Từ “hiển” có nghĩa là hiện và “linh” là thiêng hoặc thần. Lễ Hiển Linh (hay còn gọi là lễ Ba Vua) đã có một chiều dài lịch sử từ thời sơ khai của Giáo hội. Danh từ cổ Hy Lạp ἐπιφάνεια (epiphaneia) được dùng để nói đến sự hiện ra bất ngờ của một vị thần. Như vậy cái ý nghĩa của lễ Hiển Linh chính là sự tỏ lộ (hiện thần) của Ngôi Hai Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể làm người. Ba nhà đạo sĩ được diễm phúc đại diện cho nhân loại chứng kiến sự kiện nhập thể có một không hai này. Nói là ba, nhưng thật ra sự phỏng đoán của chúng ta chỉ dựa trên ba lễ vật: vàng, mộc dược và nhũ hương.
Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho nhân loại được nhận biết, nhưng nhân loại có biết nhận hay không còn tùy thuộc vào lòng mong muốn của họ. Ba nhà đạo sĩ chắc phải có lòng mong muốn gặp gỡ Đấng Cứu Tinh thật sự cho nên họ đã không quản ngại đường xa cũng như dâng tặng Ngài những lễ vật quý báu. Họ đã đến với Thiên Chúa một cách thật lòng, không tính toán. Đây cũng chính là cái vẻ đẹp mỗi khi nhắc đến họ trong Phúc Âm. Đáp trả lại sự thật lòng của con người, Thiên Chúa ban cho họ chính Con của Người qua đó tất cả mọi ý nghĩa của cuộc sống được tìm thấy. Nếu con người ai cũng đến với nhau một cách thật lòng thì cuộc đời này sẽ tuyệt vời biết mấy. Trong bất kỳ mọi mức độ tương quan con người, một khi đã có tính toán và không thật lòng với nhau thì tình bạn sẽ không bao giờ bền. Tặng quà cho nhau để chu toàn lễ nghĩa thì cả hai nhận cũng như tặng khó cảm được gì ngoài ngượng ngùng. Nói tóm lại, ai đến với Chúa một cách thật lòng, Thiên Chúa sẽ mở lòng để cho thấy Ngài.