽ cùng với Người dấn thân phục vụ để đem niềm vui đến mọi người.  ( Kinh Hoà Bình)

Điều 518     Hy lễ đền tạ liên lỉ

Nhờ tham dự Thánh Lễ và rước lễ, nhờ dâng ngày và rước lễ thiêng liêng, đời sống của đoàn viên LMTT sẽ kết hợp với Chúa để trở nên Hy lễ đền tạ liên lỉ mỗi ngày trong suốt cuộc sống trần thế.

Để tham dự thánh lễ một cách hữu ích, người tín hữu, nhất là đoàn viên LMTT phải sạch tội, ít là sạch tội trọng.  Muốn vậy, ta phải năng chạy đến Bí Tích Hoà Giải.

Cũng như về Bí Tích Thánh Thể, đoàn viên LMTT cần hiểu rành rẽ Bí tích Hoà Giải để biết lợi ích của việc xưng tội là trả lại cho ta đời sống kết hợp mật thiết với Chúa và sự bình an trong tâm hồn.

Điều 519     Lịch Sử Bí Tích Hoà Giải

Bí tích Hoà Giải do Chúa Kitô lập nên khi Người hiện ra với các Tông đồ chiều ngày Phục Sinh và nói: ” Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.  Anh em tha tội cho ai, thì người đó được tha tội.  Anh em cầm buộc tội ai, thì người đó bị cầm buộc.”  (Ga 20,22-23)

Sự tha thứ các tội phạm sau khi lãnh nhận phép Rửa tội được ban cho ta nhờ Bí tích Hoà Giải, còn được gọi là bí tích của sự trở lại, của việc xưng tội, của sự xám hối.

Điều 520     Hậu quả của tội

Ai phạm tội thì gây thương tổn cho sự tôn kính và tình yêu Thiên Chúa, cho phẩm giá con người của mình vì mình được ơn gọi là làm con Thiên Chúa, và cũng gây tổn thương cho sự an vui thiêng liêng của Giáo Hội mà mỗi Kitô hữu phải là một viên đá sống động để xây dựng.  (Giáo Lý Công Giáo, 1487)

Dưới con mắt của Đức tin, không có điều ác nào tai hại hơn tội lỗi, và không có gì gây những hậu quả tệ hại hơn cho bản thân các tội nhân, cho Giáo Hội và cho toàn thế giới bằng tội.  (Ibid, 1488)

Điều 521     Công việc của Ơn Thánh

Trở lại hiệp thông với Thiên Chúa, sau khi đánh mất nó vì tội lỗi, là một vận động phát sinh do Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu và lo lắng cho phần rỗi của mọi người.  Ta phải  xin được hồng ân quý trọng này cho bản thân mình cũng như cho tha nhân.

Điều 522     Điều kiện của Ơn Tha tội

Việc vận động trả lại với Chúa được gọi là hoán cải và thống hối, gồm sự đau đớn và sự chê ghét đối với các tội mình đã phạm, cùng với một quyết tâm vững vàng về sau sẽ không phạm tội nữa.  Do đó việc hoán cải liên quan đến quá khứ và tương lai và được nuôi dưỡng bằng niềm cậy trông nơi lòng từ bi của Thiên Chúa.

Điều 523     Nội dung của Bí Tích Hoà Giải

Nói tổng quát, Bí Tích Hoà Giải bao gồm ba hành vi của hối nhân và việc giải tội do linh mục.  Các hành vi của hối hận là: sự thống hối, việc xưng tội và đền tội.

Sự thống hối vì lòng yêu mến Thiên Chúa là một sự ăn năn “hoàn hảo”.  Còn nếu ăn năn vì những lý do khác thì được gọi là “bất toàn”.

Điều 524     Sự xưng tội và Thẩm quyền tha tội

Muốn được hoà giải với Thiên Chúa và Giáo Hội, hối nhân phải xưng với linh mục tất cả các tội trọng mình chưa xưng và nhớ được sau khi cẩn thận xét lương tâm.

Còn các tội nhẹ, tuy không bắt buộc phải xưng, nhưng Giáo Hội khuyên rất nên xưng.

Chỉ những linh mục đã được từ giáo quyền năng quyền giải tội mới có thể tha các tội nhân danh Chúa Kitô.

Điều 525     Việc Đền Tội

Cha giải tội thường đề ra cho hối nhân chu toàn một số hành vi của việc ” đền tội” nhằm sửa lại những thiệt hại do tội lỗi gây ra và để tái lập quán tốt của người môn đệ Chúa Kitô.

Điều 526     Hiệu qủa của Bí Tích Hoà Giải

Những hiệu quả thiêng liêng của bí tích hoà giải là:

– Được hoà giải với Thiên Chúa nhờ đó hối nhân được ân sủng của Ngài.

– Được thông hiệp với Giáo hội hoàn vũ.

– Được tha hình phạt muôn đời đáng phải chịu vì các tội trọng.

– Được tha ít là một phần những hình phạt hữu hạn, hậu quả của tội lỗi.

– Được sự bình an và thanh thản lương tâm, và sự an ủi thiêng liêng.

– Được thêm sức mạnh tinh thần để lo việc chiến đấu thiêng liêng.

CHƯƠNG SÁU

CÁC SINH HOẠT CỦA PHONG TRÀO LIÊN MINH THÁNH TÂM

ĐOẠN MỘT

CÁC SINH HOẠT ĐẠO ĐỨC

Điều 601     Các Cuộc hội họp Của Phong Trào

Một hội đoàn không có sinh hoạt, hội đoàn không thể phát triển được và dần dần đi đến ngưng đọng và tan rã.

Hội họp là một trong những sinh hoạt của Phong Trào LMTT.  Cuộc họp của các cấp trong Phong Trào nhằm nhiều mục đích:

a- Kiểm điểm các công tác đề ra trong kỳ họp trước để xem kết quả đã thực hiện và những khuyết điểm vấp phải hầu hướng định cho hoạt động kỳ tới.

b- Dự thảo một vài công tác cho tháng kế tiếp một cách chính xác căn cứ vào kết quả sự kiểm điểm trên.

c- Chia sẻ Lời Chúa và học tập các đề tài của Phong Trào phải được ghi vào chương trình buổi họp.  Chính trong buổi họp này, cha Tuyên Úy của Phong Trào có dịp hướng dẫn các cán bộ trợ tá cho Ngài để họ có một đời sống đạo vững chắc, trở nên những chiến sĩ có chí khí can trường và làm việc tông đồ một cách hữu hiệu.

d- Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tông đồ:  Các buổi hội họp cũng là dịp thuận tiện để các đoàn viên chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tông đồ của mình để rút ra những bài học quý giá cho công tác tương lai.

Muốn cho cuộc họp thu được kết quả tốt đẹp, Ban Trị Sự cần chuẩn bị chu đáo chương trình cũng như đề tài cho buổi họp với sự phân công thật minh bạch cho mỗi thành phần trách nhiệm.

 

Điều 602     Tĩnh Tâm

Ngoài những cuộc họp định kỳ hàng tháng hay mỗi tam cá nguyệt hoặc mỗi năm, một hay hai cuộc tĩnh tâm, tĩnh huấn được tổ chức để nhóm thêm lửa đạo đức và lòng nhiệt thành làm việc tông đồ của đoàn viên.

Ban Thủ lãnh phải bàn thảo thật chu đáo chương trình và nội dung cuộc tĩnh tâm tối thiểu trong một ngày theo phương pháp của thánh Ignatiô, một vị danh sư trong khoa huấn luyện và phân chia công tác minh bạch để mỗi người chu toàn phận sự của mình.

