[one_half][/one_half]Tất cả mọi bản văn đều có nguyên nhân gắn liền với bối cảnh xã hội. Bài Tin Mừng tuần này thể hiện rõ nét hai thái cực giàu và nghèo, những chia rẽ giai cấp trong xã hội của Chúa Giêsu bởi thế Tin Mừng không chỉ đến như một lời an ủi cho thành phần chịu bắt bớ gian khổ mà còn là một sự lên án những bất công xã hội. Ở đâu có con người là ở đó khó tránh khỏi nạn phân chia giai cấp. Từ đi máy bay trên cao cho đến tận tàu điện ngầm đều có nhiều loại hạng vé khác nhau: nhất, thương gia, phổ thông đặc biệt rồi mới đến phổ thông. Trong thực tế, giàu có hay nghèo đói không phải là một cái tội hay một sự bất công, nhưng một trong những tội bất công xã hội chính là lương tâm con người không còn biết nhạy cảm trước những đau khổ của đồng loại. Con người sẵn sàng chà đạp lên những giá trị nhân bản để thỏa mãn những mưu đồ cá nhân. Bởi thế Mahatma Gandhi, một nhà lãnh đạo tinh thần nổi danh của Ấn Độ, đã phải đưa ra một danh sách của bảy tội trọng chết người: (1) Wealth without work (Giàu có mà không làm việc), (2) Pleasure without conscience (Trác táng không có lương tâm), (3) Knowledge without character (Kiến thức không có nhân đức), (4) Commerce without morality (Làm ăn không có đạo đức), (5) Science without humanity (Khoa học không có nhân bản), (6) Worship without sacrifice (Thờ phượng không có hy sinh), và (7) Politics without principle (Chính trị không có nguyên tắc).
Ai đang chịu những bất công ở đời này hãy nên nhớ là Thiên Chúa rất công bằng và Ngài đang lắng nghe và nhìn thấy những khổ ai mà quý vị đang trải qua mỗi ngày. Riêng những ai đang làm những chuyện bất công cũng nên nhớ rằng mọi sự quý vị đã và đang chiếm hữu được cuối cùng cũng trở về với hư vô. Trước cái chết, Thiên Chúa rất công bằng. Người giàu hay nghèo cũng chỉ được bằng ấy đấy như nhau và cỏ hoang vẫn mọc um tùm. Nếu còn thời gian và cơ hội ở đời này, chúng ta nên tranh thủ làm một việc tốt mỗi ngày không nhất thiết phải lớn hay nhỏ, nhưng quan trọng là làm hay không. Lm. Nguyễn Tuấn Long