Tạ Ơn

Spread the love
– Lm. F.X. Bùi Ngọc Tỷ   

Phong hủi là một chứng bệnh không có thuốc chữa. Hơn nữa, nó rất hay lây. Người mắc bệnh cùi bị coi như đã chết, vì thế họ bị đuổi ra khỏi làng xóm, sống xa xã hội loài người. Lời Chúa hôm nay nhắc đến những người mắc chứng bệnh khủng khiếp này; nhưng không nói về sự tuyệt vọng mà là niềm vui được chữa lành. Ông Na-a-man được ngôn sứ Ê-li-sê-u chữa lành. Nhờ tỏ lòng biết ơn, ông đã nhận được một ơn còn quý trọng hơn thân xác lành lặn. Đó là ơn đức tin. Mười người phong hủi trong bài Phúc Âm cũng được chữa lành. Nhưng trong nhóm họ, chỉ có một người được ơn đức tin nhờ biết quay lại tạ ơn Chúa.   Tạ ơn là một nhân đức quan trọng giúp gia tăng sức sống cho đức tin. Tạ ơn chia ra làm hai giai đoạn: biết ơn và cám ơn.
Nhiều người cho rằng, tất cả những gì mình có đều do tự mình kiếm được: bằng cấp, nghề nghiệp, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, thức ăn… Họ quên rằng, ai đã cho họ đôi tay và trí óc để kiếm tiền. Ai cho họ mắt để nhìn, tai để nghe, miệng lưỡi để nói, chân để đi? Họ đã trả cho Chúa bao nhiêu để được sắc đẹp và trí khôn hơn người? Họ có tồn tại hay không thì trái đất vẫn quay, mặt trời vẫn mọc và mưa vẫn rơi. Nhưng Chúa cho họ sống và còn chuẩn bị cho họ một chỗ vĩnh viễn trên trời.
 
Chúng ta quen coi những gì mình có như tự nhiên phải có. Chúng ta quên rằng, mình chẳng có làm gì để xứng đáng được những thứ mà mình đang hưởng thụ. Chỉ khi nhận biết đó là ơn lành Chúa ban nhưng không (gratis = free) chúng ta mới có được lòng biết ơn (gratitude). Có lẽ ông Na-a-man và người cùi xứ Sa-ma-ri-a dễ có lòng biết ơn nhờ nghĩ rằng, vì là người ngoại giáo, họ đã không làm gì đáng để được chữa lành. Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu đã nói: “tất cả là hồng ân”.
 
Lòng biết ơn được biểu lộ bằng sự cầu nguyện, nhất là bằng việc cử hành thánh lễ. Thánh lễ, Eucharist, nguyên nghĩa là lễ Tạ Ơn. Chúa Giêsu thay cho loài người tạ ơn Thiên Chúa bằng cách tự hiến mạng sống mình như một của lễ. Giờ đây, chúng ta hợp nhất với Ngài, trở thành hiến lễ, để tạ ơn và thờ phượng Chúa bằng chính cuộc đời mình. Thánh Phaolô trong thư Rôma khuyên nhủ chúng ta: “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12:1)