Điều 603     Lễ Tuyên Hứa

a- Ý nghĩa việc Tuyên Hứa:

Việc gia nhập Phong Trào hoàn toàn có tính cách tự nguyện.  Tuy nhiên một khi đã gia nhập, đoàn viên có bổn phận gắn bó với Phong Trào và làm cho Phong Trào mỗi ngày mỗi phát triển.  Như vậy lễ Tuyên Hứa là một cái móc đánh dấu giai đoạn bắt đầu thực hiện những cam kết của mình đối với Thánh Tâm Chúa và với Phong Trào.

b- Thời gian Thực Hiện

Sau khi ghi danh gia nhập Phong Trào, tập sự một thời gian ít nhất ba tháng và được Ban Trị sự chấp thuận, đoàn viên phải công khai gia nhập Đoàn bằng một Lễ Nghi Tuyên Hứa được tổ chức trọng thể trong một thánh lễ, như dịp lễ Quan Thầy hoặc trong một buổi tĩnh tâm quan trọng.

c- Nội dung Việc Tuyên Hứa

Lời Tuyên Hứa bao gồm những điểm chính sau đây:

– Tuân giữ các ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.

– Giữ đức tiết độ trong lời nói và việc làm.

– Vâng phục quyền giáo huấn Giáo Hội về mọi lãnh vực đạo đức, công bằng xã hội…

– Đáp lại tình yêu bao la Thánh Tâm Chúa, bằng cách:

* Đọc kinh dâng ngày để kết hiệp với hy lễ Chúa hằng dâng trên bàn thờ.

* Tham dự và Rước lễ đền tạ ít nhất mỗi tháng một lần.

* Phục vụ cộng đoàn dân Chúa để mọi người yêu mến Thánh Tâm Chúa.

d- Chuẩn Bị

Đoàn phải xúc tiến thực hiện Lễ Tuyên Hứa một cách hết sức chi tiết, trong đó có sự nhắc nhở đoàn viên về việc:

– Dọn mình xưng tội, làm tuần tam nhật hay cửu nhật để chuẩn bị tâm hồn.

– Đọc thủ bản của Phong Trào.

– Kêu gọi các đoàn viên thực hiện bó hoa thiêng trong Đoàn để xin Chúa đổ xuống cho tân đoàn viên dồi dào ân sủng của Thánh Tâm.

e- Nghi thức lễ Tuyên Hứa

Được quy định trong Chương Tám Điều 803

Điều 604     Thủ Lãnh Dâng Mình

a- Thành Phần Tham Dự

Thành phần tham dự là các Thủ Lãnh từ cấp Toán trưởng và Toán phó trở lên.  Họ chẳng những có lòng đạo đức chắc chắn, lại có tinh thần tông đồ và nhất là tư chất lãnh đạo trổi vượt, được các anh em đoàn viên chọn lựa để điều hành các cấp bộ của Phong Trào.  Các Ủy viên của Đoàn cũng thuộc thành phần Thủ Lãnh.

b- Mục Đích

Mục đích nghi thức Thủ Lãnh dâng mình cốt để nhắc nhở các thủ lãnh ý thức vai trò quan trọng của mình trong guồng máy của Phong Trào.

c- Thời gian tổ chức

Hàng năm Đoàn nên thực hiện lễ nghi Dâng mình cho các thủ lãnh, nhất là trong dịp có các cán bộ mới được chọn vào hàng thủ lãnh.  Lễ nghi Thủ Lãnh Dâng Mình nên được thực hiện riêng biệt vào lúc nào thuận tiện và có ý nghĩa nhất, tốt nhất là trong một buổi tĩnh tâm riêng cho các thủ lãnh của Đoàn.

d- Chuẩn bị

Lễ nghi Thủ Lãnh Dâng Mình phải được chuẩn bị thực hiện một cách chu đáo:

– Thủ lãnh phải tìm hiểu về chức vụ của mình và nhận định rằng, đây là phần vụ để phụng sự Chúa và phục vụ anh em, cũng vì lý do đó mà anh em được chọn vào hàng ngũ cán bộ lãnh đạo.

– Thủ lãnh, hơn ai hết, phải thấu triệt thủ bản của Phong Trào, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hoạt động.

– Trong ngày lễ Dâng mình, thủ lãnh phải tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng vì là ngày dâng mình và tuyên thệ trung thành với Thánh Tâm Chúa.

Trong dịp này, thủ lãnh gia trưởng cũng nên dâng gia đình lại cho Thánh Tâm Chúa.

Điều 605     Lễ Quan Thầy

a- Hai Lễ Bổn Mạng

 

– Phong Trào LMTT nhận Thánh Tâm Chúa Giêsu làm Bổn Mạng và chọn ngày Lễ kính Thánh Tâm  Chúa trong tháng Sáu hàng năm làm lễ mừng Bổn Mạng.

– Lễ Kitô Vua là một Lễ của Tổ Chức Công Giáo Tiến Hành được thực hiện vào tháng Mười hàng năm, nên cũng là lễ của Phong Trào LMTT.

b- Ý hướng Mừng Lễ

Trong dịp hai lễ Bổn Mạng chính:

– Các Đoàn chuẩn bị tinh thần và vật chất để các đoàn viên mừng hai lễ này một cách long trọng.

– Đây cũng là dịp Đoàn LMTT có thể tổ chức Đại hội, trong đó có cuộc tĩnh tâm, hay lễ tuyên hứa cho các đoàn viên mới.

– Đoàn viên gia trưởng cũng nên lấy ngày hôm nay để dâng gia đình cho Thánh Tâm Chúa.

Điều 606     Tôn Vương Gia Đình

a- Ảnh hưởng thế tục

Thế giới ngày nay đang trong tình trạng suy đổi về mặt đạo đức và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự sống còn của gia đình.  Để tránh sự đổ vỡ và thăng tiến đời sống đạo đức gia đình, các gia đình công giáo cần tìm biện pháp cứu vãn.

b- Biện pháp cứu vãn gia đình

Để gia đình khỏi sa vào tình trạng đổ vỡ và được thăng tiến, người tín hữu phải dâng gia đình cho Thánh Tâm Chúa.  Đoàn viên LMTT đã coi việc dâng gia đình là một bổn phận, thì lễ nghi Tôn Vương Gia Đình là khởi điểm việc Dâng Gia Đình cho Thánh Tâm Chúa.

c- Ý nghĩa việc Tôn Vương Gia Đình

Tôn Vương là chính thức công nhận quyền chủ tể của Thánh Tâm Chúa trong gia đình mình.  Chúa làm chủ tể gia đình trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất.  Mọi sự vui, sự buồn của mỗi phần tử trong gia đình đều thuộc về Thánh Tâm Chúa.  Khi đã Tôn Vương gia đình cho Thánh Tâm Chúa, chúng ta không còn sống trong nhà chúng ta nữa mà sống trong nhà của Chúa Giêsu; vì căn nhà nhỏ hẹp của chúng ta đã trở nên điện đền đài của Vua Giêsu ngự trị.

Với mục đích nói trên, Phong Trào thiết lập lễ nghi Tôn Vương Gia Đình và mong muốn đoàn viên cố gắng thực hiện để Thánh Tâm Chúa Giêsu sớm được ngự trị trong gia đình mình.

d- Nghi thức Lễ Tôn Vương:  được quy định ở Phụ Chương (Điều 805)

Điều 607     Giờ Thánh Đền Tạ Thánh Tâm Chúa

a- Bản Chất của Giờ Thánh

– Nhớ lại và thông phần sự hấp hối của Chúa trong Vườn Cây Dầu.  Vì yêu ta, Chúa đã đau khổ đến cực điểm.  Không còn cách nào hơn là phải đáp lại tình yêu hải hà đó, bằng chính tình yêu của mình.

– Nhớ lại và tôn vinh sự đau khổ của Chúa, không những vì những cực hình ngoài thể xác, mà nhất là những cực hình trong tâm hồn Chúa.  Ngài biết rõ đa số không đáp lại tình yêu hải hà này, kể cả chính ta.

– Đối với những tâm hồn biết đáp lại tình yêu, Chúa mời gọi họ đền tội cho những người không biết đáp lại tình yêu, những người tội lỗi, hầu làm Chúa Cha nguôi giận, xin Ngài thứ tha tội lỗi cho họ và cho họ từ bỏ tội lỗi và được trở lại, yêu thương Chúa.

