Học Hỏi Sống Đạo – Chúa Nhật 30 Thường Niên

Spread the love

Hỏi: Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như thế nào?

 Đáp: Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện không những với lời kinh Lạy Cha, nhưng còn dạy chúng ta cầu nguyện ngay cả lúc Người cầu nguyện. Với cách thức này, Người cho chúng ta thấy, bên cạnh nội dung của lời cầu nguyện, còn có những thái độ cần thiết cho việc cầu nguyện đích thực: tâm hồn thanh sạch đang tìm kiếm Nước Trời và sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù của mình; sự tin tưởng mạnh mẽ, đầy tình con thảo, vượt quá những gì chúng ta có thể cảm nghiệm và thấu hiểu; sự tỉnh thức giúp người môn đệ tránh được cơn cám dỗ.

Hỏi: Hỏi: Tại sao lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả?

Đáp: Lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả, vì được kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong đức tin. Trong Người, lời cầu nguyện Kitô giáo trở thành sự hiệp thông tình yêu với Chúa Cha.  Lúc đó, chúng ta có thể dâng những lời cầu xin lên Thiên Chúa và sẽ được nhậm lời: “Anh em hãy xin, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24).

Hỏi: Ðức Trinh Nữ Maria đã cầu nguyện thế nào?

Đáp: Kinh nguyện của Ðức Maria phát xuất từ niềm tin và việc quảng đại hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là bà Eva Mới, là “Mẹ của chúng sinh”. Mẹ đã cầu xin Chúa Giêsu, Con của Mẹ, cho những nhu cầu của loài người.

Hỏi: Trong Tin Mừng, có lời cầu nguyện nào của Ðức Maria không? Hỏi: Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem đã cầu nguyện như thế nào?

Đáp: Ngoài lời chuyển cầu của Ðức Maria tại Cana miền Galilê, Tin Mừng còn ghi lại kinh Magnificat (Lc 1,46-55), là lời ca tụng của Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội thánh, là lời tạ ơn trong hân hoan xuất phát từ tâm hồn của những người nghèo khó, vì niềm hy vọng của họ sẽ trở thành hiện thực khi Thiên Chúa thực hiện các lời hứa của Ngài.

Hỏi: Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem đã cầu nguyện như thế nào?

Đáp: Khởi đầu sách Công Vụ Tông Ðồ có ghi lại, trong cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem được Thánh Thần dạy cho biết cầu nguyện, “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).

 

(Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011).