[one_half] [/one_half]Đoạn cuối của Phúc Âm có nói rõ đây là lần thứ ba Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh. Rất có thể đây là lần thứ ba của Chúa, nhưng lại lần thứ nhất với riêng các môn đệ lần này. Nếu kiến trúc lại tình tiết về tâm trạng của các môn đệ, có lẽ họ đang hồi tâm lại sau biến cố về Chúa chịu chết và chẳng quan tâm mấy về chuyện phục sinh có nghe đâu đó. Họ chỉ chú tâm đến việc đánh cá kiếm cơm như xưa. Họ không màng ngay cả đến chuyện nhận diện người lạ mặt hỏi chuyện đánh bắt cá ra sao. Mãi đến lúc thấy mẻ cá đầy thì họ mới nhận ra được Ngài và Ngài cũng ngồi ăn uống bẻ bánh với họ như bình thường trước cũng như sau phục sinh. Điểm nhấn ở đây là con người và cách cư xử của Đức Kitô với mọi người trước và sau phục sinh vẫn luôn thống nhất là một theo nghĩa hiền hoà, yêu thương và quan tâm cho nhau. Ngài chẳng bao giờ quát tháo hay ra vẻ ta đây sau khi chiến thắng sự chết. Đối với con người thì hoàn toàn khác biệt, lúc nghèo nàn túng thiếu thì lạy lục van xin, nhưng đến khi đổi đời khấm khá hơn một chút thì coi người khác bằng nửa con mắt. Đáng buồn là thái độ coi thường này cũng được tìm thấy ở một số giáo sĩ hay tu sĩ nam nữ. Khi còn là thầy thì hiền lành cung kính, nhưng sau ngày thụ phong thì bỗng nhiên biến thành một ông chủ con có tài xế lái xe riêng. Nếu Chúa Giêsu không thay đổi cách hành xử với con người, thì tại sao con người Kitô hữu lại thay đổi nhanh đến thế? Nói cho cùng, nếu chúng ta không thay đổi để trở nên tốt như Ngài, thì cũng đừng nên thay đổi đi ngược lại với căn tính Kitô. Tốt nhất là hãy sống thật với con người mình với những mỏng giòn yếu đuối của nó.
– Lm. Giuse Nguyễn Tuấn Long