– Đáp lại tình yêu này an ủi Trái Tim Chúa, và phần nào làm dịu sự đau khổ Chúa.

b- Giờ thánh là gì?

Là một giờ giáo dân dùng khẩu nguyện, tâm nguyện, hay suy niệm, để nhớ lại và thông phần sự hấp hối Chúa trong vườn dầu, theo lời yêu cầu của Thánh Tâm Chúa hiện ra cho nữ thánh Margarita, để:

– An ủi Thánh Tâm Chúa với sự yêu mến, thông cảm, và biết ơn của chính mình.

– Cầu nguyện thế, đền tội thế nhân loại bằng cách dâng những sự đau khổ Trái Tim Chúa, hiệp thông với hy lễ trên bàn thờ, làm Chúa Cha nguôi giận.

– Xin Chúa tha tội cho người tội lỗi, và cho họ tràn đầy ơn trở lại với tình yêu Chúa.

Điều 608     Các Hoạt Động Của Giáo Phận Và Giáo Xứ

Phong Trào khuyến khích Đoàn LMTT tích cực tham dự vào các dịp tổ chức sinh hoạt của Giáo Phận hay Giáo Xứ, vì Đoàn là một trong những đoàn thể nòng cốt của địa phương.  Giáo xứ hay giáo phận có được lớn mạnh cũng là do sự hăng say hoạt động tích cực của các đoàn thể trong Phong Trào Công Giáo Tiến hành.  Linh mục chính xứ hay linh mục phó xứ được ủy quyền làm tuyên úy của Đoàn.

Trong các dịp tổ chức khác của địa phương, nếu không được đích danh kêu gọi tham dự, vì lý do tầm tổ chức ít quan trọng, Đoàn LMTT cũng nên khuyến khích các đoàn viên tham dự trong khả năng của họ.

 

ĐOẠN HAI

CÁC HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

Mục đích chính của người LMTT khi hoạt động tông đồ là đem tinh thần Kitô giáo đến mọi gia đình, đến mọi tầng lớp xã hội.

 

Điều 609     Kitô Hoá Gia Đình

Nền văn minh vật chất đã làm đảo ngược giá trị truyền thống của những gia đình, ngay cả những gia đình công giáo.  Tiền tài, tự do cá nhân, ngừa thai, phá thai, trợ tử, nền văn minh chết được đặt trên hết, trên cả điều răn Đức Chúa Trời, lời giáo huấn của Hội Thánh.  Hơn lúc nào hết, người LMTT phải Kitô hoá gia đình, trả lại gia đình cho Chúa.

a- Bài trừ tội lỗi và tệ đoan

Chính người LMTT phải sống chứng tá, không những chính mình tránh xa những đam mê bất chính, cờ bạc, rượu chè, hút sách, sắc dục, xem những phim ảnh xấu (báo chí, video, mạng lưới điện toán, trình diễn…) mà còn ngăn ngừa con cái, bạn bè lánh xa các việc ấy.  Sự ngăn ngừa này không chỉ tiêu cực cấm đoán mà còn tích cực: ủng hộ các đạo luật, dành thời gian tham dự chống đối nền văn minh chết, tìm hiểu phương cách ngăn ngừa con em không lợi dụng mạng lưới điện toán… ủng hộ báo chí, các viên chức chính trị biết theo đường lối Chúa, và nhất là cầu nguyện để con người đừng phạm đến Chúa nữa.

b- Kitô hoá các gia đình trẻ

Đa số cha mẹ các gia đình công giáo không còn ảnh hưởng được con cái.  Việc giáo dục chúng theo đức tin, theo giáo huấn Giáo Hội trở thành khó khăn, nếu không phải là vô hiệu quả.  Do đó, muốn Kitô hoá gia đình, người LMTT phải nhắm đến những gia đình trẻ, để khi cảm nghiệm được tình yêu Chúa, họ giáo dục con em họ theo đường lối của Chúa Kitô.

– Người LMTT luôn luôn sẵn sàng cổ võ con em, giới trẻ gia nhập những phong trào trẻ, tạo cơ hội cho chúng tham dự những buổi họp thích hợp với tuổi chúng.

– Người LMTT cố gắng đem sự tôn sùng Trái Tim Chúa đến mỗi gia đình, làm việc đền tạ tại nhà, tham dự lễ thứ sáu đầu tháng, khuyến khích họ Tôn Vương gia đình, tham dự nhóm nhỏ, đọc Kinh Thánh mỗi tối….

 

Điều 610     Kitô Hoá Môi Trường Làm Việc

 

Người LMTT Kitô hoá môi trường làm việc bằng lối sống chứng tá của mình.  Công ăn việc làm, tư tưởng, lời nói đều phản ảnh lời giảng dạy của Chúa Giêsu.  Ngoài ra, khi thuận tiện, họ không bỏ dịp nói đến Chúa Kitô và lời giảng dạy của Ngài.

Điều 611     Công Tác Bác Ái

Người LMTT luôn luôn nhớ lời Thánh Giacôbê: ” Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.”  (Giacôbê 1,22) hay lời thánh Gioan: ” Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình.”  (1 Gn 4,21).

– Trong gia đình, người LMTT thực hiện lòng bác ái bằng cách dạy dỗ theo đúng lời Chúa dạy, biết hy sinh và mưu ích cho mọi phần tử.

– Trong đoàn thể, người LMTT biết yêu thương thật anh em trong tinh thần tương thân tương trợ, trong những lúc đau ốm và phục vụ anh em trong những phận vụ mà đoàn nhờ mình đảm trách.

– Trong cộng đoàn giáo xứ, người LMTT biết hy sinh phục vụ anh chị em.

– Trong xã hội, đặc biệt với những người đau ốm, tù đầy, người LMTT biết đem Thiên Chúa đến họ để an ủi họ; với những người nghèo khó, người LMTT sẵn sàng giúp công giúp của làm sao cho họ thoát được cảnh nghèo túng.

Để thực hiện những điều trên, Liên Đoàn, Đoàn nên để ra những kế hoạch cụ thể để mọi đoàn viên có thể cùng nhau thực thi.

Điều 613     Phát Huy Văn Hoá Đạo Đức Và Dân Tộc

a-  Văn hoá là gì?

Văn hoá là tinh hoa của xã hội loài người.  Nhờ có văn hoá nhân loại mới trở nên văn minh tiến bộ.  Mỗi chúng ta có một nền văn hoá riêng, ta gọi là văn hoá dân tộc.  Nhiều nền văn hoá đã biến dạng trên thế giới cùng với chủng tộc của họ.  Có nền văn hoá biết du nhập những cái hay cái tốt để trở nên tốt đẹp hơn.  Cũng có những nền văn hoá không những đã thu nhập nhiều điều hay mà cả những điều dở, thành ra nó không còn cái hay của thuở ban đầu.

Nói đến văn hoá với những nét đẹp của nó là nói đến vấn đề luân lý, đạo đức, thuần phong mỹ tục là những nét đẹp thuần túy tinh thần của văn hoá.

Mọi người ai cũng có bổn phận phải phát huy phần tốt đẹp của nền văn hoá để nhân loại được thụ hưởng.

b- Hoạt động với danh nghĩa đoàn thể

Là một trong những đoàn thể Công Giáo có nhiều khả năng.  Đoàn LMTT có thể tự mình hay phối hợp với cơ sở văn hoá địa phương đóng góp vào việc thực hiện và phổ biến các công tác văn hoá đạo đức và dân tộc.

Sách báo, băng video, cassett, mạng lưới điện toán, các buổi truyền thanh, truyền hình là những phương tiện truyền thông Phong Trào nên sử dụng để truyền bá văn hoá Kitô giáo và dân tộc một cách hữu hiệu và đối phó với trào lưu văn hoá nghệ thuật đồi trụy đang hoành hành thế giới.

c- Đóng góp khả năng cá nhân

Tùy theo khả năng và hoàn cảnh khả quan của mỗi người, mỗi cá nhân có thể tham gia các hoạt động văn hoá ủng hộ bằng cách mua sách báo Công Giáo và yểm trợ tài chánh cho các cơ quan truyền thông của Giáo Hội.

