ĐGH Phanxicô: “Tông đồ không chỉ là 12 môn đệ mà là tất cả những người đã chịu phép rửa”

Spread the love

(16.03.2023)- Trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích lý do tại sao tất cả Kitô hữu được kêu gọi truyền giáo. Ngài nói rằng “các tông đồ không chỉ là mười hai môn đệ được Chúa Giêsu tuyển chọn, mà là tất cả những người đã chịu phép rửa, những người hợp thành dân thánh và trung thành của Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Chúa mời gọi chúng ta thực hiện một sứ mệnh và ơn gọi cụ thể khi rửa tội, đồng thời nói thêm rằng “mỗi người thực hiện sứ mệnh đó một cách tích cực và sáng tạo, tùy theo những hồng ân và đặc sủng mà mình đã nhận được”.

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý tiếp tục của chúng ta về lòng nhiệt thành truyền giáo, bây giờ chúng ta xem xét chiều kích tông đồ của việc rao giảng Tin Mừng. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là “tông truyền”. “Tông đồ” theo nghĩa đen là người được “sai đi.” Trong Kinh thánh, chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu đã chọn mười hai Tông đồ, Người gọi các ông đến với và sai các ông đi loan báo Tin Mừng. Sau khi sống lại, Người hiện ra với Nhóm Mười Hai và nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em,” thổi hơi Thánh Thần trên các ông để được ơn tha tội (Ga 20:21-22).

Trong sự đa dạng của các thừa tác vụ và đặc sủng trong Nhiệm thể Đức Kitô, tất cả những người đã chịu phép rửa tội đều được kêu gọi và sai đi để thăng tiến hoạt động tông đồ của Giáo hội. Những người được thụ phong đã lãnh nhận sứ mạng giảng dạy, cai quản và thánh hóa nhân danh và uy quyền của Chúa Giêsu, tuy nhiên tất cả mọi thành phần tín hữu, với tư cách là những người dự phần vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa, được mời gọi làm môn đệ truyền giáo, “những tông đồ trong một Giáo hội tông truyền.” Xin cho việc công nhận phẩm giá chung và sự bình đẳng của chúng ta thôi thúc chúng ta ngày càng hiệp nhất và hợp tác hơn nữa trong việc loan báo, bằng lời nói và gương sáng, tin mừng về sự cứu độ của chúng ta trong Đức Kitô.  

(Lược theo Jos. Tú Nạc, NMS, thanhlinh.net)