[one_half][/one_half]
Trở ngược dòng thời gian một chút, tại sao lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh và bắt đầu trở lại mùa thường niên? Tại vì đó là ngày Chúa Giêsu chính thức lãnh phép rửa và bắt đầu sứ mệnh truyền giáo của Ngài. Trong Chúa Nhật thứ hai, Ngài đã thực hiện phép lạ đầu tay tại tiệc cưới Cana. Sang tuần thứ ba, Ngài chính thức xác nhận Ngài là sự kiện toàn của lời ngôn sứ Isaiah và công bố sứ mạng của Ngài là đem tin vui đến cho những thành phần nghèo khổ. Trong tuần này, Chúa Giêsu gặp một cái nấc cụt nhỏ khi bị những người dân trong làng chất vấn về lai lịch gia phả của Ngài. Sau đó, họ đã nổi giận và khiến Ngài phải lẩn tránh đi với động thái nhã nhặn ôn hòa. Đây mới chính là thái độ và là cung cách ứng xử của một nhà lãnh đạo cao thượng. Chúa không ganh đua hay chấp nhất hơn thua với những kẻ nhỏ mọn, nhưng Ngài lẳng lặng ra đi để giữ lại sự an hòa.
Không xứ đạo nào có thể tránh khỏi những hiểu lầm xung khắc giữa các hội đoàn, giáo dân và Linh mục rồi ông này ông kia v.v. Các anh em Linh mục thường hay nói đùa với nhau là giáo xứ nào cũng có 5% thành phần gây nhiễu và còn lại đa số 95% là thành phần tuyệt vời trên cả tuyệt vời (nhất quả đất). Khi đối diện với thành phần 5% dù trong bất cứ mọi hoàn cảnh nào đi chăng nữa, người Linh mục vẫn là người thua cuộc và nên chấp nhận phần thua thuộc về mình như Chúa Giêsu đã chấp nhận lẩn tránh ra đi. Giả như Linh mục hay tu sĩ có thắng cuộc đôi co đi chăng nữa thì rốt cuộc mình vẫn là kẻ bại trên phương diện tinh thần. Cách ứng xử của Chúa bỏ ra đi là một bài học chất chứa rất nhiều sự khôn ngoan và nét cao thượng của một nhà lãnh đạo tinh thần. Nói cho cùng, vai trò chính của Ngài là đến đem an bình và hạnh phúc. Nơi nào thiếu trân trọng thì Ngài vẫn tôn trọng để giữ sự hài hòa.
Nếu cái nấc cụt của Chúa được đem vào áp dụng trong đời sống gia đình, cộng đoàn và các sở làm thường xuyên hơn, có lẽ cuộc sống ngày nay cũng bớt đi phần nào sự ngột ngạt của những cơn nóng giận theo nghĩa dĩ hòa vi quý. Lm. Nguyễn Tuấn Long