CHƯƠNG BẢY

TÀI CHÁNH

Điều 701     Những Khoản Chi Phí và Dự Trù Ngân Sách

Các cấp bộ của Phong Trào đều có những khoản phải chi tiêu trong việc điều hành như mua văn phòng phẩm, in các bản tin, đóng góp tài chánh cho văn phòng cấp cao hơn, chi phí cho các công tác bác ái.

Hàng năm, Ban Trị Sự cần phải dự trù trước một ngân sách khả dĩ đài thọ đủ cho các chi phí của đoàn thể.  Đừng để đến phút chót mới kêu gọi sự đóng góp, như vậy sẽ gây nhiều trở ngại cho công việc chung.

Điều 702     Nguồn Tài Chánh

Thông thường, có hai nguồn tài chánh để tài trợ cho việc điều hành các cấp.

a- Niên liễm hay nguyệt liễm

Đoàn viên đóng góp niên liễm hay nguyệt liễm cho Đoàn một số tiền đã được quy định.   Tiền đóng góp của Đoàn viên phải được ghi chép minh bạch.

b- Các mạnh thường quân

Trong những trường hợp hay dịp tổ chức đặc biệt, ủy viên thủ quỹ có thể xin sự yểm trợ của các mạnh thường quân.

Điều 703     Quản Trị Tài Chánh

Việc quản trị Tài Chánh phải làm theo đúng nguyên tắc kế toán, phải có sổ sách Chi và Thu.

a- Sổ Chi Thu phải được ký thực ở trang đầu và trang cuối vởi vị Trưởng.

b- Khi thay đổi vị thủ quỹ phải có ghi phần kết toán và chữ ký chứng nhận của vị Trưởng.

c- Sổ Chi Thu phải được Thủ quỹ thường xuyên cập nhật hoá.

d- Sổ Chi Thu không được tẩy xoá.  Nếu cần sửa chữa Thủ quỹ phải ký tắt bên cạnh.

e- Thủ quỹ luôn luôn sẵn sàng trình bầy tình hình tài chánh khi được Ban  Thủ Lãnh yêu cầu.

Điều 704     Nguyên Tắc Xử Dụng Quỹ

a- Ban Thủ Lãnh ấn định mức chi tối đa để Ban Trị Sự được quyền chi tiêu.

b- Mọi chi tiêu ngoài mức ấn định cần phải có sự chấp thuận trước của Ban Thủ Lãnh.

c- Mọi chi tiêu phải được ghi vào sổ sách Chi Thu và phải có chứng từ đính kèm.

d- Mọi chi tiêu được tường trình rõ ràng và chi tiết cho từng mục trong các phiên họp định kỳ.

CHƯƠNG TÁM HAY PHỤ CHƯƠNG

ĐOẠN MỘT

CÁC KINH XỬ DỤNG TRONG PHONG TRÀO

Điều 801     Kinh Dâng Ngày

Lạy Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu,/ con nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria,/ mà dâng lên Chúa/ mọi lời con nguyện xin,/ mọi việc con làm,/ mọi sự vui buồn đau khổ con chịu trong ngày hôm nay,/ hiệp với Hy Lễ Thánh dâng trên khắp hoàn cầu,/ để cầu nguyện theo ý Chúa/ là cứu rỗi các linh hồn,/ đền bù tội lỗi thiên hạ,/ và cho các Kitô hữu được hợp nhất./  Con lại dâng các sự ấy cho Trái Tim Chúa/ có ý cầu nguyện theo ý các Đức Giám Mục,/ các hội viên Tông Đồ Cầu nguyện và cách riêng theo ý Đức Giáo Hoàng trong tháng này.  Amen.

Điều 802     Kinh Đọc Trước Khi Hội

Lạy Chúa Giêsu,/ chúng con xin tôn nhận Chúa/ là Vua độc nhất cả vũ trụ càn khôn/ trên trời dưới đất./  Mọi sự vật hiện hữu,/ đều được tạo dựng nên vì Chúa./  Xin Chúa hãy hoàn toàn ngự trị trên chúng con./  Chúng con xin tuyên lại những lời đã thề hứa/ lúc chịu phép Rửa Tội, là từ bỏ ma quỷ/ từ bỏ mọi sự dối trá/ cùng mọi công việc của ma quỷ/ và chúng con xin hứa sống xứng đáng người công giáo/ cùng tình nguyện cách riêng/ dùng mọi phương thế chúng con có/ để mở rộng vương quyền hiển thắng của Chúa và của Hội Thánh Chúa.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu/ chúng con xin hiến dâng cho Chúa/ tất cả các việc mọn hèn chúng con/ để cầu mong cho tất cả mọi người/ được nhìn biết vương quyền thánh thiện Chúa/ và để  nhờ đó nước hoà bình của Chúa/ được lan tràn khắp tứ phương thiên hạ./  Amen.

Điều 803     Kinh Đọc Sau Khi Hội

 

Lạy Chúa Giêsu/ xin Chúa hãy dạy cho chúng con biết sống vị tha quảng đại,/ biết phụng sự Chúa hết lòng/ như Chúa đáng phụng sự/ biết ăn ở rộng rãi không đo lường,/ biết chiến đấu mạnh mẽ,/ không sợ thương tích gian nguy/ biết làm việc không kể khó nhọc,/ biết hy sinh không mong một phần thưởng nào khác/ hơn là được phước tuân theo thánh ý Chúa./  Amen.

ĐOẠN HAI

NGHI THỨC CỬ HÀNH CÁC LỄ NGHI

CỦA PHONG TRÀO LIÊN MINH THÁNH TÂM

Điều 804     Nghi Thức Làm Phép Cờ Đoàn hay Liên Đoàn

LM:   Ơn phù trợ chúng ta ở nơi danh Chúa.

TC:    Là Đấng tạo thành trời đất.

LM:   Chúa ở cùng anh chị em

TC:    Và ở cùng cha.

LM:   Chúng ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã tổ chức Hội Thánh Chúa như một đạo binh dàn trận.  Xin Chúa làm phép (+ ) lá cờ này, để cho tất cả những ai chiến đấu cho Chúa, là Thiên Chúa các đạo binh, dưới bóng lá cờ này, đều được toàn thắng các địch thủ hữu hình và vô hình ở đời này và sau khi thắng trận, lại đáng được khải hoàn trên trời.  Nhờ Chúa, lạy Chúa Giêsu Kitô, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. (Rảy nước Thánh)

TC: Amen.

Điều 805     Nghi Thức Làm Phép Tượng, Huy Hiệu

LM:     Ơn phù trợ chúng ta ở nơi danh Chúa

TC:    Là Đấng tạo thành trời đất.

LM:   Chúa ở cùng anh chị em

TC:    Và ở cùng cha.

LM:   Chúng ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa không bác bỏ việc tạc vẽ ảnh tượng của các Thánh Chúa, để mỗi khi chúng con dùng mắt ghể xác kính nhìn các ảnh tượng đó, thì cũng lại dùng mắt tinh thần suy niệm hành vi và đời sống thánh thiện của các ngài mà bắt chước.  Chúng con nài xin Chúa làm phép ( + ) và ( + ) thánh hoá những dấu hiệu này để tôn thờ và tưởng niệm Rất Thánh Trái Tim Con Một Chúa.  Chúng con cũng nài xin Chúa thương làm cho những ai tôn thờ Con Một Chúa mà có lòng siêng năng sốt sắng đeo các dấu hiệu này, thì được nhờ công nghiệp và sự che chở của Ngài và cũng được Thiên Chúa ban cho ơn thánh đời này cùng sự vinh hiển trường cửu đời sau. ( Rảy nước Thánh)

TC: Amen.

Điều 806     Lễ Nghi Tuyên Hứa ( hay Nhập Đoàn)

Có thể tổ chức lễ nhập đoàn cho đoàn viên tập sự trong một buổi họp đoàn, hoặc trong thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, lễ Chúa Kitô Vua hay lễ ngày Chúa Nhật, thứ Sáu đầu tháng, hoặc trong giờ chầu Mình Thánh trước khi ban phép lành.

