Ngày của Cha bắt nguồn từ câu chuyện thảm họa hầm mỏ ở Monongah, tây Virginia, Mỹ vào tháng 12.1907. Vụ tai nạn đã khiến 362 người đàn ông thiệt mạng, trong đó có 250 người đã làm cha, nghĩa là khoảng 1.000 đứa trẻ đã mồ côi cha từ sự việc đau lòng này, Đây cũng là tai nạn khai thác mỏ tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nạn nhân hầu hết là người Ý di cư. Cho đến nay, chính quyền ước tính con số nạn nhân thiệt mạng thực tế gần 500 người.
Cô Grace Golden Clayton, một người con mất cha trong tai nạn này, đã tổ chức một buổi lễ tưởng nhớ đến những người cha xấu số tại nhà thờ địa phương tây Virginia. Cô đã chọn ngày chủ nhật gần nhất với ngày sinh nhật của cha cô để tổ chức lễ. Đó cũng chính là nguồn gốc của Ngày của Cha, diễn ra lần đầu vào ngày 5.7.1908. Khoảng 2 năm sau, cô Sonora Smart Dodd, sống ở Shokane, Washington, có người cha là ông William Jackson Smart, từng là cựu chiến binh trong cuộc nội chiến nước Mỹ. Vợ ông chẳng may qua đời khi sinh người con út. Kể từ đó, người cha một thân “gà trống” nuôi 6 đứa con đến lúc trưởng thành.
Cảm phục trước sự hy sinh và tình yêu thương vô bờ của cha dành cho gia đình, cô Dodd quyết định kêu gọi thành lập một ngày để tưởng nhớ công ơn người cha. Với sự giúp đỡ của các mục sư và Hiệp hội Thanh niên Thiên chúa giáo, ngày lễ của Cha đã được tổ chức vào năm 1910. Kể từ đó, Ngày của Cha được vận động trở thành quốc lễ của Mỹ.
Đây là một món quà ý nghĩa, chứa đựng tấm lòng của con cái đối với cha mình, nó vừa là nét đẹp trong cách đối nhân xử thế, vừa là ngày gắn kết tình cảm giữa những người thân trong gia đình với nhau, giúp gia đình thêm yêu thương và hiểu nhau hơn.
Những mẫu chuyện ngắn về Cha
1. Con gái kết hôn mà không được sự đồng ý của cha, sau lại ly hôn. Hai cha con vì vậy mà không nhìn mặt nhau. Con gái nghèo khó chật vật nuôi một đứa con nhỏ. Mẹ thương con gái, khuyên con nhân lúc cha đi bộ thì dắt cháu đến nhà ăn bữa cơm. Vậy là nhân lúc cha đi vắng, con gái thường xuyên dẫn con về nhà mẹ ăn cơm. Cho đến một hôm trời mưa, hai cha con vô tình gặp nhau ở trong sân. Tránh cũng không được, người cha bối rối nói: “Lần sau về nhà ăn cơm không cần phải lén lén lút lút nữa, hại cha mưa to cũng phải đi ra ngoài!”.
Thế đó! Cha lúc nào cũng âm thầm yêu thương con, cho dù con làm sai điều gì, cha đều tha thứ vô điều kiện.
2. Cha: “Con trai, con thấy cha khoẻ không?”
Con: “Dạ khoẻ.”
Cha: “Con thấy Kungfu Thiếu Lâm lợi hại không?”
Con trai: “dạ rất lợi hại.”
Cha: “Nếu như cha cạo đầu, luyện Kungfu Thiếu Lâm có được không?”
Con trai vỗ tay: “dạ rất tốt ạ!”
Ngày thứ hai, con trai thấy cha cạo trọc đầu, vui vẻ nói: “Cha cố lên, nhất định sẽ luyện thành cao thủ”.
Hôm đó, là ngày trước khi cha hoá trị một ngày…
Có nhiều khi, đằng sau một câu chuyện cười là một lời nói dối vô hại, chúng ta không nên chỉ nhìn bề ngoài, mà phải nhìn vào bản chất của sự việc.
(Sưu tầm)