Giữa đau đớn và khổ cực, buồn phiền và lo âu, bực bội và chán nản, nếu bạn chỉ được chọn một trong hai, thì bạn chọn cái nào? Chẳng ai thích những điều này. Đa số con người không sợ chết, nhưng chỉ sợ đau. Cứ mỗi lần vào bệnh viện đi sức dầu bệnh nhân, lòng mình như bị trùng xuống trước thực tế đau khổ của kiếp người. Sự đau đớn thể xác của kẻ khác hôm nay là sự nhắc nhớ về sự đau đớn của mình sau này. Bị đau răng thôi cũng đủ làm mình khó chịu rồi huống chi là đau nhói xương trong xương tủy. Đi đá banh về, nhức hai cái chân cũng chẳng muốn đi đâu rồi huống chi là bị xưng các khớp xương. Cứ ngồi suy tư về những đau đớn ở tuổi già cũng dễ làm cho tuổi trẻ mất vui phần nào. Nhưng đó là cuộc sống! Nhà nào có em bé là có đầy đủ các bình sữa, áo quần và đồ chơi v.v. Nhà nào có bệnh nhân, ở cạnh giường luôn đầy ắp các chai lọ thuốc men. Với những bệnh nhân bị ung thư đau đớn, tôi chỉ biết an ủi họ bằng cách nhìn lên ảnh Chúa chịu nạn. Nỗi đau của con người cũng là nỗi đau của Ngài trên khổ giá.
Lễ Lá tưởng niệm lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để chịu chết vì tội lỗi con người. Không chỉ cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu cũng đồng hành san sẻ mọi khổ đau như bao người. Vì tình thương mà Ngài đã chấp nhận chịu đau khổ. Riêng chúng ta, vì tội lỗi mà mình phải khổ đau. Trong lịch sử tôn giáo, có vị thần nào chấp nhận sự cùng cực và san sẻ những nỗi đau với loài người không? Chỉ có duy nhất Con Thiên Chúa mới bị loài người đóng đanh. Chính cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu là sự an ủi tinh thần rất mãnh liệt cho rất nhiều bệnh nhân đang đau đớn. Mỗi khi chúng ta chịu đau đớn, hãy cố gắng nhìn lên ảnh Chúa để tìm sự an ủi vì Ngài luôn sát cánh đồng hành với chúng ta. Không ai trong chúng ta chịu đau khổ một mình, nhưng bên cạnh mình luôn có Chúa Giêsu và anh em trong cộng đoàn. Cuối cùng thì mỗi người chúng ta cũng nên mặc lấy tâm tình của người trộm lành trong tinh thần ăn năn thống hối và cậy trông phó thác: Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến con.