Sau Phúc Âm, linh mục ra giữa bàn thờ đứng quay xuống giáo dân nói vài lời giải thích ý nghĩa Lễ Tuyên Hứa.  Sau đó, người hướng dẫn gọi tên các đoàn viên tuyên hứa.  Mỗi đoàn viên được gọi trả lời: ” có mặt ” và lên vị trí đã được ấn định.   Cờ Đoàn được thủ kỳ cầm đứng ở vị trí đã ấn định.

LM:   Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến cải thiện tâm hồn chúng con.

ĐV:   Và hãy hoán cải khắp trần gian.

LM:   Chúng ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa là Đấng đã dùng ánh sáng Chúa Thánh Thần Thần để giáo huấn tâm hồn tín hữu. Xin cho chúng biết nhớ ơn Người mà thêm lòng mến chuộng những điều ngay chính và luôn luôn được an ủi vui mừng trong cùng một Chúa Thánh Thần. Vì Đức Kitô Chúa chúng con.

ĐV:   Amen.

Nghi thức làm phép huy hiệu như ở Điều 805

Tất cả cùng qùy và đọc kinh Đoàn Viên:

Lạy Chúa Giêsu, con là ( nói tên của mình ra )/ hôm nay xin đến dâng mình cách riêng cho Thánh Tâm Chúa/ để xin Chúa tha thứ những lỗi lầm con đã vấp phạm/ và để tuyên hứa gia nhập vào Đoàn Liên Minh Thánh Tâm của Chúa./

Thật Chúa đã thương yêu chúng con/ như người cha thương con cái mình./  Nhờ Bí Tích Rửa Tội,/ chúng con đã trở nên con cái Chúa./  Nhưng nhiều lần nhiều cách/ chúng con đã lỗi phạm,/ không tuân giữ luật Chúa và luật  Giáo hội:/ như bỏ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc,/ không năng đi xưng tội và rước Mình  Thánh Chúa,/  biếng nhác việc đọc kinh sớm tối,/ ngại làm công việc bác ái từ thiện,/ không dám bênh vực quyền lợi Chúa và Hội Thánh Chúa./

(Người cầm cờ hạ cờ xuống)

(Anh em đoàn viên giơ tay ngay vai và tuyên hứa)

Lạy Chúa,/ từ nay con quyết chí sửa mình/ và xin long trọng tuyên hứa:

– Tuân giữ các ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.

– Giữ đức tiết độ trong lời nói và việc làm.

– Vâng phục quyền giáo huấn Giáo Hội về mọi lãnh vực đạo đức, công bằng xã hội.

– Đáp ứng lại tình yêu bao la Thánh Tâm Chúa, bằng cách:

+ Đọc kinh dâng ngày để kết hiệp với Hy lễ Chúa hằng dâng trên bàn thờ.

+ Tham dự và Rước lễ đền tạ ít nhất mỗi tháng một lần.

+ Phục vụ cộng đoàn dân Chúa để mọi người yêu mến Thánh Tâm Chúa.

(Người cầm cờ nâng cờ lên, anh em tuyên hứa để tay xuống)

(Chủ sự nói vài lời khích lệ và hỏi tiếp)

LM: Một lần nữa tôi xin hỏi lại, anh em có quyết tâm giữ những lời hứa ấy không?

( Thủ kỳ hạ cờ xuống )

( Các anh em tuyên hứa giơ tay lên ngay vai và thưa)

ĐV:  Chúng con xin trung thành hứa giữ như vậy.

( Đọc xong, hạ tay xuống, thủ kỳ đưa cờ lên )

LM: Chúng ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa nhận lấy những lời hứa các đoàn viên vừa mới dâng lên Chúa để chứng tỏ lòng họ thành thực kính mến Rất Thánh Trái Tim Chúa và hăng hái làm cho Chúa hiển trị trong linh hồn họ, trong gia đình họ và trong toàn cả xứ sở họ.  Xin Chúa ban ơn cho họ được trung thành giữ những lời hứa ấy và sống xứng đáng là những tông đồ Chúa.

Nhân danh Đức Giám Mục địa phận, tôi xin nhận anh em vào Liên Đoàn (hay Đoàn) LMTT Giáo phận (hay Cộng Đoàn…).  Từ nay anh em được hưởng những ân huệ trong phong trào và chính hôm nay, nhân buổi tuyên hứa này, anh em được hưởng nhờ một ơn toàn xá.

Chủ sự trao huy hiệu:

Anh em hãy lãnh nhận huy hiệu này.  Chớ gì nó nhắc nhớ mỗi người anh em được ơn trung thành bền đổ và ơn cứu rỗi trong giờ sau hết.

TC: Amen.

( Ban Thủ Lãnh Đoàn lên giúp đoàn viên gắn huy hiệu vào áo.)

Đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính với ý cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng,.

Linh mục giới thiệu Đoàn Viên mới gia nhập chính thức vào đoàn LMTT với cộng đoàn.

Điều 807     Lễ Nghi Thủ Lãnh Dâng Mình

Hằng năm, nếu có thủ lãnh mới, phải cử hành lễ các Thủ Lãnh dâng mình cách trọng thể để họ ý thức tầm quan trọng của nhiệm vụ họ.  Có thể cử hành trong nhà thờ hay một nơi rộng rãi, có trưng bày bàn thờ Thánh Tâm Chúa, trong thánh lễ hoặc trong giờ chầu Thánh Thể.

a- Hát Kinh Chúa Thánh Thần.

b- Linh mục chủ sự nói vài lời về ý nghĩa lễ Thủ Lãnh dâng mình.

c- Người hướng dẫn gọi tên các thủ lãnh.  Khi nghe tên, thủ lãnh thưa: có mặt, rồi lên đứng trước bàn thờ Thánh Tâm Chúa.

d- Tất cả quỳ đọc Kinh Dâng Mình:

Lạy Chúa Giêsu,/ vì yêu thương chúng con,/ Chúa đã chịu chết khổ nhục trên Thánh Giá,/ và đã lập Bí Tích Thánh Thể/ là thần dược nuôi sống linh hồn chúng con./   Chúa thật là vị ân nhân độc nhất của chúng con,/ song chúng con đã phụ ân bội bạc cùng Chúa bằng nhiều cách,/ chúng con chỉ đáng luận phạt,/ nhưng Chúa vẫn luôn đổ tràn ơn phúc trên chúng con./  Hôm nay chúng con dâng mình cho Trái Tim Chúa,/ xin Chúa thương nhận tấm lòng thành của chúng con./  Chúng con muốn dâng những hy sinh khổ cực hằng ngày/ để thông phần đau khổ với Chúa trong Vườn Cây Dầu,/ cũng như muốn được bênh vực Chúa/ qua việc làm chứng nhân cho Chúa giữa trần gian./

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,/ hạnh phúc cho chúng con biết bao/ khi được mời làm tông đồ cho Chúa./  Xin giúp chúng con biết dâng cho Chúa/ mọi kinh nguyện,/ mọi công việc và những vui buồn trong cuộc sống/ để hiệp thông cùng hy lễ của Chúa./   Xin dùng sức mạnh tình yêu của Chúa,/ soi dẫn và thôi thúc chúng con/ làm mọi việc chỉ vì lòng mến Chúa,/ để cho danh Chúa được cả sáng/ và Nước Chúa mau hiển trị khắp nơi./  Amen/

e- Chủ sự trao bằng thủ lãnh và ban phép lành.

Anh em hãy nhận lấy bằng này như chứng thư xác nhận từ nay anh em sẽ là tông đồ nhiệt hành của Thánh Tâm Chúa.  Anh em sẽ được hưởng những ân huệ thiêng liêng dồi dào đáng được lãnh nhận vì chức vụ của anh em.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin hãy nhận lấy những người con Chúa đây.  Họ ước ao sống dưới cờ Thánh Tâm Chúa, để bênh vực quyền lợi và làm hiển danh Chúa.  Chớ gì văn bằng chúng con mới trao cho họ khuyến khích họ thêm can đảm chiến đấu với kẻ thù vô hình và hữu hình của Chúa và bảo đảm cho họ toàn thắng, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Thủ Lãnh:  Amen.

Điều 808     Nghi Thức Lên Đường

Sau buổi tĩnh tâm, tĩnh huấn có thể dùng nghi thức lên đường để kết thúc buổi lễ.

LM: Anh em thân mến, sau (buổi tĩnh tâm nhân ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng của phong trao LMTT hay một dịp lễ khác), anh em đã nhận thức được tầm quan trọng của Đoàn Viên LMTT và đã quyết tâm sống trọn vẹn tinh thần của người cán bộ Thánh Tâm Chúa Kitô.  Giờ đây, trước mặt Thiên Chúa và các vị đại diện Giáo Hội của Ngài, với ngọn nến sáng của người LMTT trong tay, anh em hãy tuyên xưng sự nhận thức và quyết tâm của anh em.

LM: Anh em nhận thức gì về tầm quan trọng của người LMTT?

TC: Chúng con nhận thức rằng/ chính Đoàn viên LMTT đem sức sống phát xuất từ Thánh Tâm Chúa Kitô/ đến cho cộng đoàn dân Chúa./  Chính Đoàn viên LMTT tiếp tục sứ mệnh của Thánh Tâm Chúa ở trần gian/ là rao giảng Tình Yêu hải hà của Thánh Tâm Chúa/ để mọi người đáp ứng lại Tình Yêu bằng chính tình yêu mình đối với Ngài/ là thực thi chức năng tư tế mình nhận khi chịu phép Rửa/ để đền thay nguyện thế cho những kẻ có tội/ những kẻ vong ân bội nghĩa đã xúc phạm đến Chúa Tình Yêu/ để an ủi Trái Tim Tình Yêu thương của Chúa/ để chỗ nào lan tràn tội lỗi/ thì chỗ đó Thánh Tâm Chúa ban tràn ngập thánh ân của Ngài/ và để những linh hồn tội lỗi, xa Chúa/ được ơn ăn năn trở về với Chúa./

LM: Đã nhận được tầm quan trọng của một đoàn viên LMTT, anh em có quyết tâm gì, trong tính cách là những cán bộ của Thánh Tâm Chúa?

TC: Chúng con quyết tâm học hỏi nơi Thánh Tâm Chúa/ tinh thần yêu thương và khiêm nhường để phục vụ anh em chúng con/ một cách vô vị lợi.

LM: Nhận thức được tầm quan trọng của người LMTT, với quyết tâm sống trọn vẹn tinh thần người cán bộ của Thánh Tâm Chúa, anh em hãy long trọng tuyên hứa.

TC: Lạy Chúa/ chúng con long trọng tuyên hứa:/ Liên kết mật thiết với Chúa/ trong Hy lễ Chúa dâng lên Chúa Cha mỗi ngày/ trong tư tưởng/ lời nói và việc làm,/ trong tất cả mọi chương trình kế hoạch/ chúng con có/ đang có và sẽ thực hiện/ trong phong trào LMTT/ trong cộng đoàn/ cũng như trong các môi trường sống đạo/ để đáp lại tình Chúa yêu thương chúng con/ và để đền tội thay thế cho nhân loại./

LM: Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh em và những lời tuyên hứa của anh em.  Một lần nữa để tuyên xưng lòng quyết tâm của anh em, xin hãy cùng hát lên bài ” Xin Hãy Sai Đi…”

Điều 809     Lễ Nghi Tôn Vương Gia Đình

Mấy ngày trước cả gia đình dọn tâm hồn bằng tĩnh tâm, hay ít nhất học hỏi thế nào là Tôn Vương, xét mình, rồi xin chịu phép hoà giải.  Ngày tôn vương, xin dâng Thánh Lễ, rước lễ như một cử chỉ yêu đương và đền tạ Thánh Tâm Chúa.  Có thể xin làm phép nhà trước khi Tôn Vương.  Nên lập toà ở chỗ cao quý nhất trong nhà.

1- Phần Mở Đầu

LM: Sau khi dọn tâm hồn, anh chị (tên gia chủ) đã nhận thấy những lợi ích do việc Tôn thờ Thánh Tâm Chúa mang lại cho anh chị và gia đình, nên thành tâm ao ước được Thánh Tâm Chúa chính thức và công khai ngự trị trong gia đình mình.  Anh chị đã quyết định chọn ngày hôm nay để cung hiến gia đình anh chị cho Thánh Tâm Chúa.  Vậy tất cả chúng ta cùng hợp ý với anh chị và toàn thể gia đình thực hiện giờ Tôn Vương này cho sốt sắng.

Chúng ta cùng hát ” Kinh Chúa Thánh Thần”

2- Làm Phép Tượng

Linh mục chủ sự làm phép tượng Thánh Tâm Chúa.  Xem điều 805.  Khi làm phép xong, gia chủ đặt tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu lên toà.

3- Suy niệm Lời Chúa và ý nghĩa Tôn Vương

– Linh mục hay gia trưởng đọc Phúc Âm thánh Gioan 18,3-33.

– Linh mục suy diễn bài Phúc Âm và nói về ý nghĩa việc Tôn Vương, nhắc qua bổn phận gia đình phải trông cậy, kính mến, vâng phục Chúa Giêsu, những ơn ích Chúa ban trong việc Tôn Vương này.

4- Lời Nguyện Dâng Gia Đình

Gia chủ đọc:

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con là (xưng tên) ,/ bắt đầu từ ngày hôm nay xin dâng gia đình con cho Thánh Tâm Chúa./  Chớ gì tất cả mọi sự,/ mọi việc của gia đình này/ đều thuộc về Thánh Tâm Chúa./  Chúng con xin hoàn toàn phó thác và tuân theo thánh ý Chúa./  Như xưa Chúa đã ngự trị trong gia đình Bêtania như thế nào,/ thì nay xin Chúa cũng ngự trị trong gia đình chúng con như vậy cho đến muôn đời.

Tất cả cùng thưa: Amen.

5- Tất cả cùng đọc

– Kinh Tin Kính

– Kinh dâng gia đình

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,/ Chúa đã tỏ cho thánh nữ Magarita-Maria biết/ lòng Chúa ước ao được ngự trị trong mọi gia đình các tín hữu./  Thì hôm nay,/ chúng con xin Chúa đến ngự trong gia đình chúng con.

Xin cho chúng con được sống theo gương Chúa./  Xin cho chúng con thực hành các nhân đức/ để ngay tự đời này,/ chúng con được hưởng sự bình an Chúa hứa ban/ và xin quyết tâm loại bỏ tinh thần thế tục mà Chúa đã luận phạt.

Chúng con nguyện giữ đức tin đơn sơ trọn vẹn/ để đáng được Chúa ngự trị trong tâm hồn chúng con.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin hãy chủ toạ/ mỗi khi chúng con hội họp,/ chúc lành cho mọi việc hồn xác chúng con làm,/ khử trừ mọi nỗi lo âu chúng con gặp phải,/ thánh hoá các niềm vui chúng con đang có,/ giúp chúng con thoát mọi cơn gian nguy hồn xác.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,/ khi có ai trong gia đình con/ vô phúc phạm tội làm cực lòng Chúa/ xin nhắc nhở chúng con rằng/ Chúa vốn nhân từ rộng lượng/ và sẵn sàng tha thứ/ khi tội nhân biết ăn năn trở lại./  Khi gia đình chúng con có con cái đến tuổi thành hôn,/ xin cho chúng được Thánh Tâm Chúa chúc phúc/ biết sống hoà thuận thương yêu nhau/ và chuyên cần giáo dục con cái Chúa ban/ theo đường lối của gia đình Nagiaret./  Khi có ai qua đời/ xin giúp chúng con vui lòng chấp nhận/ vâng theo thánh ý Chúa,/ và tự an ủi/ sẽ có ngày toàn thể gia đình/ sẽ họp nhau trên Thiên Quốc,/ cùng nhau hát mừng ngợi khen và cảm tạ Chúa đời đời.

Lạy Thánh Tâm Cực Sạch Mẹ Maria,/ lạy Thánh Tổ Phụ Giuse vinh hiển,/ xin hãy dâng lên Thiên Chúa/ mọi ước nguyện của chúng con./    Xin nhắc nhở chúng con luôn nhớ rằng/ chúng con đã dâng gia đình cho Thánh Tâm Chúa/ để tất cả chúng con được sống xứng đáng là con cái của Sự Sáng.

Vạn tuế Thánh Tâm Chúa!/  Thánh Tâm Chúa thống trị gia đình chúng con đời đời.  Amen.

Tiếp đến đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh cầu cho người vắng mặt hay qua đời.

6- Kinh Tán Tụng Trái Tim Đức Chúa Giêsu

Kính ngợi Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, Chúa đã thương xót nhà này quá bội, mà chọn lấy trong trăm nghìn nhà khác, để làm gia nghiệp kính mến, làm cung thánh đền tạ Rất Thánh Trái Tim về tội thiên hạ bạc nghĩa vô ơn.

Chớ gì chúng con được kính mến, chúc tụng, làm sáng danh Trái Tim hiển thắng Chúa mãi mãi!  Chớ gì nước Trái Tim Người ngự trị đến! Amen.

7- Cả gia đình ký vào chứng chỉ Tôn Vương Thánh Tâm Chúa

8- Kết thúc:

Đọc kinh Lạy Nữ Vương, kính Trái Tim cực sạch Đức Mẹ, hát một bài về Đức Mẹ.  Phép lành của Linh mục Chủ sự.

Điều 810     Chương Trình Giờ Thánh Đền Tạ

Trong Giờ Thánh, người LMTT sống lại những phút cuối cùng của Chúa Giêsu trong Vườn Dầu, đau khổ, cô đơn, như bị Chúa Cha bỏ rơi, bị nhân loại không màng đến công ơn cứu rỗi, rồi muốn đền đáp bằng cách yêu thế, nguyện thế và đền tội thế cho nhân loại, hầu an ủi Trái Tim Chúa.  Người hướng dẫn củng nên nhắc anh em LMTT làm Giờ Thánh riêng, ở bất cứ nơi nào, từ 2 giờ chiều thứ năm đến 6 giờ sáng thứ Sáu hay chung ở nơi thờ phượng công cộng hay bán công cộng, bất cứ lúc nào đều được hưởng một ơn toàn xá.

  1. a) Lắng đọng tâm hồn trước sự hiện diện của Thiên Chúa:

– Cầu xin Chúa Thánh Thần hay Ca tụng Chúa trong phép Thánh Thể.

– Giục lòng tin, cậy, mến, thờ lạy, cảm tạ và xin ơn tha thứ.

  1. b) Với Chúa trong vườn Yệsêmani:

– Suy niệm 1: Suy gẫm về sự hấp hối hay về một đoạn Chúa chịu nạn vì yêu nhân loại.  ( Như đọc Luca 29,39-45, hay một đoạn Chúa trách nhân loại qua thánh nữ Margarita và sau đó đọc một đoạn suy gẫm về những diễn tiến này.)

– Cầu nguyện (nói chuyện với Chúa) và yên lặng để suy gẫm lời Chúa.

– Nói lên sự biết ơn và quý mến tất cả những gì Chúa đã làm cho ta.  Người hướng dẫn có thể nêu lên tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện để cứu chuộc.

– Kinh (Dùng một trong những kinh dưới)

– Suy niệm 2: Suy gẫm về sự đáp trả của con người. (Đọc Luca 22,46-48)

– Thái độ của chính mình trước tình yêu Thiên Chúa, trước Thánh Thể, trước hy lễ Misa, trước muôn ngàn ơn phước.

– Đáp lại tình yêu hải hà Chúa bằng chính tình yêu mình: hãy nói lên ta thương yêu Ngài, yêu thay cho những người khác, thay cho những người không biết đến ơn cứu chuộc hoặc không màng đến.

– Xin ơn tha thứ về tất cả những vô ơn của ta.

– Đền thay nguyện thế cho tội nhân, hiệp với hy lễ Chúa đang dâng lên Chúa Cha, để làm cho Chúa Cha nguôi giận, để xin cho người tội lỗi trở về cùng Chúa.

– Kinh:

– Một trong các giờ Kinh Phụng vụ lễ Thánh Tâm hay

– Cầu Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu hay

– Đền tạ Thánh Tâm hay

– Kính các vết thương Chúa hay

– Kinh dâng mình, dâng gia đình cho Trái Tim Chúa hay

– Ngắm chặng đàng Thánh Giá hay

– Lần chuỗi 50 ( hay ít hơn ) 5 Sự thương xót.  Xin đọc chậm, trước kinh Lạy Cha có thể ngắm bằng một đoạn Kinh Thánh nói về Chúa chịu nạn, và nêu một ý nguyện.

  1. c) Kết thúc:

Trước tình yêu hải hà Thiên Chúa và sự vô ơn loài người, người LMTT bày tỏ thái độ yêu của mình: tạ ơn, quyết tâm yêu Chúa với sự giúp đỡ của Mẹ Maria.

ĐOẠN BA

CHƯƠNG TRÌNH CÁC BUỔI HỌP

Điều 811     Chương Trình Họp Mẫu (Toán, Đoàn, Liên Đoàn)

I- Phần Khai Mạc

1- Giới thiệu mục đích cuộc họp

2- Hát kinh Chúa Thánh Thần

3- Đoàn ca

4- Kinh Trước khi hội

II- Phần học hỏi Lời Chúa

1- Đọc Lời Chúa

2- Tìm hiểu Lời Chúa ( Toán trưởng hay người phụ trách đọc lời chú giải)

3- Đọc lại Lời Chúa lần thứ hai

4- Mỗi người nói lên câu hoặc chữ đánh động tâm hồn

5- Đọc Lời Chúa lần thứ ba

6- Chia sẻ cảm nghiệm chính mình đã và đang có, theo chữ hay câu đã đánh động mình.

7- Lời nguyện quyết tâm thực thi Lời Chúa trong một trường hợp cá biệt trong ngày, tuần hay thắng sắp tới.

III- Phần sinh hoạt

( Trước giờ sinh hoạt nên tập một bài hát mới)

1- Điểm danh và giới thiệu đoàn viên Ban Trị Sự mới ( nếu có )

2- Tóm lại các quyết nghị trong biên bản kỳ trước.

3- Phúc trình và kiểm điểm sinh hoạt đã được quyết định kỳ trước.

4- Thảo luận, ấn định và phân chia nhiệm vụ cho kỳ này.

5- Huấn từ của linh mục Tuyên Úy ( nếu họp cấp Đoàn hay Liên Đoàn)

6- Các thông báo cần thiết.

7- Báo cáo quỹ ( nếu có)

8- Linh tinh và đúc kết.

VI- Phần kết thúc

1- Cầu nguyện cho Đoàn viên vắng mặt và thân nhân đau yếu.

2- Kinh sau khi hội

3- Phép lành của cha Tuyên uý ( nếu họp cấp đoàn và liên đoàn)

Cước chú:   Thời gian mỗi cuộc họp tùy theo tầm quan trọng, tuy nhiên không nên kéo dài quá 2 giờ.

ĐOẠN BỐN

SỔ SÁCH CỦA CÁC CẤP PHONG TRÀO

Các cấp bộ của Phong Trào cần lưu giữ văn kiện để tra cứu mỗi khi cần.  Thư ký và thủ quỹ là những người quản thủ các hồ sơ liên hệ.

Điều 812     Hồ Sơ Lưu Trữ Văn Thư

Có hai loại hồ sơ lưu văn như:

a- Hồ sơ lưu Văn Thư “Đi”

– Bất cứ khi nào gởi một văn thư đi, cần phải giữ lại một bản.

– Hồ sơ được sắp xếp theo số thứ tự và ngày tháng gửi đi.

– Bản văn lưu được đục lỗ để ghim vào một tập bìa cứng bên ngoài có dán nhãn hiệu “Văn Thư Đi”

b- Hồ Sơ Lưu Văn  Thư “Đến”

– Các Văn thư đến sau khi đã giải quyết được đục lỗ ghim vào một bìa cứng bên ngoài có dán nhãn hiệu ” Hồ Sơ Văn Thư Đến”

– Văn thư đến được xếp theo ngày nhận.

– Một quyển sổ bìa mỏng ghi các cột ngày nhận, số văn thư, nội dung và nơi gởi đến, bên ngoài bìa có dán nhãn hiệu ” Số Văn Thư Đến”

Điều 813     Sổ Ghi Biên Bản các Buổi Hội

a- Sổ ghi Biên Bản

Dùng một tập bìa cứng có nhiều tờ giấy trắng đã đóng chắc lại với nhau, có hàng kẻ để dễ ghi chép, có đánh số trang để tiện tra cứu.  Sổ này được xử dụng ghi biên bản các buổi họp định kỳ hay bất thường.

b- Cách thức Ghi Biên Bản

Biên bản ghi lại các điều đã quyết nghị trong phiên họp, căn cứ vào nghị trình đã được thông qua.  Biên bản cần được ghi ngắn gọn nhưng đủ ý.

c- Ký Biên Bản

Biên bản phải được thư ký ký vào và chủ tọa khán thự mới có giá trị.

Điều 814     Sổ Danh Sách Đoàn Viên

a- Cách Trình Bày

Danh sách Đoàn Viên được ghi theo các cột với các mục sau đây:

1- Số thứ tự.

2- Tên Thánh tên gọi.

3- Ngày tháng năm sinh

4- Điện thoại

5- Địa chỉ

6- Tình trạng gia cảnh

7- Ngày gia nhập Đoàn

8- Ngày tuyên hứa.

9- Các chức vụ đã và đang đảm nhiệm

10- Cước chú.

b- Lưu Giữ

Bản danh sách có thể được lưu trữ trong computer khi cần thì in ra xử dụng.  Nhưng nên có một bản chính thức để phòng hờ computer bị xoá bất ngờ.

c- Cập Nhật Hoá Danh Sách

Danh sách cần được cập nhật hóa thường xuyên mỗi khi có báo cáo sự thay đổi.

Điều 815     Sổ Ghi Công Tác

– Sổ tài chánh do thủ quỹ ghi chép và lưu giữ

– Sổ này ngoài bìa có ghi “Sổ chi thu” gồm có các mục như sau:

1- Ngày    tháng    năm

2- Đề mục chi thu

3- Số tiền thu

4- Số tiền chi

5- Tồn quỹ

6- Cước chú

– Sổ chi thu có đánh số trang từ trang đầu đến trang cuối.

– Mỗi lần thay đổi thủ quỹ phải ghi kết toán với ngày tháng, chữ ký của tân cựu thủ

quỹ và chữ ký khán của vị trưởng.

– Mỗi mục chi phải có chứng từ được lưu giữ lại để tiện tra cứu mỗi khi cần.

Cước chú: Có thể lưu trữ tài liệu chi thu vào đĩa hay trong máy computer, khi cần thì

in ra xử dụng.  Tuy nhiên nên có một bản chính thức để phòng hờ

computer bị xoá bất ngờ.

Điều 817     Sổ Ghi Tài Sản

– Sổ Tài Sản: Tài sản của mỗi cấp bộ được ghi vào một sổ ngoài bìa có ghi ” Tài Sản Của ( Tên đơn vị)”, có ghi chú từng loại với tình trạng tốt xấu và do đâu mà có ( mua sắm hay tên người tặng)

– Trường hợp cho người hay cơ quan nào mượn xử dụng phải ghi chú danh tánh, ngày giao và thời gian mượn để tiện theo dõi không để cho bị thất thoát.

– Hằng năm hoặc sáu tháng một lần, phải kiểm soát tình trạng máy móc, nếu cần cho đem tu bổ để lúc nào tài sản cũng ở trong tình trạng xử dụng được.

ĐOẠN NĂM

HUY HIỆU &– HIỆU KỲ

Điều 818     Huy Hiệu

a- Mô tả

Huy hiệu của Phong Trào LMTT là một hình Thánh Giá bốn cánh (1.25″ x 1.25″ ) kiểu Thập Tự Chính xử dụng ngày xưa, giữa nhỏ ngoài xòe ra to dần, được đúc trên một miếng kim loại sơn máu trắng.  Giữa Thánh Giá là một hình Trái Tim phía đầu Trái Tim có tượng Thánh Giá nhỏ.  Trái Tim và Thánh Giá nhỏ sơn màu đỏ tươi.  Bên hông trái tim có ba tia sáng màu vàng kim loại, tia ở giữa dài hơn hai tia trên và dưới một vài ly.  Một vòng tròn cỡ hai phân rưỡi (7/8″ đường kính) nối liền phía bốn cánh Thánh Giá lớn sơn mầu xanh dương được viền chung quanh bằng chỉ mầu vàng khi loại mang hàng chữ ” Nước Chúa” ở phía trên và ” Trị Đến” ở phía dưới.  Mặt sau huy hiệu có gắn kim cài.

b- Vị Trí gắn Huy Hiệu

Huy hiệu được đoàn viên cài vào cà vạt ngay trước ngực khi đơn vị Phong Trào LMTT được mời tham dự các dịp tổ chức của Phong Trào, của Cộng Đoàn Giáo Xứ hay Cộng Đồng Giáo Phận.

Điều 819     Hiệu Kỳ

a- Mẫu Hiệu Kỳ (Xem hình trang …)

b- Mô Tả

Hiệu kỳ là một lá cờ may bằng vải sa tanh bóng có hai lớp.  Mặt phải thêu huy hiệu của Phong Trào.  Mặt trái thêu tên cấp bộ Phong Trào ( 30″ x 45″ )

Cờ Đoàn thì thêu  (Xem hình trang …)

ĐOÀN LIÊN MINH THÁNH TÂM

CỘNG ĐOÀN ………………………

Cờ Liên Đoàn thì thêu: (Xem hình trang …)

LIÊN ĐOÀN LIÊN MINH THÁNH TÂM

GIÁO PHẬN ……………………………….

c- Cấp xử dụng

Từ cấp đoàn trở lên được phép có một Hiệu kỳ, gọi là hiệu kỳ Đoàn hay Liên Đoàn

d- Thủ kỳ

Hiệu kỳ do đoàn viên Thủ Kỳ cầm trong các lễ tuyên hứa, hay dẫn đầu đơn vị Phong Trào trong các cuộc rước tôn giáo.

e- Các thế cầm hiệu kỳ:

1- Thế đứng nghỉ:  Thủ kỳ cầm hiệu kỳ với cán dưới đất để sát vào bàn chân phải, tay phải cầm cán cờ đưa thẳng ra phía trước để cho lá cớ rũ xuống.

2- Thế đứng nghiêm : Thủ kỳ kéo sát tay phải sát vào hông phải và hai bàn chân đứng sát nhau.  Cán cờ ở thế đứng thẳng.

3- Thế tuyên hứa:  Thủ kỳ đứng thế ” Nghiêm”, tay trái cầm chuôi cán cờ, tay phải cầm cán cờ và duỗi thẳng ra phía sau trước mặt ở thế 180 độ, để cho lá cờ mở xuống hết.  Tuyên hứa xong, thủ cờ đưa cờ về thế ” Nghiêm”.

4- Thế đi rước kiệu: Thủ kỳ cắm chuôi cán cờ vào cái bao đeo ngang thắt lưng ở giữa bụng, tay phải cầm cán cờ ở độ giốc đứng 45 độ, lá cờ rũ xuống một phần. (hết)

Trang Tuyên Hứa PDF.file printable

lmtt logo